Nhiều người, trong đó có cả các chính trị gia và các nhà quan sát chính trị đặt câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có thực hiện cam kết của mình rút quân khỏi Syria hay không? Để trả lời câu hỏi này cần nhìn lại một cách toàn diện chính sách của ông Trump kể từ khi ông lên làm Tổng thống của nước Mỹ từ 20/1/2017 đến nay.
Ván cờ không thể lật ngược
Thực tế, ông Trump đã manh nha kế hoạch rút quân khỏi Syria từ lâu, kể từ khi ông bắt đầu chiến dịch tranh cử năm 2016. Là một người có tư tưởng thực dụng, ông không thấy có lựa chọn nào khác tốt hơn.
Mục tiêu ban đầu của việc Washington đưa quân sang Syria là nhằm ủng hộ các lực lượng đối lập lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad và kiểm soát Syria. Tuy nhiên, tình hình quân sự cũng như chính trị tại Syria gần đây đã thay đổi không theo kịch bản của Mỹ.
Về quân sự, được Nga và Iran hỗ trợ, quân đội Syria đến nay đã giải phóng được hơn 90% lãnh thổ và làm chủ chiến trường. Thổ Nhĩ Kỳ trong mọi trường hợp không chấp nhận việc Mỹ đóng quân ở Đông Bắc Syria để ủng hộ các lực lượng dân chủ Syria (SDF), đứng đầu là "Các đơn vị bảo vệ nhân dân của người Kurd" (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ mở một chiến dịch quân sự mới và sẵn sàng đối đầu với quân Mỹ tại Manbij và Đông Bắc Syria. Có thể nói, tình hình trên chiến trường Syria là không thể đảo ngược được.
Về chính trị, vị trí của chính quyền Syria và Tổng thống Bashar Al-Assad ngày càng được củng cố.
Vị trí của chính quyền Syria và Tổng thống Bashar Al-Assad ngày càng được củng cố. Ảnh: Reuters
Các nước Ả Rập, đặc biệt là các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đồng minh của Mỹ vốn tẩy chay chính quyền Assad đang nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế với Damascus. Liên đoàn Ả Rập cũng đang xem xét khả năng khôi phục lại tư cách thành viên của Syria bị đình chỉ từ 2011 đến nay.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thì tích cực thúc đẩy các cuộc thương lượng Astana nhằm tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột. Việc thành lập được Ủy ban hiến pháp Syria với sự tham gia của chính phủ Syria, các tổ chức đối lập và các lực lượng chính trị, xã hội khác là một bước mở đầu quan trọng trong tiến trình hoà bình Syria.
Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang nắm con át chủ bài quan trọng nhất trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và số phận của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, người có liên quan trực tiếp đến vụ án. Điều này có nghĩa là Ankara có vai trò hết sức quan trọng trong bàn cờ chiến lược Trung Đông.
Trong tình hình như vậy, dù Mỹ có đưa thêm các lực lượng chứ chưa nói đến việc giữ chỉ vẻn vẹn 2.000 quân ở Syria cũng không thể lật ngược được ván cờ tại đây.
Ông Trump không chỉ là một chính trị gia thực dụng, mà ông còn là một doanh nhân. Tư duy của doanh nhân Trump là đã đầu tư vào bất cứ dự án nào thì phải nắm chắc phần thắng và nếu trong quá trình thực hiện cảm thấy có nhiều vấn đề phức tạp thì cần rút sớm để bảo toàn vốn.
Quyết định đúng đắn
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ nước Mỹ, nhưng phải khẳng định rằng, quyết định của ông Trump rút quân Mỹ khỏi Syria lúc này là đúng đắn.
Việc các lực lượng quân sự của Mỹ hiện diện ở Syria là bất hợp pháp, không được sự đồng ý của chính phủ Syria và cũng không được sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Hơn nữa, việc duy trì 2.000 quân Mỹ tại Syria không những hết sức tốn kém mà còn không xoay chuyển được tình thế. Đã phát động một cuộc chiến tranh thì phải biết cách kết thúc nó và kết thúc nó vào lúc nào.
Hiện Mỹ có khoảng 2.000 quân ở Syria. Ảnh: Reuters
Năm 1975, Mỹ đã bỏ rơi chế độ Sài Gòn khi cuộc chiến bước vào hồi kết và trước tình thế quân Mỹ không thể cứu vãn được sự sụp đổ của nó trước bước tiến mạnh mẽ của quân giải phóng. Tình hình quân Mỹ ở Syria hiện nay cũng có nhiều phần tương tự như vậy.
Washington không thể tiếp tục ủng hộ thiểu số người Kurd mà để mất đi quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên cửa khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đồng minh của Mỹ ở khu vực Trung Đông và cũng không thể không quan hệ với ông chủ của Syria, Tổng thống Assad, nhân vật duy nhất hiện nay có thể giữ được ổn định tại nước này.
Trước đây khi lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan (2001), Saddam Hussein ở Iraq (2003) và Muammar Al-Qaddafi ở Libya (2011), Wahington hy vọng tình hình các nước này sẽ tốt hơn lên. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Cả ba nước đều rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 17/12/2018, tức trước khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân hai ngày, Phái viên của Mỹ về Syria James Jeffrey tuyên bố Mỹ không có ý định thay đổi chính quyền Syria và tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad.
Có lẽ chính vì vậy, ông Trump đã không nghe các cố vấn của mình và quyết định chấm dứt sự có mặt quân sự không chỉ ở Syria mà còn ở Afghanistan nữa. Ngay sau khi tuyên bố rút khỏi Syria, ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ rút 7.000 trong tổng số 14.000 quân Mỹ ở Afghanistan vào đầu năm tới.
Đáng lưu ý, Tổng thống Trump quyết định rút quân khỏi hai nước này trước khi đạt được giải pháp chính trị và không gắn với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
4 năm ở Syria, 17 năm ở Afghanistan, Mỹ đã không giải quyết được vấn đề gì. Ở Syria, vị thế của Tổng thống Assad ngày càng được củng cố. Ở Afghanistan, các lực lượng Taliban ngày càng mạnh và kiểm soát hơn một nửa đất nước. Washington đã hiểu được rằng vấn đề Syria, Afghanistan không thể giải quyết được bằng quân sự.
Nhiều thông tin rò rỉ ra ngoài cho biết chính quyền Mỹ đang có các cuộc đàm phán sau hậu trường với Damascus, Tehran và Taliban để tìm ra một giải pháp thỏa đáng cho các cuộc xung đột kéo dài này, đảm bảo được lợi ích của Mỹ và các bên liên quan.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra một cách dễ dàng và càng không có nghĩa là Mỹ sẽ chấm dứt cuộc chơi để Trung Đông rơi vào tay tam giác Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, việc rút quân Mỹ khỏi Syria và Afghanistan là một việc dường như đã được Nhà Trắng định đoạt. Một số đơn vị của Mỹ đã rời khỏi Manbij. Động thái này là nằm trong chiến lược chung của Mỹ nhằm giảm bớt cam kết và sự có mặt của Mỹ tại Trung Đông để tập trung đối phó với các khu vực khác quan trọng hơn.
Muốn nói gì thì nói, việc rút quân Mỹ khỏi Syria, Afghanistan, việc Mỹ chấm dứt ủng hộ liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu can thiệp vào cuộc nội chiến Yemen là những tín hiệu tích cực mở cánh cửa cho các cuộc thương lượng nhằm tìm ra giải pháp cho các cuộc xung đột tại Trung Đông.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại