Phát ngôn viên Cảnh sát Tây Java Trunoyudo Wisnu Andiko nói với AP rằng đã có 45 người thiệt mạng tại 3 khu vực trên địa bàn tỉnh.
Tại Cicalengka, gần thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, hơn 90 người phải nhập viện. Trong khi đó, thủ đô Jakarta và một số thành phố lân cận ghi nhận cái chết của 31 người đầu tháng này.
Bác sĩ Amelia làm việc cho một bệnh viện ở Cicalengka trả lời phỏng vấn đài truyền hình Indonesian TV: "Tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng thở dốc, suy giảm ý thức và nhiều người bị suy giảm thị lực".
Giám đốc bệnh viện nhà nước ở Cicalengka, Yani Sumpena, thống kê từ ngày 6-4 đến nay, có 93 bệnh nhân nhập viện do các vấn đề liên quan đến rượu.
Vì chỉ có 19 giường bệnh nên ông Sumpena phải chuyển bớt bệnh nhân sang các bệnh viện xung quanh.
Một bệnh nhân tử vong do rượu độc ở Cicalengka, tỉnh Tây Java hôm 9-4. Ảnh: AP
Chính phủ Indonesia đánh thuế cao đối với mặt hàng rượu, từ đó tạo ra một thị trường đen dành cho những người nghèo. Ở quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới này, uống rượu không bị xem là bất hợp pháp.
Tuy nhiên, vào năm 2015, Jakarta cấm hàng chục ngàn cửa hàng bán rượu sau khi bị những người Hồi giáo bảo thủ gây áp lực.
Trong số các trường hợp tử vong gần đây, cảnh sát cho biết nhiều nạn nhân uống cả rượu cồn trộn với… thuốc diệt côn trùng.
Tử vong do rượu độc khá phổ biến ở Indonesia nhưng số lượng người thiệt mạng quá lớn vừa qua đã dẫn đến suy đoán rằng một nhà phân phối lớn có thể đứng sau vụ việc. Đáp lại, cảnh sát Tây Java thông báo họ chưa tìm thấy bằng chứng.
Họ mới bắt được 7 người nghi pha trộn rượu với các chất khác – bao gồm thuốc ho, thuốc mỡ và thuốc diệt côn trùng. Riêng tại khu vực Jakarta, cảnh sát cũng bắt giữ ít nhất 4 nghi phạm.
(Theo AP)