Rơi xuống "vũng lầy" Idlib, Syria: Mỹ "phá phách" Nga, không cho ông Putin "cứu" Thổ Nhĩ Kỳ?

Quốc Vinh |

Cuộc khủng hoảng Idlib và sự ra quyết định của Tổng thống Syria Assad vốn không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ông Putin. Điều này có thể khiến cho điểm nóng Idlib khó có thể sôi lâu hơn nữa.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được biết đến là một nhà lãnh đạo quyết đoán, không lùi bước. Nhưng Syria sẽ là một thử thách khó khăn đối với sự nghiệp chính trị của ông.

Với mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia ủng hộ lực lượng đối lập, đồng thời là tác nhân khiến cho tình hình các phe nhóm cực đoan mở rộng và kiểm soát ở Idlib như hiện tại.

Nói về cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Nam đất nước, ông Erdogan lo sợ sẽ phải đối mặt với một làn sóng người tị nạn mới từ Idlib khi quân Chính phủ tiến công vào đây.

Sự sa lầy không lối thoát của Tổng thống Erdogan là một cơn gió mát đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã đưa mình vào vị thế là đồng minh không thể thiếu của Thổ Nhĩ Kỳ - một bước ngoặt đáng kinh ngạc so với bốn năm trước, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, khiến quan hệ đi xuống, tờ Al-Monitor bình luận.

Nhưng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không thể cam chịu câu trả lời cuối cùng của Tổng thống Putin về tình thế tiến thoái lưỡng nan của mình bằng việc chấp nhận buông vũ khí trước quân Chính phủ. Trong khi Mỹ đang làm những gì có thể để ngăn Tổng thống Erdogan nhượng bộ.

"Thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 9/2018 để thiết lập một khu vực phi quân sự ở Idlib được nhắc nhiều đến về việc vi phạm hơn là tuân thủ", cây bút Semih Idiz viết trên Al-Monitor.

"Putin muốn một mô hình như Aleppo, nghĩa là hỗ trợ các lực lượng của Tổng thống Assad đòi lại lãnh thổ và quét sạch các nhóm đối lập vũ trang còn lại - mà theo ước tính của Mỹ và Liên Hợp Quốc, bao gồm hàng chục ngàn kẻ khủng bố".

Rơi xuống vũng lầy Idlib, Syria: Mỹ phá phách Nga, không cho ông Putin cứu Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 2.

Nga chỉ có thể kéo dài thời gian giúp Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Putin theo sát thỏa thuận Mỹ-Thổ

Khi bình luận về các cuộc đàm phán Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thiết lập vùng an toàn ở đông bắc Syria, Tổng thống Putin cho thấy ông rất quan tâm đến điều này.

"Chúng tôi tin rằng việc tạo ra một khu vực an ninh ở biên giới phía Nam của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của chính Syria", ông nói . "Về phương diện này, chúng tôi ủng hộ tất cả các biện pháp nhằm giảm leo thang ở khu vực".

Tổng thống Putin đã không từ bỏ đường lối xuyên suốt của mình đó là giành lại chủ quyền của Syria đối với toàn bộ đất nước. Nhưng ông biết rằng vùng an toàn Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ chưa phải là một thỏa thuận được thống nhất, vì vẫn còn có sự khác biệt về quy mô thực hiện.

Do đó, Tổng thống Putin vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi. Thay vì chỉ trích, ông thích đưa ra những lời khuyên cho người đồng cấp Erdogan. Ngoài ra, ông cũng có thể xem xét làm thế nào để tận dụng khái niệm "vùng an toàn" cho lợi ích của mình ở Idlib, tờ Al-Monitor nhận định.

Mỹ tăng cổ phần tại Idlib

Rơi xuống vũng lầy Idlib, Syria: Mỹ phá phách Nga, không cho ông Putin cứu Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 3.

Mỹ trở lại Idlib khi tình hình nóng lên.

Cách đây vài tháng, giới quan sát vẫn cho rằng phương Tây đang cảm thấy ổn với tình hình hiện tại, khi những kẻ khủng bố chỉ còn bị trói buộc ở thành trì Idlib.

Khi đó, Mỹ và đồng minh chỉ đứng ngoài quan sát và cảnh báo Nga và Syria không nên leo thang tình hình với Thổ Nhĩ Kỳ bằng một cuộc tấn công tại đây. Trên thực tế, Washington và các đồng minh châu Âu không muốn trao cho chính quyền Assad một chiến thắng mà qua đó mở rộng ảnh hưởng của Nga và Iran hơn nữa.

Tuy nhiên, trước viễn cảnh một cuộc tấn công sắp xảy ra, chính quyền Donald Trump đã thực hiện một hành động bước ngoặt.

Vào ngày 31/8, Mỹ đã bất ngờ không kích một trại khủng bố ở tỉnh Idlib vào đêm trước lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Bộ Ngoại giao Nga gọi các cuộc tấn công của Mỹ vào Idlib là bối rối và đáng báo động.

Chiến dịch Idlib đang diễn ra đã cản trở nỗ lực của chính quyền Donald Trump trong việc đánh bại khủng bố. Các cuộc tấn công chống lại khủng bố của Lầu Năm Góc bị hạn chế khi Nga kiểm soát bầu trời nơi đây.

Mặc dù vậy, đó không hẳn là lý do chính khiến Mỹ bất ngờ không kích trở lại Idlib sau thời gian dài im ắng. Trên thực tế, tình hình đang nóng hơn bao giờ hết khi các lực lượng đối lập đang mất dần vị thế trước các lực lượng Syria được Nga hậu thuẫn.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng Idlib và sự ra quyết định của Tổng thống Assad vốn không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ông Putin. Điều này có thể khiến cho điểm nóng Idlib khó có thể sôi lâu hơn nữa.

Quân Chính phủ sẽ sớm mở hoạt động quân sự quy mô lớn để chiếm lại vùng lãnh thổ cuối cùng đang bị phe đối lập kiểm soát và tất cả những gì Nga làm được hiện tại là trở thành trung gian kéo dài thời gian giúp Ankara.

Cây bút Kirill Semenov của Al-Monitor cho rằng, Nga có thể đưa ra đề xuất là lực lượng của Tổng thống Assad có quyền tiến vào đường cao tốc M4, M5, trong khi thiết lập một vùng an toàn do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở biên giới.

Mặc dù quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Assad và Erdogan từ trước đến nay được cho là không bằng lòng với nhau nhưng có vẻ như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ sẵn sàng lắng nghe những gì ông Putin đưa ra.

Cách làm ưa thích của Tổng thống Putin luôn là kiến tạo một số sự thấu hiểu giữa Ankara và Damascus để giải quyết vấn đề thay vì đưa đẩy đến một cuộc xung đột.

Dẫu vậy, vẫn còn đó những tác động từ bên ngoài có thể khiến mọi chuyện đổ bể, bao gồm cả Mỹ - thế lực sẽ làm bất cứ điều gì để làm phức tạp hoặc làm chậm đi tiến trình của Nga-Syria ở Idlib.

Vì cuộc khủng hoảng Syria sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết nên tất cả có thể sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/9 ở Ankara, giữa ông Erdogan, Tổng thống Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Cuộc gặp có thể thiết lập lại động lực trước khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần sau đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại