Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng được ký kết năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ toàn bộ tên lửa hạt nhân ở châu Âu có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.
Dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã triển khai và thử tên lửa hành trình bắn từ mặt đất 9M729 - một động thái mà Mỹ cho là đã vi phạm Hiệp ước. Những tranh cãi về vấn đề này diễn ra suốt từ năm 2013. Nga phủ nhận việc vi phạm Hiệp ước, trong khi một số báo cáo của Mỹ khẳng định Nga đã sẵn sàng triển khai loại tên lửa hành trình mới.
Trước vấn đề này, Tổng thống Trump đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ chấm dứt và rút khỏi Hiệp ước này". Về lý thuyết, nếu đe dọa của ông Trump đưa đến một thỏa thuận mới với những thay đổi nhất định, Tổng thống Mỹ đã đạt được mục đích của mình.
Tuy nhiên, một khả năng khác gây lo ngại hơn cho Mỹ là nếu Washington thực sự từ bỏ Hiệp ước này, ông Putin sẽ không còn gặp trở ngại trong việc phát triển các loại vũ khí như vậy nữa. Năm 2018, trong bài phát biểu tại Hội đồng Liên Bang, ông Putin đã cho chiếu các video về các hệ thống mà Nga sẽ phát triển trong tương lai như tên lửa hành trình hoạt động bằng năng lượng hạt nhân có thể bay xa tới hàng nghìn dặm.
Chưa cần nói đến liệu hệ thống vũ khí tiên tiến này có thể hoạt động không, ông Putin rõ ràng đang muốn cảnh báo phương Tây không nên đánh giá thấp sức mạnh của Nga. Thực tế là, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Nga không chỉ có thể tự do phát triển các loại tên lửa và vũ khí mà còn đạt được những lợi thế nhất định về mặt uy tín và ngoại giao.
Ông Trump có vẻ như rất quyết tâm với việc sử dụng các biện pháp cưỡng ép cứng rắn khi tuyên bố rằng: "Chúng tôi sẽ phát triển các loại vũ khí. Dù vậy, nếu họ nói rằng "Đừng phát triển các loại vũ khí hạt nhân kinh khủng đó", tôi sẽ rất vui với điều này. Tuy nhiên, nếu ai đó vi phạm thì chúng tôi sẽ không là bên duy nhất tuân thủ Hiệp ước này nữa".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã đúng khi nhận thấy rằng Hiệp ước hạt nhân Nga - Mỹ không hề có Trung Quốc. Ông đã khẳng định trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Moscow rằng: "Đó là một Hiệp ước liên quan đến tên lửa đạn đạo song phương thời Chiến tranh Lạnh nhưng lại đang đặt trong một thế giới đa cực phát triển tên lửa đạn đạo".
Trung Quốc, vốn không bị kiểm soát bởi Hiệp ước INF đã nhanh chóng mở rộng các lực lượng tên lửa tầm trung. Gần đây, quốc gia này đã bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo DF-26, được mệnh danh là "kẻ hủy diệt đảo Guam" và là "sát thủ diệt tàu sân bay" khi có thể nhắm bắn hiệu quả tới cả căn cứ không quân và hải quân ở Guam cũng như các tàu sân bay của Mỹ. Sự cân bằng quyền lực về mặt quân sự đang thay đổi ở phía tây Thái Bình Dương và chính việc xây dựng các loại tên lửa của Trung Quốc đã góp một phần không nhỏ vào sự thay đổi ấy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liệu có tìm kiếm một thỏa thuận mới sẽ bao gồm cả châu Á nữa hay không? Khả năng cho tình huống này vẫn còn khó đoán định.
Tuy nhiên có một điều chắc chắn là một cuộc chạy đua vũ trang mới sẽ gây sức ép lên ngân sách của Mỹ, thử thách lòng kiên nhẫn của các đồng minh châu Âu và tạo nên những trở ngại mới cho việc mở rộng Hiệp ước vũ khí chiến lược New START năm 2010.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki, Tổng thống Trump đã thúc đẩy việc cải thiện mối quan hệ với ông Putin và các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nên tận dụng điều này. Thay vì rời khỏi Hiệp ước INF, Tổng thống Mỹ nên nỗ lực thay đổi những bất cập của Hiệp ước hạt nhân này cùng với ông Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ tiếp theo. Đó có lẽ là một giải pháp thông minh hơn so với việc tiếp tục lặp lại vòng xoáy chạy đua vũ trang nguy hiểm như thời Chiến tranh Lạnh./.