Gần đây, phong trào chơi lan đột biến tạo ra cơn sốt trong cả nước cũng như ở Hải Dương. Tuy giá trị lớn, lợi nhuận cao nhưng thú chơi này lại tiềm ẩn không ít rủi ro.
Chăm sóc tỉ mỉ
Anh Đồng Xuân Miên ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) đã có 10 năm kinh nghiệm chơi hoa lan. Anh Miên cho biết dòng lan cao cấp, đột biến (còn gọi là Var) có hàng trăm loại nhưng được ưa chuộng nhất là lan phi điệp đột biến.
Tên các loại lan phi điệp đột biến được đặt theo địa phương hoặc người phát hiện ra cây đầu tiên, điển hình như phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hòa Bình, 5 cánh trắng Hải Dương, 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Bảo Duy...
So với những giống hoa khác, lan đột biến có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Nó thu hút người chơi bởi từ hương thơm, màu sắc đến kiểu dáng hoa đều độc, lạ. Tùy vào độ quý hiếm của từng loại, lan đột biến sẽ có mức giá khác nhau.
Lan đột biến thường được mua bán theo kie (mầm non phát triển từ cây mẹ) hoặc theo chiều cao của thân cây được tính bằng cm.
Chăm sóc lan đột biến cũng rất đặc biệt. Theo anh Miên, đây là loài hoa khó tính nên người chơi phải chăm sóc tỉ mỉ.
Mỗi giống lan lại thích nghi với điều kiện tự nhiên khác nhau nên người chơi cần tìm hiểu kỹ cách chăm sóc của từng loài, từng cây, theo dõi sát sao sự phát triển của chúng, nhất là thời điểm lan bắt đầu ngủ đông. Nếu dùng liều lượng phân bón cao hơn mức cho phép, lan sẽ rụng lá, thậm chí bị chết.
Trong 10 năm chơi lan, anh Nguyễn Văn Lực ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) có tới 4 năm tìm hiểu dòng lan đột biến. Anh Lực hiện là thành viên Câu lạc bộ Hoa lan huyện Ninh Giang.
Trong vườn nhà anh có hàng chục loại lan phi điệp đột biến. Để sở hữu giò lan đột biến từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, anh Lực phải rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố để tìm kiếm, sưu tầm.
Mua được đã khó nhưng việc chăm sóc chúng còn khó hơn nhiều. Anh Lực cho biết lan đột biến dễ bị ốc sên, chuột ăn lá ở thời kỳ nảy mầm hoặc bị thối thân, gốc cây thời kỳ sinh trưởng. Dù có kinh nghiệm chăm sóc lâu năm nhưng không ít lần cây của anh Lực vẫn bị chết.
Gần đây, cây phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ cao 35 cm trị giá khoảng 30 triệu đồng của anh Lực bị chết do sâu bệnh. "Nếu không có kiến thức, kinh nghiệm hoặc thiếu may mắn thì sau khi mua cây về chăm sóc được một thời gian, cây có thể bị chết. Vì thế, một số người mua thường gửi nhà vườn chăm sóc cho đến khi cây lan đã phát triển", anh Lực nói.
Khó phân biệt
Giá trị hoa lan nói chung, hoa lan đột biến nói riêng được định giá tự do, không có căn cứ, cơ sở pháp lý, là cơ hội cho các hành vi lợi dụng để thổi giá, dụ nhiều người chơi mới, kém hiểu biết.
Gần đây, anh Bùi Văn Toàn ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) đặt mua 10 cây lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh của chủ tài khoản "Mua bán lan đột biến" trên mạng xã hội Facebook. Theo lời giới thiệu của chủ trang này, lan được gieo hạt từ cây mẹ nên bảo đảm chuẩn giá. Giá bán từ 500.000 - 700.000 đồng/cây.
Sau khi anh Toàn chuyển khoản, nhận hàng mới phát hiện mình bị lừa bởi cây mà anh nhận được không phải dòng lan phi điệp đột biến mà là lan long tu.
Nhiều người chơi lan cho rằng đầu tư vào mặt hàng không có sự định giá cụ thể chẳng khác nào dấn thân vào một cuộc đầu tư đầy may rủi. Nguyên nhân do các hoạt động giao dịch, mua bán, chuyển nhượng lan đột biến diễn ra tự phát, chủ yếu dựa vào cam kết, thỏa thuận bởi người bán với người mua, chưa có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan chức năng.
Hiện nay, người mua chỉ cần lên mạng xã hội Facebook gõ "mua bán hoa lan đột biến" sẽ xuất hiện hàng chục tài khoản giao dịch về dòng lan này. Một số đối tượng lập tài khoản Facebook ảo để thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi đã rao bán thành công, đối tượng thường khóa hoặc đổi tài khoản.
Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều vụ lừa đảo lên tới hàng chục tỷ đồng liên quan đến loại lan này. Cuối tháng 7 vừa qua, một người dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) có đơn trình báo cơ quan công an vì bị một số đối tượng lừa bán lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ thông qua mạng xã hội Facebook với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Một chủ vườn lan phi điệp đột biến thuê nhà ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) sau khi lừa hàng chục tỷ đồng của người mua đã bỏ trốn. Một nhóm thanh niên quê Hòa Bình vừa bị bắt tại Nghệ An sau khi lừa hàng chục tỷ đồng…
Theo chị Phạm Thanh Hà (Ban Quản trị Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam), một số người tham gia đầu tư lan đột biến vì mong muốn làm giàu nhanh nhưng lại thiếu kiến thức nên dễ bị lừa.