Mở rộng phạm vi tập trận Malabar và thỏa thuận quân sự với Mỹ
Ấn Độ hôm thứ Hai (19/10) bất ngờ tuyên bố mở rộng phạm vi tập trận hải quân ba bên Malabar với Mỹ và Nhật Bản, có thêm sự tham gia của Australia. Tại đối thoại quốc phòng và ngoại giao cấp cao Mỹ-Ấn sắp tới, sự đảo chiều chính sách có thể nổi lên tại New Delhi - với Trung Quốc là trọng tâm của những điều chỉnh.
Trong bối cảnh hàng nghìn binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục duy trì thế giằng co ở khu vực biên giới Ladakh dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước, Ấn Độ đang thực thi những quyết định chiến lược chậm mà chắc - vốn từng bị trì hoãn do lo ngại chọc giận Bắc Kinh.
Bên cạnh quyết định mở rộng phạm vi tập trận hải quân để có tham gia của đầy đủ thành viên Bộ tứ đối thoại an ninh (nhóm Quad, gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia), New Delhi đang hướng đến ký kết một thỏa thuận quân sự riêng khác với Mỹ vào tuần tới, cho phép song phương chia sẻ nhiều hơn thông tin tình báo về không gian địa lý.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper dự kiến sẽ đến New Delhi để tham dự đối thoại với những người đồng cấp Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar và Rajnath Singh, vào ngày 26-27/10.
Mỹ-Ấn đã ký với nhau 3 thỏa thuận quân sự. Thỏa thuận thứ 4 mang tên Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản về tình báo không gian địa lý (BECA) đang chờ cái gật đầu từ Ấn Độ. Thỏa thuận mới sẽ mở đường để Mỹ chia sẻ những dữ liệu chất lượng cao về địa hình, hàng hải và hàng không, qua đó hỗ trợ Ấn Độ trong điều hướng và nhắm mục tiêu tên lửa.
Phản ứng trước thông tin này, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mới đây gọi thỏa thuận quân sự Mỹ-Ấn là động thái "nhằm vào Trung Quốc".
Căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn được cho là tác nhân thúc đẩy Ấn Độ điều chỉnh cách tiếp cận với Trung Quốc
Ấn Độ thay đổi chính sách thận trọng với Bắc Kinh
Chuẩn tướng hải quân về hưu C. Uday Bhaskar, giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách ở New Delhi, bình luận: "Trong thời gian dài, Ấn Độ đã tìm cách xoa dịu Trung Quốc và tỏ ra hết sức nhạy cảm, cẩn trọng. Cách tiếp cận này đang được xem lại và nhóm Quad là một ví dụ."
Ông Bhaskar chỉ ra, định vị của Ấn Độ trong nhóm Quad là dấu hiệu thể hiện thay đổi. Vào năm 2017, bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Australia tổ chức tập trận hải quân Malabar cùng với Singapore. Ấn Độ sau đó đã phải trấn an Trung Quốc rằng "không có hội nhóm nào", khi Bắc Kinh giận dữ đòi hỏi New Delhi giải thích về thông tin nước này tham gia một nhóm liên kết.
Thủ tướng Ấn Độ khi đó, ông Manmohan Singh, cố gắng phân định ranh giới giữa Ấn Độ với nhóm Quad, nói rằng New Delhi "không phải thành viên của bất kỳ cái gọi là nỗ lực kiềm chế Trung Quốc nào", và nhóm Quad "không có hàm ý về an ninh". Cách tiếp cận thận trọng này được tái khẳng định gần đây vào năm 2016, khi Ấn Độ bày tỏ e ngại tham dự vào đối thoại an ninh.
Tuy nhiên, đến nay mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn. Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar bay tới Tokyo hôm 6/10 vừa qua để tham dự phiên nhóm họp lần thứ 2 của bộ trưởng ngoại giao các nước nhóm Bộ tứ.
"Điểm huyệt" vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc
Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế ở trường Đại học King's College, London, ông Harsh Pant cho rằng thay đổi trong cách tiếp cận của Ấn Độ với những quyết định chiến lược liên quan đến Trung Quốc là bằng chứng cho thấy chính sách đối ngoại của New Delhi sẽ "ít chịu cản trở" bởi Bắc Kinh hơn.
Điều này - theo Pant - xuất phát từ sự thất vọng leo thang tại Ấn Độ về những hành động của Trung Quốc ở dọc LAC. Cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước ở thung lũng Galwan ngày 15/6 - đẫm máu nhất trong hơn 4 thập kỷ qua - khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Song phương cáo buộc lẫn nhau làm leo thang xung đột, đồng thời củng cố lực lượng ở biên giới, sẵn sàng bước vào cuộc đối đầu kéo dài qua mùa đông lạnh giá. Dù các vòng đàm phán quân sự và ngoại giao tiếp tục diễn ra, chưa có thỏa thuận thực chất nào đạt được giữa Trung-Ấn nhằm rút lực lượng của các bên về vị trí trước thời điểm tháng 4 năm nay.
Tất cả những điều này buộc Ấn Độ đi đến giải pháp tìm kiếm các đối tác khác - nhiều nhà phân tích cho hay.
"Ấn Độ cần gửi thông điệp cho Trung Quốc rằng họ đang tìm kiếm những phương án khác và họ cũng có những người bạn cùng đối tác khác," giáo sư Pant nói. Theo ông, việc Ấn Độ thúc đẩy kích hoạt nhóm Quad bằng cách tham gia các hội nghị đa phương và mở rộng phạm vi tập trận đang nhằm vào sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với vấn đề này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một cựu quan chức ngoại giao nghỉ hưu ở New Delhi, cho biết cách tiếp cận mới có sự khác biệt rõ rệt với chính sách lâu năm của Ấn Độ đối với Trung Quốc.
"Có một tư duy phổ biến được tin tưởng ở Ấn Độ trong nhiều thập kỷ, rằng cách để bảo đảm những liên hệ với Trung Quốc được ổn định là phải duy trì Ấn Độ trung lập và tránh những hành động được xem là không hữu nghị với Trung Quốc," cựu quan chức ẩn danh nói.
Trong vài thập kỷ qua, Ấn Độ đã không xúc tiến bất kỳ dự án hạ tầng nào dọc LAC nhằm bảo đảm quan hệ với Bắc Kinh không gặp cản trở. Nhưng vào đầu tháng này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tham gia lễ khánh thành đường hầm Atal ở dãy Himalaya - công trình được cho là giúp làm giảm đáng kể thời gian điều động lực lượng đến khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Ông Modi còn nói về việc đường băng quân sự ở Daulat Beg Oldi - vị trí quan trọng tại căn cứ Karakoram Pass ở vùng Ladakh - đã đóng cửa trong giai đoạn 1965-2008 để khiến Bắc Kinh không cảm thấy bị khiêu khích.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn (Ảnh: AP)
Mối liên hệ với Mỹ
Một dấu hiệu khác cho thấy sự điều chỉnh chiến lược tiếp cận của Ấn Độ là sự liên kết với Mỹ trong các mục tiêu chiến lược. Thủ tướng Modi đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ít nhất 8 lần kể từ năm 2017, thương mại quốc phòng song phương nở rộ, và quy mô thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ. Thương mại dịch vụ và hàng hóa Mỹ-Ấn tăng từ 11.2 tỷ USD năm 1995 lên 142.6 tỷ USD vào năm 2018.
Phản ứng trước tình thế đối đầu Trung-Ấn, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng New Delhi "cần nước Mỹ trong vai trò đồng minh và đối tác". Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nói trong chuyến công du Delhi hồi tuần trước, rằng Ấn Độ đã "quá thận trọng trước những phản ứng từ Trung Quốc" trong việc siết chặt các liên hệ với Mỹ.
Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, trình bày tại một hội thảo hôm 2/10 rằng Bắc Kinh không thấy tin tưởng những cam đoan của Ấn Độ về lập trường trung lập.
"Theo Trung Quốc, sự trung lập của Ấn Độ giữa Mỹ và Trung Quốc là ngắn hạn và có thể dễ dàng đảo ngược" bởi Mỹ - ông Yun Sun nói, bổ sung rằng Bắc Kinh tin rằng việc Ấn Độ "được cổ vũ bởi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ" là nguyên nhân đằng sau "sự quyết liệt" của nước này tại biên giới Trung-Ấn.
Dù vậy, không nhiều người tại New Delhi đồng tình rằng đã có chuyển biến đột ngột trong việc "xoay trục" sang Mỹ. Ông Pant nhận định, chính sách của Ấn Độ với Trung Quốc "sẽ không bao giờ phụ thuộc vào Mỹ".
"Bắc Kinh luôn có quan niệm rằng Ấn Độ đang trở thành 'quân tốt' của Mỹ, nhưng [Trung Quốc] quên rằng thái độ bài Hoa ở Ấn Độ đã có từ thập niên 1960, khi Mỹ và Trung Quốc còn là các đối tác thân cận."
Theo ông Bhaskar, các điều kiện hiện nay là "công thức" dẫn đến khả năng bùng phát tình huống ngoài ý muốn giữa Trung-Ấn.
"Quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc hiện nay là không tốt đẹp và khả năng bùng phát [đối đầu] không bị loại trừ. [Hai nước] không có lòng tin và chuyện gì cũng có thể xảy ra."
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus