Vesna Vulović sinh ngày 3/1/1950 tại thủ đô Beograd, Cộng hòa Serbia. Vulović sinh ra và lớn lên như một đứa trẻ bình thường. Chẳng ai biết rằng, một ngày kia bà sẽ là người sống sót duy nhất trong một vụ đâm máy bay.
Ngày bé, Vulović thích nghe nhạc của phương Tây, hâm mộ The Beatles và từng đến Anh để học tiếng Anh. Bà cũng từng đến Thụy Điển.
Khi trở về quê nhà ở thủ đô Beograd, bà xin vào làm tiếp viên hàng không cho hãng hàng không quốc gia Nam Tư JAT.
Vulović khi còn là tiếp viên hàng không.
Ngày 26/1/1972, Vulović làm công việc của mình trên chuyến bay 367 từ Stockholm đến Beograd như mọi ngày.
Trên chuyến bay có 28 người, bao gồm cả phi hành đoàn. Đây là một chuyến bay bình thường, mọi người trên chuyến bay cũng vẫn ổn, Vulović cũng vẫn sẽ là một nữ tiếp viên hàng không bình thường, vô danh, không ai để ý, cho đến khi máy bay đi qua khu vực Đông Đức.
Một quả bom phát nổ, máy bay bị tách làm đôi và quay vòng vòng trên trời không kiểm soát. Ngay sau đó, máy bay rơi thẳng xuống đất theo đường xoắn ốc từ độ cao 10.160 m, đâm vào một ngôi làng ở Tiệp Khắc.
Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 27 người trên máy bay. Vulović là người duy nhất sống sót. Có người gọi đây là điều kỳ diệu, có người cho đó đơn thuần là may mắn.
Cho đến nay, làm thế nào Vulović có thể sống sót được vẫn không rõ ràng. Có giả thuyết cho rằng, một xe đẩy đựng thực phẩm đã đẩy cô dính chặt vào máy bay giúp bà không bị hút ra ngoài.
Có thể nói Vulović đã có được một chiếc đai an toàn hiệu quả nhất thế giới. Ngoài ra, vì bị huyết áp thấp nên tim Vulović ngừng đập ngay lập tức, cứu trái tim khỏi bị nổ tung.
Belgrade, thành phố nơi Vulović sinh sống.
May mắn vẫn còn “đeo bám” lấy nữ tiếp viên sau đó. Mặc dù không chết sau khi rơi từ độ cao hơn 10.000 m, nhưng bà cũng không thể tự thoát ra ngoài và đi bộ đến bệnh viện.
Bruno Henke, một cựu y tá trong quân đội Đức nghe thấy tiếng Vulović gào thét trong đống đổ nát, đưa cô ra ngoài và sơ cứu cho tới khi bà được đưa tới bệnh viện.
Tất nhiên Vulović vẫn bị thương. Bà bị nứt sọ, gẫy cả hai chân, 3 đốt xương sống, xương chậu và xương sườn. Bà hôn mê trong 10 ngày. Sau khi tỉnh dậy, những lời đầu tiên mà bà nói là xin được hút một điếu thuốc.
Mặc dù thời gian đầu, Vulović bị liệt từ phần eo trở xuống, nhưng dần dần bà đã hồi phục hoàn toàn và quay lại làm việc cho JAT, nhưng lần này là công việc văn phòng.
Vụ tai nạn đã giúp Vulović trở nên nổi tiếng. Trong một lần trả lời phỏng vấn với The New York Times năm 2008, Vulović đã nói: “Cả người tôi như vỡ vụn, các bác sĩ đã đưa tôi trở lại cuộc sống. Không ai hy vọng tôi còn có thể sống lâu đến vậy”.
Năm 1985, bà được sách kỷ lục Guinness công nhận là “Người rơi từ độ cao cao nhất không có dù mà vẫn sống sót”.
Vụ tai nạn giúp Vulović trở nên nổi tiếng tại quê nhà.
Rơi máy bay chắc chắn là một trong những loại tai nạn giao thông đáng sợ và dễ gây ám ảnh nhất, nhưng Vulović không hề nhớ gì về những giờ phút kinh hoàng ngày hôm đó. Bà vẫn đi máy bay như bình thường.
Vulović cho biết: “Mọi người thường muốn ngồi cạnh tôi trên máy bay”.
44 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng, cựu nữ tiếp viên hàng không qua đời ngày 23/12/2016.
Có nhiều giả thuyết lý giải nguyên nhân vụ rơi máy bay của JAT năm 1972. Có ý kiến cho rằng, chính không quân Tiệp Khắc đã bắn rơi phi cơ. Nhưng giả thuyết được nhiều người chấp nhận hơn là những tên khủng bố người Croatia đã đặt bom lên máy bay.
Nhiều người hay gọi Vulović với biệt danh vui “Người phụ nữ từ trên trời rơi xuống”. Hy vọng kỷ lục Guinness do bà nắm giữ sẽ không bao giờ bị thay thế.