Rút lính Mỹ khỏi Syria: "Buông bỏ để tự cứu chính mình", ông Trump tránh "dẫm vào chân" một đồng minh lớn

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Quyết định "chấn động" của ông Trump sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới cả cục diện và tương quan lực lượng tại Syria.

Quyết định chiến lược

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa gây bất ngờ lớn với quyết định triệt thoái ngay những binh lính Mỹ ra khỏi Syria. Nhà Trắng cho biết trong thời gian từ 60 đến 100 ngày thì việc rút hết quân Mỹ sẽ hoàn tất.

Từ năm 2014, tức là từ thời người tiền nhiệm Barack Obama của ông Trump còn "trị vì" nước Mỹ, Mỹ đã can thiệp quân sự vào tình hình chính trị nội bộ và chiến sự ở Syria bằng 2 cách là không kích quân sự và đưa đến Syria khoảng 2000 binh lính và nhân viên để giúp huấn luyện, cố vấn và tham mưu cho lực lượng vũ trang YPG của người Kurd trong liên minh Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở vùng lãnh thổ phía bắc Syria giáp biên với Thổ Nhĩ Kỳ.

YPG và SDF cũng là những đồng minh và đối tác chính của Mỹ trong cả cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lẫn chống chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Rút binh lính và nhân viên Mỹ ra khỏi Syria vì thế là một sự điều chỉnh và quyết định chiến lược rất quan trọng, gây tác động lên cả cục diện tình hình lẫn tương quan lực lượng. Cả chiến sự hiện tại lẫn tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho Syria rồi sẽ thay đổi rất cơ bản.

Rút lính Mỹ khỏi Syria: Buông bỏ để tự cứu chính mình, ông Trump tránh dẫm vào chân một đồng minh lớn - Ảnh 1.

Rút binh lính và nhân viên Mỹ ra khỏi Syria là một sự điều chỉnh và quyết định chiến lược rất quan trọng. Ảnh: AP

Mỹ đứng về phía YPG nhưng Thổ Nhĩ Kỳ - cũng đồng minh trong NATO như Mỹ - lại chủ trương tiêu diệt YPG để loại trừ tận gốc rễ tiềm lực quân sự của người Kurd ở Syria cũng như làm tiêu tan khát vọng của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran về thành lập một nhà nước độc lập tại những khu vực này.

Lợi ích và ý đồ chiến lược của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến YPG hoàn toàn trái ngược nhau.

Xưa nay, rất hiếm thấy ở nước Mỹ có quyết sách quân sự nào của tổng thống đương nhiệm mâu thuẫn với quan điểm của Bộ Quốc phòng và quốc hội Mỹ như quyết định nói trên của ông Trump. Điều này chỉ có thể hiểu và lý giải được khi phải hiểu rằng ở mọi quyết sách cho tới nay, ông Trump luôn vì mình trước hết và "Trump First" còn được ưu tiên hơn cả "America First".

Ông Trump muốn tránh "quân ta chiến quân mình"

Lý do trước hết cho quyết sách nói trên của ông Trump là dự định của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự mới nhằm vào YPG ở vùng miền bắc Syria.

Không phải Thổ Nhĩ Kỳ không biết rằng ở khu vực đó có khoảng 2.000 binh lính và nhân viên Mỹ. Cũng không phải Thổ Nhĩ Kỳ không biết Mỹ đứng chống lưng cho YPG và người Kurd ở nơi đây.

Nhưng tiêu diệt YPG và đè bẹp ý chí độc lập của người Kurd có ý nghĩa an ninh chiến lược sống còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ và vấn đề người Kurd ở Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải quyết khía cạnh quân sự trước khía cạnh chính trị.

Nga và chính thể của ông Assad càng thắng thế ở Syria và tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho vấn đề Syria càng diễn tiến thuận lợi thì Thổ Nhĩ Kỳ càng khó có thể giải quyết được vấn đề người Kurd ở Syria theo ý mình.

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng bất chấp cả Mỹ để tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào YPG ở Syria. Ông Trump phải rút quân Mỹ ở đó đi thì mới tránh được nguy cơ xảy ra "quân ta chiến quân mình" giữa hai thành viên NATO này.

Rút lính Mỹ khỏi Syria: Buông bỏ để tự cứu chính mình, ông Trump tránh dẫm vào chân một đồng minh lớn - Ảnh 2.

Hơn nữa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xoa dịu ông Trump bằng cách thông báo trước cho Mỹ biết về dự định tấn công quân sự và quyết định bỏ ra 3,5 tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ chứ không mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, giúp ông Trump có lập luận để trang trải nhu cầu đối nội.

Nguyên nhân thứ hai là ông Trump hiện lại gặp khó khăn lớn ở Mỹ khi quá trình điều tra về cáo buộc rằng Nga dính líu đến can thiêp vào bầu cử ở Mỹ đang trở nên ngày càng thêm nguy hiểm đôi với ông Trump.

Xưa nay, những người cầm quyền ở Mỹ thường gây sôi động về đối ngoại mỗi khi gặp khốn khó về đối nội. Ông Trump cũng đâu có phải là trường hợp ngoại lệ. Quyết sách kia khiến khó khăn và khó xử về đối nội hiện tại của ông Trump bớt bị để ý đến hơn.

Nguyên cớ thứ ba là nhận thức của ông Trump cho rằng Mỹ không còn có thể làm gì hơn được nữa ở Syria, không còn đảo ngược hay xoay chuyển được tình thế mà Nga cùng đồng minh đã gây dựng nên được ở Syria, lại càng không thể lật đổ được ông Assad.

Rút lính Mỹ khỏi Syria: Buông bỏ để tự cứu chính mình, ông Trump tránh dẫm vào chân một đồng minh lớn - Ảnh 3.

Lý trí xem ra đã chiến thắng tình cảm ở người này và mách bảo ông ta rằng chuyện trong nước và ngoài nước Mỹ đã đến nước này rồi mà không quyết thế thì sẽ thành quá muộn và chỉ lợi ít hại nhiều đối với nước Mỹ và cá nhân mình.

Quyết định rút quân lại vẫn còn giúp ông Trump có được tác động dân tuý của phương châm "Nước Mỹ trước hết" ở dân Mỹ.

Trên thực tế, ông Trump đã buông bỏ đồng minh và đối tác chính ở Syria.

Vai trò của Mỹ trong tiến trình chính trị hoà bình ở Syria vì thế sẽ suy giảm và các đồng minh, đối tác của Mỹ ở những nơi khác trong khu vực sẽ ngờ vực và hoài nghi nhiều hơn về cam kết của Mỹ.

Có thể dễ dàng nhận thấy phe được lợi nhiều nhất là chính phủ Syria, Iran và Nga. Không phải ông Trump không thấy điều ấy, nhưng để cứu chính mình thì trước mắt phải buông bỏ đã, tới đây thế nào thì sẽ lại tính và quyết sau. Chẳng phải ông Trump đã nổi tiếng là hay thay đổi quyết định đó sao?

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại