Hơn một tuần qua, bóng đá Việt lại chấn động mạnh và lần này lại vẫn là Bầu Đức với những phát ngôn thẳng thắn, không kiêng dè của mình nhắm vào bầu Tú - ông bầu đi lên từ bóng đá trong nhà Futsal. Hiện tại, bầu Tú được gọi là "ông lắm chức" khi đang nắm giữ hầu hết những vị trí quan trọng bậc nhất của làng bóng đá Việt, không khó để có thể lược qua:
1. Chủ tịch HĐQT VPF
2. Tổng giám đốc VPF
3. Trưởng ban điều hành giải V.League
4. Uỷ viên thường trực VFF
5. Trưởng ban futsal
6. Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM HFF
7. Chủ tịch CLB Thái Sơn Nam
Câu chuyện tưởng chừng như chỉ là những trao đổi về quan điểm của người làm bóng đá. Thông thường, đối tượng mà Bầu Đức nói đến có thể là bất kì ai, nếu như ông Bầu gốc Bình Định cảm thấy rằng nó không hợp lí.
Vì cả làng bóng, ai mà không biết ông vốn chẳng bao giờ chú ý chau chuốt đến ngôn từ. Khi ông thích, ông sẽ nói... nhưng rốt cuộc nó lại được đẩy lên đến cao trào qua nhiều những lời "gợi ý", đỉnh điểm là ngày hôm kia, ông cho biết trước truyền thông:
"Nếu sắp tới, anh Tú trúng cử (chức Phó chủ tịch (PCT) VFF phụ trách tài chính), thì tôi cho Công Phượng, Xuân Trường nghỉ đá bóng ngay...."
Khoan hãy luận bàn về chuyện đúng, chuyện sai, vì đó không phải là mục đích của tác giả. Trong một thế giới hỗn độn như làng bóng đá nước nhà, nếu nghĩ đó là đúng, thì có hàng ngàn lí do thuyết phục, nhưng nếu nghĩ đó là sai, thì thậm chí, có cả tỷ lí do để mà chứng minh.
Vậy thì chuyện đúng, chuyện sai, hãy để những cơ quan chức năng, những nơi có thẩm quyền giải quyết, người viết chỉ muốn đề cập đến những hệ quả từ câu nói của Bầu Đức nếu điều đó xảy ra...
"Tôi khẳng định, nếu Trần Anh Tú trúng cử vào ghế PCT tài chính VFF, một ngày sau tôi sẽ rút HAGL khỏi V.League, tạm thời cho Công Phượng, Xuân Trường và các đồng đội nghỉ đá bóng một thời gian. Làm chuyên nghiệp lâu rồi, nghỉ một hai năm cũng không sao" - bầu Đức phát ngôn.
1. Công ty CPTT HAGL được mở ra và có rất nhiều những lứa cầu thủ hiện đang sinh hoạt, tập luyện tại đây. Đích đến của những cầu thủ này nhìn vào một cách cụ thể nhất là V-League. Sẽ thế nào nếu HAGL "nghỉ chơi" V-League vài năm? Tất nhiên sẽ không loại trừ khả năng nơi này phải đóng cửa.
Các cầu thủ chắc chắn sẽ có một chiến lược riêng dành cho họ, nhưng hơn 200 con người hiện đang công tác tại đây từ những người làm văn phòng hành chính, cho đến những người phục vụ hậu cần (y tế, ăn uống, cây xanh...) cũng sẽ nghiễm nhiên được... khuyến khích tìm một công việc khác. Vì đội bóng không có, chắc chắn sẽ chẳng thể tiếp tục công việc phục vụ.
2. Nhà tài trợ sẽ tiếp tục đồng hành cùng HAGL nếu như họ chia nhỏ cầu thủ ra để xuất ngoại? Trong trường hợp không, thì giữa HAGL và Nhà tài trợ sẽ có nhiều vấn đề phải ngồi lại với nhau bàn bạc.
3. Từ lâu, Học viện bóng đá HAGL JMG đã tạo được danh tiếng của mình. Họ cho ra lò lứa cầu thủ Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn... làm nức lòng người hâm mộ dù rằng trong vài năm gần đây, với việc thay đổi chính sách, khóa 3 Học viện đã ít nhiều bị ảnh hưởng.
Đó là bởi những khó khăn trong việc tuyển sinh (phong trào bóng đá trẻ phát triển trên cả nước kéo theo các nơi đều giữ quân lại cho mình), việc tập luyện gián đoạn (2 năm HLV Guillaume Graechen lên công tác tại đội tuyển và V.League) và đội hình chắp vá (kết hợp với năng khiếu HAGL).
Nhưng Học viện HAGL cũng đã kịp cung cấp cho đội tuyển U19 quốc gia những tài năng trẻ rất triển vọng, có thể kể đến Minh Bình (12.1999), Bảo Toàn (2000), Dụng Quang Nho (2000)... và rất nhiều những tài năng trẻ khác đang mong chờ cơ hội được thể hiện bản thân.
Chưa kể đó còn là một khóa 4 rất tài năng (sinh năm 2002-2003-2004) được ươm mầm bởi chính HLV Guillaume kể từ ngày đầu bước chân vào học viện. Những lớp trẻ này sẽ thế nào nếu như Bầu Đức quyết định rút khỏi bóng đá chuyên nghiệp? Hay HAGL sẽ chuyển sang mô hình đào tạo chỉ để... bán cho các đối tác trong nước như VPF?
Chưa kể đến phản ứng từ đơn vị đối tác JMG, họ có dễ dàng chấp nhận sự thay đổi định hướng mạnh mẽ như vậy?
4. Quan trọng nhất vẫn là những cầu thủ, những người đóng vai trò trụ cột của đội tuyển trong thời gian sắp tới. Bầu Đức đã tuyên bố đội tuyển quốc gia là ưu tiên hàng đầu và các cầu thủ luôn có nghĩa vụ phục vụ đội tuyển quốc gia.
Nhưng việc tách ra khỏi V-League đồng nghĩa với việc đội bóng HAGL sẽ phải kiếm một giải VĐQG khác có thể là tại Đông Nam Á để giúp các cầu thủ duy trì được khả năng thi đấu ở môi trường chuyên nghiệp.
Từ lâu, việc một đội bóng của một quốc gia tách ra và tham gia vào một giải VĐQG khác không phải là chuyện hiếm, có thể kể đến như: Swansea (Wales) hiện đang thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh, Cardiff (Wales) chơi ở giải Hạng nhất Anh, FC Andorra (Andorra) chơi ở giải Tây Ban Nha, APOEL FC (Đảo Síp) chơi tại giải Hy Lạp mùa 73-74.
Hoặc cụ thể hơn HAGL Attapeu và SHB Viêng Chăn là những CLB chủ quản người Việt Nam thi đấu tại giải VĐQG Lào.
Thậm chí, đội tuyển U22 Malaysia còn được cắt cử tham gia giải VĐQG Singapore S-League trong các năm 2012-2015 dưới tên gọi Harimau Muda A, và ngược lại đội U23 Singapore vào thời gian tương tự tham gia tại giải Super League Malaysia và Malaysia Cup.
Nhưng rõ ràng, việc được thi đấu thường xuyên với những người đồng đội trên tuyển sẽ giúp các cầu thủ có được sự ăn ý hơn.
Chưa kể đến việc nếu thay đổi, những cầu thủ HAGL sẽ phải mất thời gian để làm quen với mọi việc khi thi đấu tại nước ngoài như khí hậu, thức ăn cho đến con người và các yếu tố ngoại vi khác. Chưa kể là tâm tư của chính những cầu thủ HAGL, họ đã sẵn sàng cho một cuộc thay đổi lớn?
Nhìn nhận thực tế, mọi việc không đơn giản như tuyên bố của Bầu Đức trước báo chí. Dĩ nhiên, với tầm nhìn của mình, ông hoàn toàn có thể lo liệu được mọi việc ổn thỏa. Nhưng để thật sự tốt thì còn nhiều lắm những nỗi lo.
Bầu Đức và những lần gây “giật mình” với làng bóng đá Việt Nam