Chị Thúy (một người Việt định cư ở thành phố Lund, Thụy Điển 20 năm nay) được nhiều người Việt sống tại châu Âu nhờ cậy tìm thân nhân ở Việt Nam. Là người kết nối, ân nhân của Towa với gia đình gốc ở Việt Nam, chị xúc động chia sẻ: “Tôi được người con gái Thụy điển nhờ giúp tìm mẹ ruột ở Thượng Long. Yên Lập, Phú Thọ. Cô ấy rất muốn gặp lại mẹ và những người họ hàng.
Cô ấy là một người rất giỏi, có địa vị cao trong xã hội Thụy Điển và có một trái tim lương thiện. Cô ấy tìm mẹ với mong muốn nếu mẹ cần trợ giúp, cô ấy sẽ sẵn sàng. Bởi cô ấy luôn nghĩ mẹ đẻ làm ruộng, chắc chắn phải có những khó khăn mới cho con đi. Cô ấy không hề oán trách mà luôn nghĩ không biết mẹ có còn sống không, có khỏe mạnh không”.
Từ lời nhờ vả của cô gái đã lớn lên khỏe mạnh, giỏi giang ở trời Âu, câu chuyện bi thương trong quá khứ của Towa được hé lộ.
Câu chuyện đau lòng 26 năm trước: Cặp sinh đôi bị chia tách
Năm 1998, khi mang thai cặp song sinh ở tuổi 38, bà Nguyễn Thị Sản không hề hay biết. Đến tháng thứ 7, bị thai chèn bàng quang, nguy cơ vỡ bàng quang cao, gia đình đưa bà đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ mổ cấp cứu.
Hai bé gái non tháng lúc này nặng 1,1kg và 0,9kg. Cả hai đều bị vàng da và suy dinh dưỡng nặng, được đặt tên lần lượt là Phú và Thọ.
Điều kiện kinh tế và trang bị y tế ngày ấy khó khăn, bà Sản lại có tâm lý bất ổn, thấy các con quá nhẹ cân, bé như con mèo, bà không nghĩ sẽ nuôi sống được. Nhiều lần, bà còn bảo các em “vứt nó đi”.
Khi hai đứa trẻ được 9 ngày tuổi, gia đình tách cặp song sinh, gửi bé Thọ (bé em, nặng 900gram) vào Trung tâm Trẻ mồ côi tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba. Khoảng hơn một năm sau, bé được một cặp vợ chồng người Thụy Điển nhận nuôi.
Còn bé Phú được mẹ đem về nhà nuôi, đổi tên thành Tình. Lớn lên trong vòng tay mẹ và cậu, dì, Tình được học hành, hiện đi làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Sâu thẳm trong lòng, cô vẫn không thể nguôi ngoai ý nghĩ phải tìm được người em sinh đôi lưu lạc bị cho đi. Hồi năm 2020, cô từng đăng bài kèm các thông tin để tìm em gái nhưng không có được manh mối nào khả dĩ.
Ở châu Âu, cô bé Thọ được cha mẹ nuôi đặt tên mới là Towa, sống tại thành phố Gotheborg, Thụy Điển. Càng lớn, Towa càng thấy mình khác biệt ngoại hình so với cha mẹ và với những đứa trẻ khác.
Khi Towa bắt đầu có nhận thức, cha mẹ nuôi cho cô biết chuyện họ đón cô về từ trại trẻ mồ côi ở Việt Nam, kèm theo tập giấy tờ liên quan đến gốc gác được bảo quản cẩn thận nhiều năm. Giấy tờ quan trọng nhất của Towa là giấy khai sinh ở Việt Nam, ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa phương cũng như thông tin về mẹ ruột.
Dù không biết tiếng Việt, Towa đã tìm đọc nhiều sách vở về Việt Nam. Khi quen biết chị Thúy, Towa nhờ đăng tìm gia đình ở Phú Thọ qua mạng xã hội tiếng Việt.
Sự kỳ diệu của công nghệ: Chia cách 26 năm, tìm thấy trong 2 ngày
Towa có lẽ là trường hợp may mắn hiếm có. Cô gái gốc Việt có đầy đủ giấy khai sinh và phiếu tiêm chủng trước khi đi làm con nuôi ở Thụy Điển. Chị Thúy bắt đầu cuộc tìm kiếm bằng cách search trên Facebook những người có tên Nguyễn Thị Sản để kết bạn và hỏi chuyện.
Nhưng tất cả những người chị tiếp cận được đều không phải là bà Nguyễn Thị Sản, dân tộc Mường ở Phú Thọ. Không ít người khi chị Thúy tiếp cận còn nghi ngờ chị là lừa đảo.
Sau đó, chị Thúy chuyển hướng, dò la thông tin trong các hội nhóm người Phú Thọ. Ngày 30/5, chị nếu tên và địa chỉ của chị Sản, với hy vọng mong manh có ai đó sẽ biết thông tin. Chị dự định, nếu trước tháng 12 không có hồi âm, chị sẽ cùng Towa về Việt Nam, theo địa chỉ gốc để kiếm tìm.
Bất ngờ, chỉ sau chưa đầy 2 ngày đăng tải, bà Nguyễn Thị Lan Quyên, em ruột của bà Sản hay tin. Thấy khớp với câu chuyện của gia đình mình, bà Quyên liền chủ động hồi âm.
Dù bà Sản không dùng mạng xã hội, nhưng với những thông tin bà Quyên cung cấp, chị Thúy tin rằng mình đã tìm thấy mẹ của Towa. Ngay lập tức, Towa đồng ý kết nối với phía Việt Nam.
Tối 1/6, cuộc gọi video call xuyên quốc gia giữa gia đình ở Việt Nam và Towa ở Thụy Điển, được chị Thúy làm cầu nối đã nối liền liên lạc đứt gãy gần 30 năm. Towa đã bật khóc khi nhìn thấy Tình, người chị gái sinh đôi giống mình như hai giọt nước.
Towa hẹn sẽ sớm về Việt Nam gặp mẹ, gặp người chị sinh đôi cùng người thân trong vài tháng tới. Những thủ tục giấy tờ xác nhận cũng như làm các xét nghiệm ADN để khẳng định chính xác về mặt khoa học sẽ được thực hiện trong thời gian chờ đợi.
Bằng linh cảm, bà Quyên thực sự tin Towa chính là bé Thọ năm nào. Bà nghẹn ngào cho biết, ngay khi vô tình đọc được bài đăng của chị Thúy và trao đổi qua tin nhắn, bà đã run lên hạnh phúc vì tin rằng cháu ruột lưu lạc của mình đã “tìm được về nhà” sau 26 năm.
Bà xúc động chia sẻ: “Sau hơn 26 năm con ra đời nhưng chỉ 9 ngày ở bên cạnh mẹ ruột, giờ cháu tìm về quê hương, nhận mẹ, nhận chị, nhận dì thế này là quá mãn nguyện rồi.
Tôi cảm ơn cha mẹ nuôi Thụy Điển đã dưỡng dục cháu Thọ khôn lớn và luôn biết nhớ về gốc gác. Cháu sống khỏe an vui hạnh phúc và còn mong muốn tìm về nguồn cội, đó là niềm vui, là phúc phần của đại gia đình”.