Rối loạn cương dương, kẻ “phá bĩnh” hạnh phúc

BS. NGUYỄN TRÂM ANH |

Rối loạn cương dương là tình trạng không có khả năng đạt được và duy trì độ cương cứng của dương vật để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn.

Bệnh lý này có thể do các nguyên nhân rối loạn nội tiết, thần kinh, tâm thần, rối loạn vận mạch, biến dạng dương vật và sử dụng một số loại thuốc.

Việc chẩn đoán xác định rối loạn cương dương cần căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử mắc các bệnh nội khoa và ngoại khoa, khám bộ phận sinh dục và tầng sinh môn, thực hiện những xét nghiệm cần thiết.

Triệu chứng lâm sàng: có 4 nhóm triệu chứng khác nhau tùy theo mức độ biểu hiện gồm:

- Hoàn toàn mất khả năng ham muốn tình dục.

- Vẫn có ham muốn tình dục nhưng dương vật không thể cương cứng lên được để thực hiện việc giao hợp như ý muốn.

- Dơng vật có thể cương cứng lên tốt nhưng không đúng lúc cần cương lên để giao hợp.

- Dương vật cương cứng lên trong một thời gian ngắn nhưng chưa kịp đưa vào âm đạo hoặc chưa kịp xuất tinh đã mềm xìu.

Rối loạn cương dương, kẻ “phá bĩnh” hạnh phúc - Ảnh 1.

Rối loạn cương dương cần được chẩn đoán xác định và chữa trị phù hợp, không nên tự ý điều trị

Tiền sử các bệnh nội khoa và ngoại khoa

Cần khảo sát để ghi nhận tiền sử có tác động ảnh hưởng đến bệnh lý rối loạn cương dương như mắc các bệnh nội khoa về tim mạch, huyết áp, tiểu đường...; các bệnh ngoại khoa về chấn thương vùng chậu, có phẫu thuật vùng tiểu khung và bộ phận sinh dục...

Khám bộ phận sinh dục và tầng sinh môn

Để phát hiện các bệnh có liên quan gây rối loạn cương dương gồm: biến đổi hình thể giải phẫu của dương vật như lỗ tiểu lệch thấp, dương vật ngắn và nhỏ bẩm sinh, bệnh xơ cứng vật hang...; các bệnh ở vùng bẹn và bìu dái như tinh hoàn ẩn, giãn tĩnh mạch tinh...; đánh giá xác định các phản xạ vùng bẹn bìu dái và tầng sinh môn như cảm giác quanh hậu môn, cảm giác trương lục cơ vòng hậu môn, phản xạ cơ hành hang.

Thực hiện các xét nghiệm cần thiết

Để hỗ trợ cho việc chẩn đoán rối loạn cương dương, cần thực hiện các xét nghiệm như: xét nghiệm sinh hóa chất glucose, acid uric, cholesterol... của máu; định lượng nội tiết tố LH (luteinizing hormone), FSH (follicle stimulating hormone), prolactin, estradiol, testosterone.

Xử trí điều trị

Việc điều trị rối loạn cương dương được xử trí can thiệp tùy theo nguyên nhân gây nên và cơ chế đi kèm. Trong điều trị cơ bản, có thể thực hiện các phương pháp không dùng thuốc, dùng thuốc, phẫu thuật, y học cổ truyền, thảo dược và thực phẩm chức năng.

Điều trị không dùng thuốc:

Được thực hiện bằng cách thay đổi lối sống và sinh hoạt, tư vấn tâm lý, thay đổi thuốc có ảnh hưởng, dùng dụng cụ hút chân không...

Thay đổi lối sống, sinh hoạt có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ như tăng cường hoạt động thể chất, giảm thừa cân và béo phì, bỏ hút thuốc lá… Nhờ đó cải thiện tình trạng cương cứng dương vật.

Một số loại thuốc sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng cương cứng dương vật như thuốc điều trị tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân thường gặp gây rối loạn cương dương, các thuốc kháng alpha-adrenergic không đặc hiệu và thuốc lợi tiểu thiazide thường phối hợp có ảnh hưởng với rối loạn cương dương...

Việc xử trí đơn giản bằng cách chỉ cần thay thế các thuốc này sang nhóm khác là có thể cải thiện chức năng cương cứng dương vật.

Việc tư vấn tâm lý được sử dụng cho nhiều nhóm tuổi bị rối loạn cương dương và đặc biệt có tác dụng hiệu quả cao đối với nhóm rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý.

Dùng dụng cụ hút chân không có thể tạo được độ cương cứng dương vật ở mức độ sinh lý mà không ảnh hưởng lên các yếu tố nguy cơ.

Điều trị bằng thuốc:

Có thể sử dụng thuốc ức chế PDE5 (phosphodiesterase type 5)nhưng cần lưu ý là nếu đang dùng các thuốc kháng alpha-adrenergic để điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt mà phối hợp điều trị với thuốc ức chế PDE5, dễ có nguy cơ dẫn đến giảm huyết áp; vì vậy trừ các trường hợp chống chỉ định, thuốc ức chế PDE5 là thuốc được lựa chọn ưu tiên để điều trị rối loạn cương dương.

Các tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị rối loạn cương thường gặp khi sử dụng là đỏ bừng mặt, đau đầu, đau cơ, rối loạn thị lực... 

Chống chỉ định dùng thuốc đối với các trường hợp: bị bệnh tim mạch mức độ nặng như nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng, người mắc bệnh toàn thân nặng được khuyến cáo không nên quan hệ tình dục, dị ứng với thành phần của thuốc, đang dùng các nitrat gây giãn mạch, người có bệnh lý về võng mạc...

Trường hợp dùng thuốc ức chế PDE5 không có tác dụng hoặc chống chỉ định, có thể điều trị bằng các loại thuốc khác nhưng nếu vẫn không có tác dụng, có thể tiêm thuốc trực tiếp vào thể hang của dương vật để làm cương dương vật là một lựa chọn để khắc phục; thuốc có thể dùng đơn độc hoặc dùng phối hợp...

Nếu trường hợp không muốn dùng thuốc tiêm trực tiếp vào thể hang của dương vật, bác sĩ chỉ định có thể dùng thuốc đặt vào niệu đạo.

Rối loạn cương dương, kẻ “phá bĩnh” hạnh phúc - Ảnh 2.

Việc tư vấn tâm lý được sử dụng với nhóm rối loạn cương dương do nguyên nhân tâm lý

Việc bổ sung nội tiết tố testosterone cũng cần thiết nhưng phải lưu ý các nguy cơ của việc bổ sung nội tiết tố này có thể ảnh hưởng đến sự tạo máu và tuyến tiền liệt. Khi sử dụng testosterone, hàng năm cần theo dõi:

- Thăm khám trực tràng, xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt PSA (prostate-specific antigen) ở máu và công thức máu.

- Nếu phát hiện bất kỳ một sự gia tăng PSA hoặc có thay đổi khi thăm khám trực tràng nên được kiểm chứng bằng sinh thiết tuyến tiền liệt để loại trừ ung thư tuyến tiền liệt; trường hợp có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt cần được lưu ý về các nguy cơ của điều trị bổ sung testosterone. 

Bổ sung nội tiết tố testosterone có thể thực hiện bằng đường uống, đường tiêm, đường qua da hoặc viên cấy ghép.

Điều trị bằng phẫu thuật: được thực hiện khi có chỉ định trong một số trường hợp như: Phẫu thuật trên hệ thống động mạch để hồi phục tuần hoàn động mạch chủ bụng, hồi phục tuần hoàn động mạch dương vật. 

Phẫu thuật trên hệ thống tĩnh mạch làm tắc mạch mu sâu, buộc cắt tĩnh mạch mu sâu và các nhánh bên, buộc cắt tĩnh mạch ngoại vi và các đường rò rỉ tĩnh mạch. Đồng thời có thể phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo, phẫu thuật tạo hình trên dương vật như phẫu thuật điều trị bệnh xơ cứng thể hang...

Điều trị bằng y học cổ truyền: có một số bài thuốc đông y hoặc chăm cứu có thể được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương như Hữu quy hoàn, Tán dục đan gia giảm, Bát vị quế phụ gia giảm... hoặc châm cứu ôn bổ thận dương, sơ can giải uất...

Điều trị bằng thảo dược, thực phẩm chức năng:thực tế có một số loại thảo dược, thực phẩm chức năng có tác dụng lên sự cương cứng dương vật; vì vậy có thể sử dụng các loại thảo dược, thực phẩm chức năng có sự hiện diện của các chất này để điều trị rối loạn cương dương tuy nhiên vẫn cần thăm khám, tư vấn ở các bác sĩ chuyên khoa

Lời khuyên của thầy thuốc

Rối loạn cương dương là một bệnh lý có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ không nên ngại ngùng mà phải đi khám chuyên khoa sớm để được chẩn đoán xác định nhằm có phương pháp điều trị phù hợp. 

Phải phối hợp và trung thực trả lời các câu hỏi trong bảng chỉ số quốc tế về chức năng cương cứng dương vật IIEF (the international index of erectile function) khi được bác sĩ khảo sát để xác định mức độ rối loạn cương dương một cách chính xác.

Chẩn đoán xác định và điều trị phải do bác sĩ đánh giá và chỉ định, không được tự ý dùng thuốc theo sự mách bảo của người khác, kể cả các loại thảo dược và thuốc y học cổ truyền vì có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn mà dương vẫn không cương lên được, nỗi buồn thầm kín vẫn còn đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại