Rút khỏi Syria là "âm mưu", Nga dễ vướng phải "cái bẫy" mà Mỹ sắp đặt?

Quốc Vinh |

Mỹ rời đi. Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên thành quyền lực mới. Trong khi đó, chính quyền Assad, Nga và Iran có thể rơi vào cái bẫy của Washington.

Việc Mỹ rút khỏi Syria mà không rút khỏi Iraq được coi là một âm mưu, chuyên gia Maria Dubovikova từ Câu lạc bộ Nghiên cứu Trung Đông có trụ sở tại Moscow (IMESClub), nhận định.

Nga sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên vào tháng 1 để thảo luận về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi Syria và làm thế nào để ứng phó với diễn biến mới này mà không mất đi những biến đổi tích cực ở quốc gia Trung Đông.

Nói cách khác, Nga sẽ không để những thế lực khác gặt hái lợi ích từ động thái của Mỹ ở Syria và sẽ chống lại bất kỳ hoạt động khủng bố nào liên quan đến việc rút quân.

Theo Al Arabiya, cuối năm 2018 mang đến nhiều bất ngờ và tiết lộ một số diễn biến quan trọng trên đường đua Syria. Một số cường quốc khu vực đã nhận ra rằng việc rút quân này là dấu hiệu rất tích cực cho một tương lai tươi sáng hơn ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá lâu năm.

Đại sứ quán UAE đã mở cửa trở lại ở Damascus và đại sứ quán Bahrain sẽ sớm hoạt động sau nhiều năm vắng bóng. Saudi Arabia không có lý do gì để chống lại tiến trình Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập và Tunisia đã nối lại các chuyến bay với Syria.

Quân đội Damascus đã tiến vào Manbij sau khi lực lượng dân quân người Kurd (YPG) rút ra trước khi chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ khởi động, do đó phá vỡ kế hoạch ban đầu của Ankara.

Rõ ràng, một số quốc gia Ả Rập đã quyết định thay đổi chiến lược liên quan đến Syria, để tìm kiếm sự quay trở lại ở quốc gia này thay vì để Iran gây dựng ảnh hưởng hoàn toàn.

Họ cho rằng việc Syria quay trở lại quỹ đạo Ả Rập sẽ hạn chế sức mạnh của Iran trong khu vực và theo tuyên bố của Ngoại trưởng UAE, Anwar Gargash, họ sẽ không để khu vực này bị Iran can thiệp.

Các cuộc thảo luận của các quốc gia Ả Rập liên quan đến việc chuyển đổi quyền lực ở Syria giờ đây đã trở nên vô nghĩa, đặc biệt khi họ hiểu rằng dù bất kỳ cuộc bầu cử nào được tổ chức ở Syria, người chiến thắng rất dễ đoán.

Hiện tại, các nước Ả Rập có thể đi đến một thỏa thuận với Tổng thống Assad với lời đề nghị nhà lãnh đạo Damascus trở lại trong vòng tay chào mừng của những người bạn Ả Rập cũ và sớm rời bỏ Iran.

Chính bởi vậy, tình trạng của Iran lúc này là khó khăn và sự can thiệp của Nga cũng đang đặt ra nhiều câu hỏi.

Theo các nhà phân tích, Moscow đang tạo cơ hội thay thế các lực lượng được Iran hậu thuẫn bằng quân đội Sudan, điều này sẽ hạn chế những lý lẽ của Israel trong việc gieo rắc các vấn đề ở biên giới và cái cớ để không kích các mục tiêu bị cáo buộc là cơ sở của Iran ở Syria.

Cái bẫy ngọt ngào

Tuy nhiên, chuyên gia Maria Dubovikova cho rằng, việc rút quân là một cái bẫy giống như người Nga thường nói: Luôn có một ít độc trong mật ong. Động thái này của Mỹ được thiết kế như một cái bẫy dành cho Nga, chính quyền Syria và Iran nhiều hơn, chứ không phải là một sự rút lui để cân nhắc về tính hợp lý hay kinh tế.

Mặc dù Damascus hài lòng với thông báo này, nhưng có rất ít niềm vui trên thực tế. Khoảng trống do việc rút quân có khả năng dẫn dắt Syria trở thành một Iraq thứ hai.

Cùng với đó, việc rút quân của Mỹ củng cố đáng kể vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu tính đến cả mối quan hệ đang ấm lên gần đây giữa Ankara và Washington, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là một trong những thế lực mạnh nhất trong khu vực.

Sự phát triển này đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một mối lo ngại cho các bên tham gia ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ đang dần khó đoán hơn trong động thái về chính sách đối ngoại. Nước này cũng trở nên quyết liệt hơn khi theo đuổi các mục tiêu địa chính trị của mình, bao gồm xóa bỏ mối đe dọa người Kurd.

Vào cuối năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ rõ ý định can thiệp quân sự ở phía Đông Euphrates dưới vỏ bọc là một biện pháp phòng ngừa. Đây là những gì Washington muốn, nhưng nó lại có nguy cơ đối đầu với người Nga, người Iran và quân đội Syria.

Về cơ bản, Ankara và Washington cũng không muốn một cuộc đụng độ như vậy nhưng cả hai thấy rằng Moscow sẽ chấp nhận thỏa hiệp.

Một cuộc trả giá mạo hiểm

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng việc trả giá một cách mạo hiểm như vậy để thao túng nhiều hơn ở Syria sẽ đe dọa đến an ninh của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn va chạm với Nga, quân đội Syria và Iran, ngay cả khi các bên không hề muốn đối đầu trực tiếp. Sau đó các nước sẽ rơi vào một cuộc chiến tiêu hao tốn kém.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy tự tin hơn về những gì nước này có thể thắng.

Theo dự đoán của giới phân tích, trong nửa đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Moscow và Tehran để phối hợp các động thái của riêng mình, vì Ankara vẫn cần kiểm tra sự chân thành của Mỹ khi Washington nói về hợp tác ở Syria và nhiều vấn đề khác.

Cũng đáng chú ý hơn là việc rút quân của Mỹ tạo cơ hội cho IS tập hợp lại lực lượng và lấy lại khả năng hoạt động mạnh mẽ hơn trong nhiều năm tới, gây nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực.

Đó có thể là kế hoạch của Mỹ để mở đường trở lại Syria một khi IS trỗi dậy một lần nữa, đồng thời chứng minh cho thế giới thấy rằng các nước như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bất lực nếu không có bàn tay hùng mạnh của Washington. Tuy nhiên, chuyên gia Maria Dubovikova cho rằng, đây chỉ là một giả định.

Syria hiện đang vững bước đi trên con đường của riêng mình. Phần lớn các diễn biến gần đây đang mang lại hy vọng, thay vì lan truyền sự hoài nghi. Tất cả các cường quốc khu vực đang cố gắng tìm một giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Syria và loại bỏ sự can dự của Iran. Những tuần tới sẽ cho biết liệu việc rút quân của Mỹ có giúp họ đạt được mục tiêu này hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại