Rối loạn tiểu tiện, coi chừng ung thư tuyến tiền liệt

BS. Nguyễn Việt Hải |

Ung thư tuyến tiền liệt (UTTTL) là loại ung thư (UT) phổ biến, mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân từng bước được cải thiện nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán sớm và điều trị nhưng UTTTL vẫn là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong số các bệnh ung thư ở nam giới.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1.275 trường hợp mắc mới và 872 ca tử vong do UTTTL. Bệnh hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân, càng lớn tuổi nguy cơ càng cao với bệnh lý này.

Bệnh thường gặp ở độ tuổi trên 60. Các nguyên nhân sinh bệnh chưa được khẳng định. Về dịch tễ học, bệnh có liên quan tới chủng tộc, dân di cư, yếu tố gia đình và chế độ ăn. Người da trắng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.

Người châu Á sống tại Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn người Mỹ, tuy nhiên, tỷ lệ này thấp hơn ở người châu Á sống tại các nước châu Á.

Nam giới có bố hoặc anh em bị UTTTL có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần. Anh em sinh đôi cùng trứng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn sinh đôi khác trứng khi một trong số anh em trong gia đình mắc căn bệnh này.

Nguyên nhân gây bệnh UTTTL chưa được xác định rõ. Một số nghiên cứu cho thấy ở người mang gene BRCA1, BRCA2 có tỷ lệ mắc ung thư TTL cao hơn.

Rối loạn tiểu tiện, coi chừng ung thư tuyến tiền liệt - Ảnh 1.

Các giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh khu trú có các biểu hiện thể hiện sự xâm lấn hoặc chèn ép gây tắc thấp đường tiết niệu: đái khó, đái rắt, đái máu, đôi khi bí đái. Đôi khi có biểu hiện tắc niệu quản. Hiếm gặp hơn, có thể có biểu hiện chèn ép, gây tắc nghẽn ở trực tràng hoặc cương đau dương vật.

Một số dấu hiệu mức độ nặng: Khó cương cứng hoặc khó giữ tình trạng cương cứng; Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch; Khi ung thư đã di căn xương thường đau nhức ở lưng, hông háng, xương sườn hoặc các loại xương khác; Cảm thấy yếu sức hay tê bại ở chân hoặc bàn chân; Mất kiểm soát khi đi tiêu hay tiểu.

Ở giai đoạn muộn có các biểu hiện di căn xương: đau xương, gãy xương bệnh lý... Các hội chứng về thần kinh do u di căn đốt sống gây chèn ép tuỷ sống: yếu liệt hai chi dưới, liệt nửa người... Muộn hơn có thể gặp di căn não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa.

Hội chứng cận ung thư: Hội chứng Cushing, hội chứng kháng hormon chống bài niệu, hội chứng tăng hoặc giảm canxi huyết. Hội chứng thiếu máu, đông vón nội mạc rải rác.

Tuy nhiên trên thực tế, có trường hợp bệnh tiến triển âm thầm không có triệu chứng.

Chẩn đoán bệnh bằng cách nào?

Chẩn đoán bệnh UTTTL dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng hay gặp: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, tiểu tiện không thành tia, đau bụng vùng dưới rốn, đau xương...

Để chẩn đoán bệnh, người thầy thuốc cần thăm khám TTL qua trực tràng, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu TTL PSA (Prostate-specific antigen), đánh giá tỷ lệ PSA tự do/toàn phần, siêu âm ổ bụng hoặc siêu âm qua trực tràng đánh giá TTL, sinh thiết TTL hoặc tổn thương di căn, xạ hình xương, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ...

Sinh thiết TTL dưới hướng dẫn của siêu âm (có thể qua trực tràng hoặc qua đáy chậu) hoặc sinh thiết tổn thương di căn để làm xét nghiệm mô bệnh học được xem là tiêu chuẩn vàng, khẳng định bệnh UTTTL.

Các phương pháp điều trị

Với sự gia tăng của UTTTL trong một xã hội công nghiệp phát triển thì sự lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, giảm bớt chi phí y tế một cách hợp lý là một vấn đề quan trọng. Bác sĩ chuyên khoa tiết niệu phải là người cung cấp cho bệnh nhân thông tin về mức độ bệnh, các phương pháp điều trị cùng chỉ định của nó, tránh chẩn đoán quá dẫn đến điều trị quá.

Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị:

Tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh, nguy cơ phát triển bệnh thì các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể.

Điều trị phẫu thuật

Nguyên tắc điều trị: Cắt toàn bộ TTL, túi tinh và bóng của ống dẫn tinh, nạo hạch chậu. Các phương pháp điều trị phẫu thuật chủ yếu hiện nay đối với UTTTL: Phẫu thuật nội soi: nội soi ổ bụng (LRP) hoặc có sự hỗ trợ của robot (RORP); Phẫu thuật mở cắt toàn bộ TTL: qua đường sau xương mu (RRP) hoặc qua đường tầng sinh môn (PRP).

Điều trị bằng thuốc với mục đích của điều trị là sử dụng các thuốc nhằm ngăn chặn từng khâu trong quá trình phát triển của UT, chủ yếu là UTTTL giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị triệt căn.

Các phương pháp điều trị chuyển đổi

Hiện nay, có một số kỹ thuật mới không phẫu thuật để điều trị UTTTL: Điều trị bằng chùm siêu âm cường độ cao qua đường trực tràng; Phẫu thuật lạnh; Điều trị bằng chùm tia xạ ngoài; Điều trị bằng chùm vi sóng; Điều trị bằng cắm kim nhiệt độ cao.

Điều cần lưu ý, khi bệnh còn ở giai đoạn khu trú, bệnh nhân có thể phẫu thuật cắt TTL tận gốc bằng cách mổ mở, mổ nội soi, nội soi có robot hỗ trợ hoặc xạ trị với tỷ lệ khống chế bệnh khoảng 85%. Khi bệnh ở giai đoạn muộn, việc kết hợp điều trị nội tiết với xạ trị cho kết quả khả quan hơn từng phương pháp đơn lẻ.

Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng mức là vô cùng quan trọng.

Nhờ có kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt PSA (Prostate - Specific - Antigen), bệnh được phát hiện sớm hơn nên gia tăng được thời gian sống thêm.

Một thống kê ở Mỹ cho thấy, thời gian sống thêm 5 năm trong những năm 1974-1976 là 68% và tăng lên 98% vào các năm 1992-1998. Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán: tỷ lệ sống 5 năm với UTTTL tại vùng là 100% và giảm xuống 34% khi đã có di căn xa.

Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, tia xạ ngoài và tia xạ áp sát, điều trị nội tiết và điều trị hoá chất, thậm chí theo dõi có kiểm soát, không điều trị. Bệnh thường gặp ở người già và tiến triển chậm nên việc lựa chọn phương pháp điều trị hay theo dõi đơn thuần cần phải được cân nhắc trên từng bệnh nhân cụ thể và đôi khi mang tính nghệ thuật nhiều hơn tính khoa học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại