Rong kinh, khó tiểu, người phụ nữ đi khám, phát hiện dị tật không ngờ

Ngọc Minh |

Không có gì có thể diễn tả được cảm xúc hạnh phúc của chị Hà* (51 tuổi, tại Thạch Thất, Hà Nội) sau khi được phẫu thuật. Chị mong sớm có thể quay trở lại cuộc sống thường nhật.

Hơn 30 năm đóng bỉm

Như bao người con gái khác, vào năm 17-18 tuổi, chị Hà dậy thì, phổng phao và xinh đẹp. Chị bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên và những rắc rối cũng bắt đầu. Kỳ kinh nguyệt kéo dài ngày này sang ngày khác không dừng, khiến chị Hà mỗi ngày một suy kiệt, gầy yếu.

Cha mẹ lo lắng, đi cắt thuốc cho chị khắp nơi nhưng chị chẳng hết rong kinh. Cũng vì lẽ đó mà ngày nào chị Hà cũng phải đóng bỉm vì lượng huyết ra quá nhiều.

"Lúc đó, tôi cũng ra bệnh viện tuyến trung ương khám, uống thuốc không khỏi", chị Hà kể. Cũng từ đó, chị chấp nhận số phận, "sống chung với lũ".

30 năm nay, ngày nào chị cũng phải đóng bỉm vì máu kinh ra rất nhiều. "Máu ra nhiều lắm, thành từng cục nên chỉ có thể dùng bỉm mới thấm được", chị Hà nói.

Rong kinh, khó tiểu, người phụ nữ đi khám, phát hiện dị tật không ngờ - Ảnh 1.

Chị Hà chia sẻ (Ảnh Ngọc Minh)

Chính vì rong kinh, mất máu nhiều khiến cơ thể chị Hà yếu ớt. Tự nhận thấy mình "khác người" nên chị cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Cũng có rất nhiều người đàn ông trong làng, ngoài xóm tới hỏi chị Hà làm vợ nhưng chị đều từ chối.

"Thực lòng tôi cũng muốn có một gia đình hạnh phúc lắm. Thế nhưng nghĩ đến bệnh tật của mình thì người đàn ông nào chấp nhận nổi. Tôi không muốn làm khổ họ, nên quyết định ở vậy đến tận bây giờ", chị Hà chia sẻ.

Hiện, chị Hà đang sinh sống cùng nhà với người em trai, nhưng kinh tế và ăn uống độc lập. Hằng ngày, chị nhận trông trẻ cho những người thân, hàng xóm để họ đi làm.

Sau hơn 30 năm sống với sự khổ sở, cách đây 1 năm thì kinh nguyệt chị Hà bỗng dưng hết. Nhưng rắc rối khác lại xuất hiện. Vùng lỗ tiểu và âm đạo của chị Hà dần đóng lại. Lúc đó, chị nghĩ vẫn đi tiểu được là được, dù mỗi lần giải quyết nhu cầu cũng chẳng dễ dàng gì.

Đến tháng 7/2022, việc đi tiểu của chị ngày càng khó khăn hơn, cảm giác như có gì chặn lại ở phía trong, khiến dòng nước không thể thoát ra ngoài. Mỗi lần đi tiểu phải mất 30 phút.

Cơn đau ngày càng nhiều, có lúc nước tiểu không thoát ra được khiến bụng chị Hà căng tròn. Tháng 10/2022, chị Hà đi khám bác sĩ và được chẩn đoán có sỏi thận phải mổ. Tuy nhiên, sợ đụng dao kéo nên chị Hà đã từ chối mổ, về uống thuốc lá.

Cách đây 1 tháng, chị Hà sốt cao, uống thuốc không đáp ứng. Chị nhờ cháu đưa tới bệnh viện Đa khoa Thạch Thất khám. Kết quả khiến cho cả chị Hà và bác sĩ rất bất ngờ: âm đạo và niệu đạo của chị bị bịt kín. Lỗ niệu đạo chỉ còn 3mm, đây chính là lý do chị không đi tiểu được.

Phẫu thuật nội soi thành công

Theo BSCK I Nguyễn Đức Thảo – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất -nữ bệnh nhân này là người địa phương, hiện sống độc thân và trước đó chưa từng lập gia đình. Khi mới vào viện, bệnh nhân cho biết bản thân bị rong kinh kéo dài 30 năm, vì lý do đó khiến bà ngại không dám lấy chồng.

Trước đó năm 2015, nữ bệnh nhân từng đi mổ u nang buồng trứng tại bệnh viện tuyến trên.

Bệnh nhân được chẩn đoán có sỏi thận và có chỉ định can thiệp. "Trước khi thực hiện tán sỏi, chúng tôi có hỏi kỹ bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh hay dị tật gì trước đó không? Bệnh nhân khẳng định là không, nên đã được đưa lên phòng mổ. Tại đây, khi đưa dụng cụ vào để thực hiện (qua đường niệu đạo), chúng tôi vô cùng bất ngờ khi cả niệu đạo và âm đạo đều bị bịt kín không có đường vào. Bệnh nhân chỉ có một lỗ rất nhỏ khoảng 3mm nên không có cách nào tiếp cận được", bác sĩ Thảo chia sẻ.

Với tình trạng như vậy, bệnh nhân được xuống phòng bệnh, các bác sĩ tiến hành hội chẩn và nghĩ nhiều đến khả năng người bệnh bị dị tật sinh dục bẩm sinh. Bác sĩ Thảo cùng ê kíp tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên môn từ chuyên gia tuyến trung ương là TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E, từ đó đi đến thống nhất, điều trị viêm cho bệnh nhân trước, sau đó sẽ đưa ra các phương án xử lý sau.

Chiều ngày 23/5, ê kíp đã quyết định phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân vừa được tán sỏi niệu đạo ngược dòng và vừa kết hợp tạo hình niệu đạo thành công. Hiện, bệnh nhân cơ bản ổn định và rất vui vì sau này sẽ không còn tình trạng bí tiểu, khó tiểu.

"Quá trình thực hành phẫu thuật, chúng tôi kiểm tra phát hiện màng trinh của bệnh nhân vẫn còn", bác sĩ Thảo cho hay.

Qua trường hợp này, bác sĩ Thảo khuyến cáo người dân khi có bất thường ở bất kể bộ phận nào trên cơ thể hoặc trong quá trình sinh hoạt cần phải đi tới cơ sở y tế kiểm tra ngay. Với trường hợp trên, do dị dạng cơ quan sinh dục nên niệu đạo bị chít hẹp, cộng với việc bí tiểu, khó tiểu làm cho nước tiểu dễ bị đọng lại sẽ khiến cho tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn .

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại