Từng là một trong những quốc gia ổn định nhất Châu Phi, Libya đã bị tàn phá bởi nội chiến kể từ khi NATO can thiệp vào cuộc nổi dậy ở quốc gia này vào năm 2011, khiến lãnh đạo lâu năm là Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ và giết hại, đất nước bị chia cắt thành nhiều khu vực do nhiều thế lực chính trị kiểm soát.
Kể từ khi trở thành người đứng đầu của Lực lượng Quân đội Quốc gia Libya tự xưng (LNA) vào năm 2014, tướng Haftar đã giành được một vùng lãnh thổ lớn ở Libya, trong đó có Benghazi, thành phố lớn thứ hai của đất nước, vào tháng 7/2017 và nhiều giếng dầu ở khu vực tây nam Libya.
Vào ngày 4/4, tướng Haftar đã ra lệnh tiến quân về phía thủ đô Tripoli. Rất nhiều lực lượng dân quân trung thành với Thủ tướng Serraj, người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận, đã tập trung tại Tripoli để bảo vệ chính quyền này.
Theo chuyên gia nghiên cứu Vijay Prashad, giám đốc viện nghiên cứu xã hội Tricontinental: Institute for Social Research, Châu Âu đang để mắt đến dầu mỏ có hàm lượng lưu huỳnh thấp của Libya, vốn không cần phải qua nhiều công đoạn tinh luyện từ rất lâu, và tướng Haftar là người được chọn để Châu Âu có thể có nguồn tài nguyên quý giá này.
“Vào những năm 2015 – 2016, Liên Hợp Quốc đã có cuộc trao đổi với nhiều thế lực chính trị ở Libya để thành lập Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, hiện đang được ông Serraj đứng đầu và đang hoạt động ở Tripoli cùng với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Libya Ghassan Salame”, ông Prashad nói.
“Chính phủ này trong 4 năm qua chủ yếu tập trung vào việc củng cố sự ủng hộ của phương Tây và không thể thỏa mãn nhu cầu cơ bản của người dân như điện, nước và an ninh. Họ được hỗ trợ bởi rất nhiều lực lượng dân quân khác nhau, được sản sinh sau cuộc không kích của NATO năm 2011”.
“Ngược lại, ông Haftar là một nhân vật thú vị. Ông ta từng sống tại một nơi chỉ cách tổng hành dinh CIA ở Langley, bang Virginia (Mỹ) có 10 phút đi xe từ năm 1987 đến 2011.
Sau đó, ông ta xuất hiện tại Benghazi với hi vọng trở thành thủ lĩnh của cuộc nổi dậy chống chính quyền Gaddafi. Vào thời điểm đó, Qatar cũng hậu thuẫn để đưa một người khác vào vị trí này, đó là Mahmoud Jibril”.
Ông Jibril đóng vai trò là thủ tướng lâm thời của Libya trong phần lớn năm 2011, trong khi các lực lượng trung thành với chính phủ Gaddafi vẫn tiếp tục chiến đấu. Sau khi phe Gaddafi mất Sirte, pháo đài cuối cùng của họ, vào tháng 10 năm đó, ông Jibril đã từ chức và giờ đây là người đứng đầu một trong những đảng lớn nhất của Libya là đảng Liên minh Mặt trận Quốc gia.
“Vì lý do này, ông Haftar rất tức giận. Ông ta không thể trở thành người đứng đầu đất nước sau khi chính phủ Gaddafi bị lật đổ. Năm 2014, ông ta có ý định tiến hành đảo chính nhưng thất bại. Nhưng giờ đây dường như ông ta đang được rất nhiều nước ủng hộ, trong đó có Ả Rập Xê út, UAE và Ai Cập.
Đáng chú ý hơn cả, ông ta cũng được Pháp ủng hộ”, ông Prashad nói, đồng thời khẳng định rằng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã đến gặp mặt Haftar nhiều lần trong quá khứ. “Chắc chắn Mỹ và Nga cũng đang đứng về phía ông này”.
“Điều thú vị ở đây là Haftar mặc dù được tất cả mọi người ủng hộ, nhưng họ không thể công khai tiết lộ điều này bởi họ phải hỗ trợ chính phủ do Liên Hợp Quốc công nhận kia”, ông Prashad nói.
“Chúng ta có thể thấy rằng Mỹ vừa mới rút quân khỏi Tripoli, tôi nghĩ điều này là do họ không muốn quân đội của mình bị đặt vào thế phải bảo vệ chính quyền Tripoli. Về cơ bản đây là hành động trải thảm đỏ chào mừng ông Haftar vào Tripoli”.
Binh lính LNA rầm rập tiến quân về phía thủ đô Tripoli.
Mặc dù chìm trong sự hỗn loạn từ năm 2011 tới nay, dầu mỏ vẫn được xuất khẩu từ Libya (mặc dù với một tỉ lệ thấp hơn trước đó).
Ông Prashad cho biết lợi nhuận từ dầu mỏ đáng lẽ phải vào tay Bộ Dầu khí Quốc gia ở Tripoli, nhưng lúc này các mỏ dầu ở Libya đều do các lực lượng dân quân kiểm soát và những lực lượng này thường bán dầu ra chợ đen (một số lực lượng dân quân trung thành với chính phủ ở Tripoli vẫn cung cấp lợi nhuận từ dầu mỏ thu được cho chính phủ này).
“Hãy nghĩ mà xem. Nếu anh là một trong những nước Châu Âu, anh không quan tâm đến việc dầu mỏ từ Libya đến từ chợ đen hay từ chính phủ Tripoli”, ông Prashad nói. Điều này theo ông là do dầu mỏ của Libya là “ngọt ngào” nhất trên thế giới “do không cần phải tinh luyện nhiều, và đây là điều mà Châu Âu đã để mắt đến từ rất lâu”.
Ông Prashad tin rằng “tướng Haftar có thể sẽ giành được chiến thắng cuối cùng”, và tuy ông đang vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ lực lượng thân chính quyền Tripoli, nhưng “Haftar đã chứng mình rằng ông ta sẵn sàng cho phép quân đội của mình dùng mọi biện pháp vũ lực để chiến đấu, và đến nay không ai chỉ trích ông ta cả”.