Rụng tóc là gì?
Trong dòng đời sinh trưởng bình thường của sợi tóc, tóc mọc lên sau đó phát triển dài ra rồi theo thời gian sẽ già yếu và rụng đi. Sau khi tóc rụng đi thì lớp tóc mới được sinh ra để thay thế cho lớp tóc cũ. Trung bình mỗi ngày có 30-100 sợi tóc sẽ bị rụng đi và cũng có khoảng chừng đó tóc được mọc thêm. Do đó, chẳng có gì đáng lo ngại nếu bạn thấy tóc rụng vài chục sợi mỗi ngày.
Nếu số lượng tóc rụng mỗi ngày trên 100 sợi hoặc số lượng tóc rụng chiếm nhiều hơn mức thông thường, khả năng mọc lại thấp và để lộ rõ những vùng da đầu nhất định thì có thể là dấu hiệu của tình trạng rụng tóc quá nhiều.
Phân loại rụng tóc:
Rụng tóc có sẹo (scarring alopecia, cicatricial alopecia): Sau một quá trình da đầu bị viêm hoặc có tổn hại da đầu, tiếp đến là giai đoạn hàn vá lại chỗ da đầu đó. Tóc rụng là hậu quả của quá trình này. Rụng tóc có sẹo làm mất khả năng mọc lại của tóc.
Rụng tóc không sẹo (non scaring alopecia): Quá trình rụng tóc không liên quan đến các tiến trình tạo mô liên tiếp ở các vết sẹo, cũng không liên hệ đến hiện tượng teo da. Tóc có thể mọc lại sau khi rụng.
Những nguyên nhân chính gây rụng tóc là gì?
Rụng tóc bất thường có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Hormone: Mức độ tăng giảm bất thường của hormone nam androgen có thể khiến cho tóc rụng không kiểm soát.
Gen di truyền: Trong gia đình có bố hoặc mẹ mắc chứng rụng tóc nhiều hoặc hói có thể khiến thế hệ sau cũng gặp tình trạng này.
Căng thẳng kéo dài, mắc bệnh và phụ nữ sau sinh: Đây là những yếu tố tác động gây ra rụng tóc tạm thời. Bị nấm ngoài da do nhiễm trùng cũng có thể gây rụng tóc.
Sử dụng thuốc: Dùng phương pháp hóa trị điều trị ung thư, thuốc làm loãng máu, thuốc chẹn beta-adrenergic kiểm soát huyết áp và thuốc tránh thai đều có khả năng gây rụng tóc.
Bị bỏng, chấn thương: Có thể tác động khiến bạn bị rụng tóc tạm thời. Tuy nhiên trường hợp này, tóc sẽ mọc lại bình thường sau khi chấn thương lành lại trừ khi bị sẹo.
Tác động hóa chất lên tóc quá nhiều: Gội đầu thường xuyên, uốn ép nhuộm liên tục có thể khiến cho hỏng chất tóc khiến cho tóc yếu và giòn. Uốn và ép tóc làm phá hỏng cấu trúc tóc đang có.
Mắc phải một số bệnh: Bệnh tuyến giáp, lupus, tiểu đường, thiếu máu do thiếu sắt, rối loạn tiêu hóa...có thể gây ra rụng tóc. Hầu hết nếu bạn điều trị bệnh căn thì tóc sẽ mọc trở lại như bình thường.
Chế độ ăn thiếu chất: Khi bạn ăn uống ít protein hoặc ăn uống thiếu thốn trong thời gian dài gây hạn chế dinh dưỡng cũng sẽ gây ra rụng tóc.
Điều trị rụng tóc như thế nào?
Trên từng người bệnh cụ thể, dựa vào thăm khám và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán thể bệnh từ đó đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp.
Trong Y học hiện đại có nhiều phương pháp điều trị rụng tóc khác nhau: Thuốc uống thường là Biotin và multivitamin, thuốc xịt/ thoa có Minoxidil 5%, thuốc tiêm, cấy tóc…Nhiều loại thuốc ngăn ngừa chứng rụng tóc bằng cách ức chế sự tiết hormone nam. Nhưng những loại thuốc này có một số tác dụng phụ không mong muốn. Vì rụng tóc cần điều trị lâu dài và giảm thiểu tác dụng phụ bất lợi là điều vô cùng cấp thiết trong quá trình điều trị. Theo đó, có nhiều công trình nghiên cứu mới về các sản phẩm tự nhiên với ít tác dụng phụ hơn.
Châm cứu điều trị rụng tóc sẽ có hiệu quả hơn khi được sử dụng kết hợp với liệu pháp thảo dược và liệu pháp xoa bóp.
Rụng tóc theo Y học cổ truyền thuộc chứng lạc phát, du phong, ban thốc… đa phần có liên quan đến huyết, hoặc tạng thận. Bởi tóc là phần dư ra của huyết, máu huyết có kém, thận khí có suy thì chứng rụng tóc mới hoành hành, ở nữ giới về cơ bản kèm theo một số thay đổi nội tiết tố sinh dục, ở nam giới khi tiết nhiều androgen dễ làm giảm khả năng tổng hợp protein khiến cho tóc rụng nhanh.
Tùy vào từng thể bệnh cụ thể mà Bác sĩ sẽ lựa chọn bài thuốc và gia giảm hợp lý. Trong đó, các bài thuốc thường được sử dụng có tác dụng bổ khí sinh huyết, lương huyết, hoạt huyết, tức phong, dưỡng âm, tư bổ can thận...
Châm cứu và các loại thảo dược có hiệu quả tốt hơn một số loại thuốc trị rụng tóc phổ biến cho bệnh nhân rụng tóc tiết bã nhờn. Một nghiên cứu đã so sánh kết quả trong một thử nghiệm lâm sàng.
Điều trị bằng thuốc hóa thảo dược tạo ra 82,5% tổng tỷ lệ hiệu quả. Châm cứu và thuốc thảo dược Y học cổ truyền tạo ra tổng tỷ lệ hiệu quả là 87,5%. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc áp dụng châm cứu và thảo dược “là một phương pháp hiệu quả trong điều trị chứng rụng tóc tiết bã nhờn”.
Châm cứu có thể giúp cải thiện tình trạng rụng tóc nhanh chóng. Cũng giống như thuốc Y học cổ truyền, mục tiêu của châm cứu trị rụng tóc là để điều chỉnh sự mất cân bằng làm cơ sở cho những thay đổi về số lượng và màu tóc.
Châm cứu đặc biệt hiệu quả đối với những người bị rụng tóc do mất cân bằng nội tiết tố. Điều này đặc biệt đúng đối với những phụ nữ bị dư thừa nội tiết tố nam. Một nghiên cứu được công bố cho thấy rằng những phụ nữ được châm cứu hàng ngày trong sáu tháng cho thấy mức độ hormone cải thiện đáng kể.
Các phương pháp khác gồm: Xoa bóp bấm huyệt, Dưỡng sinh.
Có những trường bị rụng tóc nhiều năm nên đã mất kiên nhẫn và bỏ cuộc. Có trường hợp vừa điều trị được vài tuần thấy có chút hiệu quả đã ngừng điều trị. Các trường hợp điều trị không đủ thời gian sẽ không mang lại hiệu quả cao nhất. Theo các chuyên gia về tóc, để điều trị rụng tóc đạt hiệu quả tối đa thì cần phải thực hiện đủ yêu cầu về thời gian 3-6 tháng. Đồng thời thay đổi thói quen sống theo chiều hướng tích cực, ăn ngủ, làm việc điều độ.
Áp dụng một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, không nên buộc tóc quá chặt và lạm dụng tạo kiểu tóc, tránh để cơ thể gặp phải căng thẳng, sống tích cực và chăm chỉ vận động để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, khi bị rụng tóc nhiều cách tốt nhất là đi khám để được xác định nguyên nhân rụng tóc nhiều là gì và có phác đồ điều trị phù hợp.