Nhật báo Marca đã viết thế này về anh sau trận đấu: "Với cái đầu gối mà làm được thế này thì cũng tuyệt đấy chứ". Ngắn gọn, giản dị, không khoa trương, nhưng vẫn là khen ngợi và ngưỡng mộ. Đấy là những gì mà báo chí đã nói về Diego Costa, sau bàn thắng duy nhất, nhưng cực kỳ quan trọng mà anh đã ghi cho đội tuyển Tây Ban Nha, đem lại 3 điểm bằng vàng cho đội bóng xứ sở đấu bò tót.
Ai đó sẽ nói, ghi bàn bằng đầu gối thì có gì đặc biệt, làm sao đẹp bằng những quả móc volley kiểu cắt kéo? Nhưng nếu nói Diego Costa như thế, anh có thể sẽ nổi khùng và chứng minh cho bạn thấy rằng, với một trung phong hoạt động thường xuyên trong cấm địa, đưa được bóng vào lưới đối phương như thế nào và bằng bộ phận nào của cơ thể chẳng có gì quan trọng, điều có ý nghĩa then chốt, đấy là bàn thắng.
Diego Costa thường được gọi là quái thú, vì lối chơi cực kì thô bạo, tiểu xảo nhưng cũng rất hiệu quả trên hàng công.
Và những bàn thắng của Diego Costa ở World Cup này đều được thực hiện theo một cách hiệu quả tuyệt đối: trong hai trận đấu của Tây Ban Nha với Bồ Đào Nha và Iran, anh sút đúng 3 cú trúng khung thành thì cả 3 đều thành bàn.
Tất cả những gì đang chứng tỏ ở World Cup này đã xua đi hình ảnh đáng buồn của chính anh và đội tuyển Tây Ban Nha 4 năm trước ở Brazil, khi thảm bại tiếp nối thảm bại, và bản thân Costa bị chỉ trích nặng nề vì chơi không tốt và những vấn đề kỷ luật của mình ở giải đấu ấy.
Bây giờ thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, Diego Costa trở thành một nhân tố quan trọng trong một đội tuyển gồm toàn các chuyên gia kỹ thuật đã có thời gian dài không cần một số 9 đích thực.
Từng có thời kỳ, báo chí viết rằng, mẫu cầu thủ như Diego Costa không thích hợp với Tây Ban Nha, và vị trí tiền đạo nên được trao vào tay của Morata. Nhưng HLV Lopetegui và HLV hiện tại, Hierro, đều hoàn toàn ủng hộ Diego Costa, và cho đến giờ, anh đã chứng minh được rằng, việc họ đặt vào niềm tin ở anh là hợp lý.
Tại World Cup 2018 này, Costa trầm tĩnh hơn, như để dành hết năng lượng cho việc xuyên phá mành lưới đối phương.
Trước trận đấu với Iran, dư luận Tây Ban Nha chú ý nhất đến anh và một cái tên khác, David De Gea, để rồi kết quả là mỹ mãn. Costa ghi bàn duy nhất, trong khi De Gea không mắc sai lầm như trận gặp Bồ Đào Nha.
Hai kết quả khác nhau của hai trận, với phong độ của người thứ nhất và việc người thứ hai đã rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân và một đội bóng đã biết cách thoát ra khỏi những áp lực nặng nề từ cú sốc sa thải Lopetegui chỉ làm cho họ ngày càng mạnh lên hơn nữa.
Có một điều chắc chắn, Diego Costa đã thay đổi nhiều về tâm tính. Quá trình bị "giam cầm" trong nửa đầu mùa trước ở Chelsea đã giúp anh kiềm chế rất nhiều sự nóng nẩy.
Sự bùng nổ của anh với rất nhiều bàn thắng cho Atletico ở nửa sau mùa giải giống như một sự giải phóng năng lượng, giúp anh lấy lại được sự cân bằng và tạo ra một niềm tin với các HLV, rằng anh có thể được trao trách nhiệm là cây ghi bàn chính của đội tuyển Tây Ban Nha.
Hai năm trước, Costa thậm chí không được Tây Ban Nha triệu tập dự EURO 2016. Bốn năm trước, như ở trên đã nói, Costa là một thất bại nặng nề ở World Cup Brazil, mảnh đất đã sinh ra anh.
Hiện tại khác hẳn, thành công, bình thản, ghi bàn thường xuyên và đã "giao tiếp" thường xuyên hơn trên sân với những người đá sau anh, từ Iniesta, Silva hay Isco.
Sau trận thắng Iran, báo chí Nga đã đồng loạt viết những lời ngợi ca Costa, đồng thời tỏ ra lo lắng rằng, rất có thể đội chủ nhà sẽ đụng phải anh ở vòng 1/8, và đã kêu gọi HLV Cherchesov có cách để khống chế Costa.
Điều ấy thực ra không hề đơn giản, nhất là khi anh đang chơi tốt thế này, ghi những bàn thắng để đời và cứ sút bóng về khung thành là làm tung lưới đối phương...