Theo tờ Topwar, vào đầu tháng 7 tới đây, một biến thể tiêm kích F-35 đặc biệt sẽ về đến Israel, đánh dấu sự khởi đầu của chương trình hiện đại hóa F-35 đang được Tel Aviv theo đuổi, giúp định hình tương lai của lực lượng không quân nước này.
Hiện tại, Không quân Israel đang có trong tay 18 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35I "Adir", trong tổng số 50 chiếc đặt mua từ Mỹ. Số máy bay trên đều được biên chế cho phi đội tiêm kích 140 (đại bàng vàng), đây cũng là phi đội tiêm kích tàng hình đầu tiên của Israel.
Không giống những chiếc F-35 được Mỹ sản xuất hàng loạt để xuất khẩu, F-35I "Adir" được Tập đoàn Lockheed Martin phát triển dựa trên yêu cầu của Không quân Israel. Về cơ bản, Adir có khả năng tác chiến điện tử mạnh hơn các mẫu F-35 thông thường, đi kèm với đó là hệ thống cảm biến và trang thiết bị hàng không do chính Israel chế tạo.
Không quân Israel đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa F-35I khi mất dần khả năng chiếm ưu thế không trong khu vực. Ảnh: The Times of Israel.
Chiếc F-35I sắp được bàn giao cho Israel vào tháng 7 tới đây sẽ là chiếc đầu tiên sử dụng các thiết bị điện tử hàng không do nước này tự chế tạo. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tel Aviv có thể sửa đổi F-35I theo bất cứ hướng nào mà họ muốn.
Một trong những tính năng đặc biệt của F-35I là có thể xác định, phân loại tín hiệu từ hệ thống radar cảnh giới và hệ thống phòng không đối phương theo thời gian thực, từ đó xác định vị trí của các hệ thống này. Dữ liệu về mục tiêu cũng sẽ được truyền đến những chiếc F-35 khác trong cùng một phi đội, các trung tâm chỉ huy tác chiến mặt đất hoặc trên không.
Nhờ vào các thiết bị sửa đổi do Israel tự phát triển, F-35I có thể hoạt động như một máy bay cảnh báo sớm, không chỉ cho không quân mà còn lục quân và hải quân. Để làm được điều này Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã xây dựng cho họ một hệ thống chỉ huy và kiểm soát số thống nhất giữa các quân, binh chủng.
Theo cựu Tư lệnh lực lượng Không quân Israel, tướng Eitan Ben Eliyahu, chương trình nâng cấp F-35I hiện tại sẽ mang lại cho Không quân nước này khả năng tác chiến khó có thể tưởng tượng được, kể cả khi F-35I phải đối đầu với các hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương.
Các chuyên gia quân sự của Topwar cho rằng, tướng Eliyahu đang muốn nói đến phòng không Syria khi nhắc đến đối tượng tác chiến của F-35I trong tương lai, bởi trong khu vực hiện tại Syria là quốc gia duy nhất có đủ khả năng uy hiếp đến vị thế cường quốc không quân số 1 Trung Đông của Israel.
Với kinh nghiệm trận mạc dày dặn và liên tục được trang bị thêm các loại vũ khí mới, điển hình như hệ thống phòng không tầm xa S-300, lực lượng phòng không Syria hiện nay đang trở thành mối đe dọa không hề nhỏ đối với thành tích bất bại của Không quân Israel ở Trung Đông. Do đó Tel Aviv buộc phải cải thiện năng lực tác chiến trên không nếu muốn "giữ sạch lưới".
Hơn nữa, theo National Interest có thông tin cho thấy F-35I của Israel từng bị hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga "bắt sống" trên bầu trời Syria, đây là một trong những nguyên nhân khiến Tel Aviv quyết tâm đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa F-35I dù mới đưa chiến đấu cơ này vào trang bị được 4 năm.
Lễ đón chiếc F-35I đầu tiên của Không quân Israel vào năm 2016.