Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen
Mỹ phá kỷ lục về cung cấp khí đốt cho châu Âu
Đài RT (Nga) trích dẫn thông tin của hãng Reuters (Anh) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, Mỹ đã lần đầu tiên "vượt mặt" Nga trong vai trò nhà cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu, tuy nhiên chi phí khi mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ cao gấp 10 lần.
Cụ thể, theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, trong tháng 9 vừa qua, Mỹ đã tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm, lượng LNG xuất khẩu của Mỹ ở dưới mức trung bình do một vụ cháy nổ khiến một nhà ga LNG lớn phải tạm ngừng hoạt động.
Sản lượng LNG của Mỹ đã không đạt mức công suất tối đa kể từ sau khi vụ nổ hồi tháng 6 khiến nhà ga Freeport phải tạm ngừng hoạt động. Trước khi sự cố xảy ra, Freeport là cơ sở hóa lỏng khí tự nhiên lớn thứ 2 tại Mỹ và chiếm 1/5 tổng lượng LNG xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, nhu cầu và giá LNG đang gia tăng khi những khách hàng tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga.
Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Âu đã "soán ngôi" châu Á trong bảng xếp hạng những khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Mỹ. Trong tháng 9, có 87 chuyến hàng chở 6,3 triệu tấn LNG đến châu Âu, cao hơn một chút so với khối lượng 6,25 triệu tấn trong tháng 8.
Những số liệu kể trên cho thấy tỷ trọng xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu so với tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ ra thế giới đã đạt gần 70% trong tháng 9, tăng đáng kể so với tháng 8 (56%) và tháng 7 (63%).
Biểu đồ cho thấy sự gia tăng lượng khí tự nhiên xuất khẩu của Mỹ từ năm 2013-2022.
Theo các báo cáo trước đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nước này đã xuất khẩu gần 3/4 tổng lượng LNG sang châu Âu trong 4 tháng đầu năm 2022. Điều này có nghĩa là LNG Mỹ hiện chiếm gần một nửa lượng LNG nhập khẩu của châu Âu - gần gấp đôi thị phần vào cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mặc dù LNG nhập khẩu từ Mỹ đã giúp các nước EU lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của họ trước thời hạn, nhưng số tiền họ đã chi trả cho Mỹ gấp 10 lần so với chi phí của những năm trước.
Việc Mỹ tăng cường xuất khẩu LNG sang châu Âu cũng khiến nước này giảm xuất khẩu LNG sang các thị trường khác như châu Á, Mỹ Latinh và Caribe.
Mới đây báo Forbes cũng đã đăng bài phân tích cùng những số liệu cho thấy xuất khẩu LNG của Mỹ sang thị trường châu Âu đã tăng đáng kể trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.
Theo số liệu của Forbes, lượng LNG xuất khẩu của Mỹ sang Pháp tăng 421% trong 8 tháng đầu năm 2022, và chỉ riêng trong tháng 8 đã tăng 1.094% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, lượng LNG xuất khẩu của Mỹ sang Croatia tăng 281% tính trung bình 8 tháng đầu năm, nhưng tăng 1.195% nếu chỉ tính riêng trong tháng 8. Các con số này lần lượt là 505% - 817.000% đối với Ba Lan; và 216% - 6.797% đối với Vương Quốc Anh.
Biểu đồ những thị trường nhập khí đốt tự nhiên từ Mỹ nhiều nhất trong năm 2021
Biểu đồ những thị trường nhập khí đốt tự nhiên từ Mỹ nhiều nhất trong năm 2022, khi nhiều quốc gia châu Âu "thăng hạng"
Mặc dù vậy, xu hướng tăng nói trên không áp dụng với toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Mỹ. Nhìn chung, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ - bao gồm LNG - đã tăng mạnh, nhưng con số có phần khiêm tốn hơn: 65,1% tính riêng trong tháng 8, và 58,57% trung bình trong 8 tháng đầu năm.
Khí tự nhiên, bao gồm LNG, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị thứ ba của Mỹ, xếp sau xăng và dầu (vị trí thứ 1 và 2). Năm nay là lần đầu tiên các mặt hàng này xếp đầu bảng về giá trị xuất khẩu, theo Forbes.
Các nhà máy LNG của Mỹ ráo riết mở rộng ở Bờ Vịnh
Theo AFP, khi nhu cầu về LNG của châu Âu tăng cao, nhiều "ông lớn" năng lượng của Mỹ đang ráo riết giành đất ở khu vực Bờ Vịnh để mở rộng cơ sở.
Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Ngành công nghiệp LNG của Mỹ tập trung quanh Vịnh Mexico giàu năng lượng, với cơ sở hạ tầng và vị trí chiến lược.
Chỉ riêng khu vực này đã có 5/7 bến xuất khẩu của Mỹ đang hoạt động và 22/24 dự án đã được trình chính quyền chờ cấp phép xây dựng.
Tuy nhiên, những người dân trong khu vực đã bày tỏ lo ngại về những tác động của các nhà máy LNG đối với môi trường và cộng đồng.
Những vấn đề được đề cập bao gồm nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng và không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân cùng với đó là các tàu chở LNG khổng lồ làm xói mòn bờ biển, động vật hoang dã mất đi môi trường sống tự nhiên.
Ngoài ra, vụ nổ hồi tháng 6 khiến nhà máy Freeport LNG phải đóng cửa tạm thời cũng khiến nhiều người lo ngại về các dự án ở Bờ Vịnh./.