Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An

Minh Châu |

Tình trạng nắng nóng kéo dài tại Nghệ An khiến sông suối cạn kiệt nước, những ruộng ngô đang trổ bông cháy khô trên đồng, người dân xót xa chặt bỏ. Hàng nghìn hecta chè cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ lúc tờ mờ sáng, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga, xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An), đã kéo xe bò ra đồng để phá bỏ ruộng ngô cháy khô hoàn toàn sau thời gian dài chống chọi với nắng nóng.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 1.

Ruộng ngô nhà bà Nga bị xóa sổ hoàn toàn

"Mất sạch rồi chú ạ. Ngô vừa ra hạt thì gặp đúng lúc hạn hán, toàn bộ ruộng ngô của gia đình chúng tôi đã cháy khô. Số ngô này giờ cũng chẳng thể cho trâu bò ăn nên vợ chồng tôi chặt về ủ phân", bà Nga buồn bã.

Cách nhà bà Nga một quãng đồng, gia đình bà Nguyễn Thị Chiên cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn bộ 7 sào ngô đang thì trổ cờ đã héo úa, khô quắt. "Không thể cứu được nữa kể cả lúc này có mưa xuống. Một số diện tích cháy khô coi như bỏ đi, chỗ nào còn có lá xanh giờ chặt bỏ mang về cho trâu ăn. Mùa ngô này thế là mất sạch", bà Chiên chua chát.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 2.

Người dân chặt bỏ ngô

Ngoài diện tích ngô coi như đã xóa sổ, nhà bà Chiên còn nhiều ha chè cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Suốt nhiều ngày qua, gia đình bà Chiên cũng như cả trăm hộ dân khác phải bơm nước tưới liên tục để "cứu chè". Xóm 1, xã Hạnh Lâm, vào buổi tối, tiếng máy bơm nước nổ rền khắp xóm.

"Suốt cả tuần qua gần như không ngủ vì phải thức đêm tưới chè. Ngày nào tôi cũng xem thời tiết 5-7 lần, thấy khắp nơi đều đã có mưa giông. Ở Nghệ An các huyện lân cận huyện Thanh Chương cũng đã có mưa lớn nhưng riêng vùng này vẫn nắng nóng. Những ngày tới vẫn không có mưa thật sự đáng báo động", anh Nguyễn Bảo Trình lo lắng.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 3.

Sông Giăng đoạn chảy qua xã Hạnh Lâm cạn trơ đáy

Nhà Anh Trình thuộc hộ dân có diện tích chè lớn nhất xã với 21 ha, mỗi đợt thu hoạch khoảng 70 tấn. Theo anh Trình, vì diện tích rất lớn nên cũng chỉ tưới được những chỗ đất cao có nguy cơ chè chết cháy. Hầu hết diện tích còn lại vẫn trông cả vào trời. Đến thời điểm này gia đình anh Trình đã mất 12 triệu tiền mua dầu để chạy máy tưới chè, chưa kể tiền điện lưới.

Chè năm nay rất được giá nên việc nắng nóng kéo dài càng khiến bà con như ngồi trên đống lửa. "Thu nhập của người dân chủ yếu trông vào cây chè. Lúc này nhà nào cũng dồn sức 'cứu' chè nếu chè chết, chúng tôi đối diện với muôn vàn khó khăn bởi ruộng mùa này đã bỏ hoang vì không có nước để cấy", anh Trình nói.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 4.

Nhiều khúc sông nước chưa đến đầu gối, thuyền bè không thể qua lại

Ông Đặng Hữu Hạnh - Chủ tịch xã Hạnh Lâm - cho biết: "Đợt nắng nóng này đã khiến 50% diện tích ngô trồng muộn của bà con coi như xóa sổ. Ngô trên diện tích đất pha cát bị chết, trên đất thịt cũng không thể ra hạt. Riêng chè chưa bị ảnh hưởng nhờ người dân đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước nên chủ động tưới. Sông Giăng cũng cạn nghiêm trọng nhưng trạm bơm vẫn đang hoạt động được nên số diện tích lúa đã cấy vẫn chủ động được nước tưới".

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 5.

Nhiều diện tích ché bắt đầu có dấu hiện cháy lá dù người dân liên tục bơm nước tưới

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho hay: Hạn hán nếu tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới sẽ đe dọa đến diện tích lúa trên địa bàn huyện. Riêng chè là cây chịu hạn tốt và lúc này chưa quá lo ngại nhưng nếu nắng thêm khoảng 20 ngày nữa là nguy hiểm.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 6.

Không chủ động được nguồn nước, nhiều diện tích ruộng bỏ hoang trở thành nơi người dân chăn trâu

Cũng theo ông Thanh, chè là cây chủ lực, là tài sản của người dân nên ai cũng chủ động để chăm, tưới. Huyện cũng liên tục có chỉ đạo để các địa phương có phương án chủ động phòng chống hạn hán. Tận dụng tối đa nguồn nước sẵn có để tưới cho cam, chè, nếu không chủ động được nguồn nước phải tiến hành tủ gốc cho cây để giữ ẩm.

Ruộng khô, ngô cháy, sông cạn trơ đáy ở Nghệ An - Ảnh 7.

Người dân cắt bỏ vừng cho gà, chim ăn

"Chúng tôi cũng chỉ đạo bên phía điện lực chỉ cắt điện trong trường hợp thật sự cấp thiết để người dân có điện tưới cây. Ngày hôm qua, tại khu vực thị trấn Thanh Chương đã có mưa lớn, đó là tín hiệu mừng. Hi vọng những ngày sắp tới, sẽ có mưa trên diện rộng", ông Thanh chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại