Rực rỡ hoa tulip

Chu Mạnh Cường |

Nói đến tulip, nhiều người nghĩ ngay tới những đồng hoa bát ngát ở đất nước Hà Lan, và tưởng rằng đây là quê hương của loài hoa này.

Thật ra là trước khi đến Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu khác, hoa tulip đã từng ngự trị độc tôn trên dãy Pamir và được những người du mục Thổ Nhĩ Kỳ mang tới nhân giống tại vùng Anatolia, đặc biệt là thành phố Istanbul.

Do vẻ đẹp rực rỡ, yêu kiều và cao quý của nó, dưới thời Ottoman, một thời gian dài nước này đã trồng rất nhiều hoa tulip mà về sau gọi là kỷ nguyên hoa tulip Ottoman.

Khi đó, nhà nhà, người người trồng hoa, làm thơ, soạn nhạc, vẽ tranh, tạc tượng, nặn gốm, nấu ăn, thêu thùa… dựa trên hình ảnh của tulip và tôn thờ nó như một biểu tượng của sự thịnh vượng, tình yêu và bất tử.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 1.

Người ta đặt tên hoa là tulip vì hình dạng giống hệt chiếc mũ turban của nam giới với cấu tạo hơi tròn bầu bĩnh. Hoa cũng nhắc họ nhớ tới chàng trai Farhad, một hoàng tử tuấn tú, trẻ trung đã quyên sinh để giữ trọn tình yêu với nàng Shirin, và từ dòng máu của chàng đã mọc lên loài hoa tulip đỏ.

Về ý nghĩa, câu chuyện trên giống với sự tích hoa hồng - loài hoa được cả thế giới tôn vinh là hoa của tuổi trẻ - tình yêu.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 3.

Vì thế, hoa tulip rất được ưa chuộng, xưa kia chỉ quý tộc, con nhà đài các mới được tặng hoa hay ví von sắc đẹp, tình cảm của mình với hoa tulip. Giá của nó trong buổi đầu rất đắt, ngang tầm một ngôi nhà/bông. Đến thời quốc vương Suleyman, vì đam mê nên ông đã cho trồng hoa tulip khắp các vườn tược, đồng thời cho bán ngoài chợ để ai cũng mua được.

Đến nay, khắp nước Thổ Nhĩ Kỳ chỗ nào cũng rực màu hoa tulip, từ đỏ, hồng, vàng cam đến xanh, tím, đen, trắng… Nhờ thế, giá hoa tulip rất phải chăng, không còn mức một bông hoa bằng 10 lần lương công nhật như vào thế kỷ 16 - 17.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là Istanbul thường dùng hoa tulip trong mọi hoạt động từ cưới hỏi, ma chay, mừng nhà mới, mừng sinh nhật, chúc thọ… Họ còn đặt cho nó khá nhiều cái tên dễ thương như ánh sáng thiên đường, bông hồng lúc bình minh, viên ngọc của Shah, cây giáo Pomegranate...

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 5.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 6.

Thay vì dùng hoa hồng, trong ngày cưới, cô dâu, chú rể sẽ dùng hoa tulip. Nam giới luôn là người cầm và chủ động tặng hoa tulip cho người yêu, hôn thê. Vì vậy, tulip còn được xem là hoa của nam nhi.

Đến kỷ niệm ngày cưới lần thứ 11, người ta đều tổ chức lễ tiệc rất to mà nổi bật nhất trong đại tiệc chính là hoa tulip. Do họ coi hoa tulip là biểu trưng của tình yêu hoàn mỹ và vĩnh cửu.

Đến mừng cưới, ai cũng tặng một bông hoa thắm đỏ, với ý muốn chúc cho đôi uyên ương mãi chung tình, sắt son không đổi. Nhiều người cũng tặng hoa màu vàng nhằm chúc tụng sự phú quý, sang giàu. Khi một người nhắm mắt, con cháu cũng khắc hoa tulip lên bia mộ nhằm cầu mong thân nhân an nghỉ hoặc hồi sinh tươi đẹp.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 7.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 8.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 9.

Rực rỡ hoa tulip - Ảnh 10.

Do thành phố Istanbul là thủ phủ từ xưa của hoa tulip nên nó trở thành hình ảnh đại diện được thấy trên logo, thân máy bay và nhiều công trình thành phố. Đến Istanbul, nơi nào cũng gặp hoa tulip: Trên tranh, tường vách, các tượng đài, vòi phun, tòa tháp và cả quần áo.

Nhất là tháng Tư, ở đây sẽ có lễ hội đường phố hoa tulip với hàng triệu bông hoa được kết thành thảm, thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

Không muốn giữ cho riêng mình, từ thế kỷ 15, Istanbul đã gửi hoa tulip đi muôn nơi, trong đó có Áo, Hung và Hà Lan, để bây giờ Hà Lan trở thành nước xuất khẩu hoa tulip nhiều nhất thế giới, đến ba tỷ bông/năm.

Từ giống hoa đỏ nguyên bản (cánh nhọn tựa kim), đến nay các kỹ sư nông nghiệp cũng đã lai tạo được hơn 150 giống hoa với trên 3 nghìn màu và kiểu cánh khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại