Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm 'biến dạng' đất liền hành tinh

Trang Ly |

Các hậu quả từ thiên tai đang gây tác động tiêu cực nhanh hơn và mạnh hơn so với những gì chúng ta tưởng.

Ngày 4/11/2019, Mỹ bắt đầu rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Hiệp định Paris (Paris Agreement) về biến đổi khí hậu là một thỏa thuận quốc tế được 195 quốc gia, gồm Mỹ, ký kết năm 2015 (có hiệu lực năm 2016) tại Pháp nhằm cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính đủ thấp để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C đến năm 2030.

Tuy nhiên, với lượng khí nhà kính phát thải ồ ạt trong thời đại công nghiệp ngày nay, các nhà khoa học đồng loạt lên tiếng phải kìm giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 1,5 độ C.

Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm biến dạng đất liền hành tinh - Ảnh 1.

5 quốc gia/khu vực là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và châu Âu chiếm hơn một nửa tổng lượng khí thải hiện nay. Do đó, mỗi quốc gia đó sẽ chịu trách nhiệm cho một mức tăng mực nước biển có thể đo lường được trong tương lai. Hiệp định Paris kéo dài 15 năm (2015-2030) chính là thời điểm các quốc gia phải cam kết nghiêm túc để kiềm chế khí thải.

Sau quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump, ông Robert Menendez, nghị sĩ đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết: "Chính quyền Trump một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật và tiếp tục chính trị hóa thách thức môi trường lớn nhất thế giới. Quyết định này sẽ trở thành một trong những ví dụ tồi tệ nhất cho việc Mỹ từ bỏ vị thế lãnh đạo và nhượng quyền lực cho những nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác.", VnExpress dẫn thông tin từ AFP.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Hiệp định Paris làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, gây xói mòn chủ quyền quốc gia và đặt Washington vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới. Thay vào đó, Mỹ sử dụng tất cả nguồn năng lượng và công nghệ một cách sạch sẽ và hiệu quả, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo, AFP phân tích.

Tuy nhiên, có một thực tế khắc nghiệt về tình hình Trái Đất mà National Geographic đưa ra nhận định rằng, ngay cả khi Mỹ không rút khỏi Hiệp định Paris thì [theo nghiên cứu mới nhất công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 4/11/2019] thế giới vẫn không thể tránh khỏi những nguy cơ và hậu quả lâu dài đối với đường bờ biển trên toàn cầu.

Thậm chí, ngay cả khi tất cả các quốc gia đạt được Hiệp định Paris đến năm 2030 và sau đó ngừng phát thải carbon hoàn toàn thì sự nóng lên toàn cầu vẫn đủ mạnh để khiến mực nước đại dương thế giới dâng cao. Theo cảnh báo của giới khoa học, đến năm 2300, mực nước biển trên toàn thế giới sẽ cao hơn khoảng 1 mét so với hiện nay.

Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm biến dạng đất liền hành tinh - Ảnh 2.

Sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông, sinh hoạt... từ con người đều làm tăng lượng khí nhà kính ra bầu khí quyển. Hệ quả khiến cho không khí ngày nóng lên.

"Các hậu quả từ sự nóng lên toàn cầu đang gây tác động tiêu cực nhanh hơn và mạnh hơn so với những gì chúng ta tưởng. Có những tác động nhìn thấy trước mắt và có những tác động kéo dài hàng trăm năm nhưng lại mang đến hậu quả làm 'biến dạng' xã hội và địa lý quốc gia (đất liền ven biển)." - Nick Golledge, chuyên gia về băng thuộc Đại học Victoria Wellington, New Zealand cảnh báo.

Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm biến dạng đất liền hành tinh - Ảnh 3.

Không khí nóng hơn đồng nghĩa với việc nó làm thay đổi cả hệ thống khí hậu, từ việc xuất hiện những trận bão dữ dội hơn, những đợt nắng nóng kỷ lục, gió mùa ẩm hơn... Tất cả những thay đổi này, ngày nay không còn xạ lạ với bất kỳ ai!

Không khí nóng lên làm băng [được ví như máy làm lạnh tự nhiên của Trái Đất] ở 2 cực và nhiều khu vực khác tan nhanh hơn. Băng tan làm tăng lượng nước đổ ra đại dương khiến mực nước biển dâng cao.

Mực nước biển dâng cao được đánh giá là hậu quả lâu dài từ sự nóng lên toàn cầu. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã lĩnh hội được rằng: Băng ở Greenland, Nam Cực và ở các vùng núi cao sẽ biến dạng vĩnh viễn nếu nhiệt độ toàn cầu cứ thế tăng lên.

Viễn cảnh này không hoàn toàn 'vô phương cứu chữa'. Bởi theo các tác giả, thế giới còn vài thế kỷ để quyết định và hành động. Các biện pháp phải được thực hiện tổng thể, nghĩa là không chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC), chính quyền các quốc gia ven biển nhanh chóng di rời cư dân vùng duyên hải đến khu vực sinh sống mới... nhằm tránh rơi vào kịch bản của khủng hoảng khí hậu.

Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm biến dạng đất liền hành tinh - Ảnh 5.

"Chúng ta dễ dàng nhìn thấy mực nước biển tăng nhanh chóng do khí thải nhà kính (gây nóng lên toàn cầu) chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Tuy nhiên, rủi ro này chúng ta có thể giảm nếu thực hiện bằng mọi cách và thực hiện với quyết tâm cao" - Alexander Nauels, tác giả chính của báo cáo và là chuyên gia về mực nước biển tại Climate Analytics cho biết.

Mặc dù con số 280 năm (từ năm 2020 - 2300) có thể quá xa đối với nhiều người, nhưng nó nằm trong phạm vi trí nhớ của con người và có tác động trực tiếp lên thế hệ thứ 2, thứ 3 của nhiều người trên thế giới.

Hiện nay, một số nhà khoa học cho rằng các hoạt động tự nhiên mới là yếu tố gia tăng khí nhà kính ra bầu khí quyển, trong khi nhiều người nghiêng về các hoạt động của con người. Có nghịch lý là, trong khi những nước phát triển thải khí nhà kính ồ ạt thì hệ quả của quá trình này lại rơi vào đầu các nước đang phát triển. 

Đại họa trồi lên từ biển sâu: Có thể làm biến dạng đất liền hành tinh - Ảnh 7.

Thay vì đổ lỗi cho quốc gia này, quốc gia khác, cho yếu tố khách quan hay chủ quan, thế giới cần nghiêm túc 'sửa sai' để cứu lấy chính mình, nếu chúng ta không muốn sống trong 'kỷ nguyên ngột ngạt' khí thải, ô nhiễm không khí.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, VnExpress

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại