Ở vùng sơn cước, “lộc trời” quanh năm, mùa nào thức ấy. Đó là những rau, củ, quả từ thiên nhiên đủ làm ấm lòng những người năng tìm kiếm. Theo người dân nơi đây, mùa này là mùa “lộc trời” ré rừng. Ré bắt đầu chín rộ từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, là cao điểm của những ngày mưa dông vào buổi chiều ở vùng cao.
Dùng tay bóp nhẹ, vỏ ré tách ra làm ba để lộ ba múi vàng ươm.
Hơn 1 tháng nay, ngày nào cũng sáng sớm tinh mơ, sương sớm còn lạnh lạnh, ông Hồ Văn Hùng, ở thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh (Tây Trà) đã gói nắm cơm, xách chai nước và không quên bỏ đoạn dây thừng dài cùng cái rựa sắc lẹm vào gùi mang lên rừng.
Điểm đến của ông Hùng là những vạt rừng già, nơi có những cây ré cao chót vót săn lộc rừng. Quả ré có hình dáng như quả bòn bon, màu sắc khi chín vàng óng, chỉ to bằng đầu ngón tay út. Theo cha đi rừng từ thuở bé con, ông Hùng trèo cây lão luyện như con sóc, thoăn thoắt vươn người hái trái.
Cũng như bao người con của núi rừng, ở rừng, sống nhờ rừng, niềm vui của ông Hùng là buổi chiều trở về với những chiếc gùi nặng trĩu thành phẩm.
Ông Hùng kể: Ré là cây lấy gỗ, để hái được quả ré, ông phải vào rừng sâu, trèo lên cao đến vài chục mét, to một người ôm không suể, dùng rựa sắc chặt lấy cành bẻ nhánh lấy chùm quả, rất vất vả.
Theo ông Hùng, từ xa xưa, mọi người đã biết trái ré ăn được. Đến mùa quả ré chín vàng cả góc rừng, mọi người đi rừng gặp hái mang về ăn chơi. Quả này nếu không được hái sẽ khô đi, vỏ quăn lại, bong ra, để rơi hạt xuống đất sẽ mọc lên những cây ré con.
Hai năm trở lại đây, thấy rau, củ, quả rừng hút hàng nên mọi người mới nghĩ đến chuyện hái ré mang về bán kiếm thêm thu nhập. Một ngày mỗi người hái được nhiều nhất là 30kg, ít cũng được 10kg, bà con buộc thành từng chùm nhỏ khoảng 2kg và bán với giá 15.000 đồng/chùm.
Len lỏi giữa rừng từ sáng sớm đến khi mặt trời đứng bóng, anh Hồ Văn Lin, ở thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh trở về với gùi ré trĩu nặng trên vai để kịp cho vợ bán cho khách đi đường. Vừa kịp đặt chân xuống trước ngõ đã có đông khách dừng lại ăn thử thấy ngon, hỏi mua.
Ré được bày bán khắp dọc đường từ Trà Bồng lên Tây Trà.
Anh Lin cho biết, một tháng nay, hầu như ngày nào anh cũng hái được cả bao tải mang về cho vợ bán dành dụm mua quần áo, sách vở cho hai đứa con sắp vào năm học mới.
Năm ngoái, mọi người bó thành bó nhỏ khoảng 1kg, bán với giá 5.000 đồng/chùm, nay thấy bán chạy nên bà con bó to hơn, giá 15.000 đồng/chùm.
Quả lạ từ núi rừng thiên nhiên thu hút nhiều khách mua.
Theo lý giải của anh Lin: “Loại trái này khi chín chỉ cần lấy tay bóp nhẹ thì vỏ lập tức tách ra thành ba nên mới có tên gọi khác là quả nẻ. Vỏ nứt tách lộ phần ruột bên trong có ba múi nhỏ vàng óng, cơm mỏng, ăn có vị chua chua pha chút ngọt ngọt, thú vị nên mọi người rất thích ăn”.
Quả ré hái về, mọi người mang ra bày bán dọc tuyến đường từ Trà Bồng lên Tây Trà, thu hút rất đông khách bản địa và khách đi đường dừng chân ghé ăn thử, mua về ăn.
Niềm vui mùa hái lộc ré rừng là nụ cười rạng rỡ trên môi của các mẹ, các chị khi một chùm ré hơn cả một cân gạo, kiếm thêm được vài trăm nghìn mỗi ngày trang trải cuộc sống gia đình.