Không muốn dựa vào cha
Ngọc Minh: Tôi được biết khi mới ra trường bác sĩ đã về Viện Quân y 354 làm việc và được giao phát triển khoa sản, có điều gì làm khó bác sĩ không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Tôi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội năm 1979, Việt Nam vẫn còn chiến tranh biên giới. Lúc đó, nhà nước tổng động viên vào quân đội để phục vụ cho chiến trường.
Tôi được nhận về Viện Quân y 354 (Bệnh viện Quân y 354) và được giao phụ trách phát triển khối sản. Nhưng không phải phụ trách một cái là tôi làm được luôn mà tôi cũng phải đi học mất 1 năm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện phụ sản Hà Nội để biết 1 khoa sản thành lập cần những gì.
Rất may mắn sau đó khoa cũng đi vào hoạt động, thực hiện thành công những ca đỡ đẻ đầu tiên.
Ngọc Minh: Khi khoa sản đã đi vào hoạt động bài bản thì bất ngờ bác sĩ lại có quyết định rời khỏi Bệnh viện Quân y 354. Có ai nói bác sĩ là dại không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Tôi không quan tâm lắm. Năm 1984, khi nhà nước có chính sách cho bác sĩ đã học các trường y không phải quân đội được chuyển ngành. Nắm được cơ hội đó tôi đã xin chuyển ngành. Mặc dù, mức lương trong quân đội sẽ cao hơn lương tại các bệnh viện dân sự và chưa kể còn được ưu tiên cấp nhà hoặc đất.
Lúc tôi quyết định chuyển ngành, bác sĩ Hưởng, Chủ nhiệm khoa vận động tôi ở lại. Nhưng tôi quyết định phát triển sự nghiệp theo hướng chuyên sâu nên cần phải về một bệnh chuyên khoa mới nâng cao được tay nghề.
Ảnh thiết kế: Phương Thanh.
Ngọc Minh: Thời điểm đó ông Đặng Phì đã lên làm giám đốc Viện Quân y 354, ông có nói gì khi bác sĩ quyết định chuyển đi không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Bố tôi tôn trọng quyết định của con gái. Tính tôi xưa nay thích tự lập, nên không muốn dựa vào thế của cha để đi lên.
Tôi rời khỏi quân ngũ, ngoài quân hàm thượng uý còn lại không có gì.
Tôi xin chuyển ngành về Bệnh viện Phụ - Sản Hà Nội làm và không nói với ai bố tôi làm giám đốc ở Bệnh viện 354. Vì tôi không muốn mọi người nghĩ dựa vào thế của cha.
Tới khi tôi được kết nạp đảng, đọc lý lịch trong chi bộ mọi người mới ồ lên ngạc nhiên.
Còn nhớ lúc tôi làm ở Bệnh viện Quân y 354 có chính sách phân đất cho nhân viên nhưng tôi cũng không xin cha cho mình. Tới khi lập gia đình tôi vẫn ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Bây giờ, tôi thấy việc không dựa vào cha và quyết định chuyển ngành là đúng đắn.
Không phải bác sĩ cứ mở phòng mạch là có thu nhập cao
Ngọc Minh: Khi sang một bệnh viện mới có điều gì làm khó được bác sĩ không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Đương nhiên là có rồi, phải nói là áp lực kinh khủng. Tôi làm ở phòng sinh (phòng vất nhất tại bệnh viện phụ sản Hà Nội) số sản phụ hàng ngày tiếp đón cao hơn rất nhiều bệnh viện 354 khiến tôi choáng ngợp.
Tôi nhớ lúc đó tôi luôn có cuốn sách cấp cứu sản khoa kè kè bên cạnh, để gặp ca khó có thể mở ra xem ngay.
Có lần tôi mổ đẻ cho sản phụ xong, khi ra khỏi phòng mổ người ướt sũng mồ hôi do căng thẳng.
Tôi còn nhớ thời đó bệnh viện thường tổ chức xem phim vào chiều thứ 7 hàng tuần. Nhưng những năm tôi làm, tôi chưa từng bước lên hội trường xem phim.
Đó còn chưa kể những lần chuẩn bị đi về lại có bác sĩ gọi đi phụ mổ đẻ cấp cứu, chuyện này diễn ra thường xuyên lắm!
Lúc đó, chưa có điện thoại nên về muộn cũng chẳng biết làm cách nào báo cho gia đình. Có hôm tôi đi làm về muộn nhìn thấy con không có gì ăn, đói đến mức phải xúc đường ăn chờ mẹ về mà thấy tội.
Ngọc Minh: Bác sĩ khó tránh khỏi chuyện làm ca, quá tải, có khi nào bác sĩ thấy mệt mỏi không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Có chứ, bác sĩ cũng là người mà. Tôi không bao giờ ngủ muộn, 10 giờ tối là tôi đi ngủ và thường dậy vào lúc 5 giờ sáng. Ngày nào cũng vậy, nên cơ thể đã lập trình cứ tới giờ đó là dậy. Cả đời tôi chưa bao giờ ngủ nướng.
Có những ngày tôi phải đi trực đêm, sau đó hôm sau vẫn phải đi làm việc, tối về làm ở phòng khám nên rất mệt mỏi. Tôi nhớ có lần tôi ngủ gật ngay trong bữa cơm. Mệt mỏi, thiếu ngủ là điều mà ai chọn nghề bác sĩ sẽ hiển nhiên phải chấp nhận.
Ảnh thiết kế: Phương Thanh.
Ngọc Minh: Nghe bác sĩ nói tôi mới thấm thía hào quang mà một bác sĩ đạt được là không hề dễ dàng. Nhưng một bác sĩ thời đó mà có phòng mạch riêng thì thu nhập sẽ không hề thấp?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Đúng là tôi có phòng mạch riêng, nhưng chủ yếu là phục vụ cho bệnh nhân quen của mình. Tôi mở phòng và phải làm từ A tới Z, nếu có tiền thì sao không thuê người phụ cho sướng.
Không phải bác sĩ cứ mở phòng mạch là có thu nhập cao, mà cũng chỉ đủ trang trải giúp cuộc sống tốt hơn.
Như tôi thời đó mở phòng khám tại nhà vừa làm vừa tranh thủ nấu cơm, tắm cho con. Có lần con tôi còn được bệnh nhân tắm giúp.
Không có máy móc khiến cho bác sĩ cũng lạc hậu
Ngọc Minh: Những năm 1990 trang thiết bị máy móc là thứ rất thiếu thốn. Tôi tò mò không có máy móc bác sĩ làm gì để tìm đúng bệnh?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Không có máy móc, bác sĩ khám bằng kiến thức, kinh nghiệm của mình học hỏi từ thầy và các anh chị đi trước để áp dụng vào thực tế. Cách học đó cũng có cái hay là bác sĩ phải chăm chỉ học rất kỹ về lâm sàng (khám, tiên lượng ca bệnh và hướng xử trí). Nhớ vậy, mà tay nghề vững lên nhiều.
Tôi nhớ đến năm 1989 bệnh viện phụ sản có chiếc máy siêu âm đầu tiên. Máy siêu âm rất lạ lẫm với bác sĩ, vì không hiểu nó hoạt động ra sao để nhìn thấy hình ảnh thai nhi trong bụng. Đấy, không có máy móc khiến cho bác sĩ cũng lạc hậu.
Ảnh thiết kế: Phương Thanh.
Ngọc Minh: Tai biến trong sản khoa được các bác sĩ nhắc tới thường rất 'kinh khủng'. Có ca bệnh nào mà bác sĩ vẫn còn nhớ hay không?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Tôi không muốn nhắc tới những chuyện xưa, nhưng tai biến sản khoa có rất nhiều. Vì vậy, khi vào nghề tôi luôn xác định phải làm cẩn thận. Những tai biến lớn với tôi thì không có nhiều. Vì mỗi một ca mổ tôi thường ghi chép lại vào sổ cho tới khi bệnh nhân ra viện để rút kinh nghiệm.
Còn ca bệnh mà tôi vẫn nhớ mãi đó là trường hợp thai phụ 36 tuần có cơn đau bụng phải hét lên. Bình thường cơn đau đẻ của người phụ nữ sẽ từ từ và vẫn có thể chịu đựng. Nhưng sản phụ trước khi nhập viện 1 ngày đã xuất hiện cơn đau khiến cho sản phụ không thể chịu nổi.
Khi tôi khám tử cung thì không có cơn co, cổ tử cung vẫn đóng. Bệnh nhân đau không phải do chuyển dạ đẻ.
Kết quả siêu âm khối thai lớn choáng hết tạng nên không biết được lý do bệnh nhân đau do đâu. Trước cơn đau bất thường của bệnh nhân, bụng có phản ứng thành bụng dù chưa chuyển dạ, nhưng vẫn có chỉ định mổ (đã được hội chẩn cấp cứu với giám đốc).
Sau khi mổ đẻ lấy thai, kiểm tra 2 bên buồng trứng tôi phát hiện khối u nang của bệnh nhân bị vỡ, dịch chảy vào ổ bụng là nguyên nhân gây đau.
Hay như trường hợp bệnh nhân chửa trong ổ bụng tới 4 tháng. Bệnh nhân có tới bệnh viện khám do đau bụng, choáng, còn tim thai. Chúng tôi phải hồi sức giúp cho mạch và huyết áp tăng lên. Nghe vẫn có tim thai nhưng bệnh nhân choáng nặng, bác sĩ nghi vấn có điểm bất thường nên đã hội chẩn cấp cứu quyết định mổ để tìm nguyên nhân.
Ngay trước giờ mổ, nghe tim thai đã mất. Khi chúng tôi mổ ra, khối thai nằm trong ổ bụng, các mạc nối lớn, ruột bọc lấy thai như một tổ chim. Rau bị bong ra, đó chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân đau và choáng.
Y văn cũng đã từng ghi nhận có thai trong ổ bụng, nhưng thai to tới 4 tháng thì rất hiếm. Ca bệnh này cả cuộc đời tôi mới gặp 1 trường hợp.
Ngọc Minh: Tôi còn được biết bác sĩ không muốn con trai theo ngành y?
Bác sĩ Đặng Phạm Quang Thái: Tôi làm ngành y rồi nên rất 'thấm' sự vất vả. Cũng chính vì vậy khi con trai thông báo con sẽ thi trường y tôi cảm thấy sững sờ. Vì trước đó, tôi có định hướng cho con theo một ngành khác.
Tôi không muốn con phải vất vả đêm hôm, có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật…
Cảm ơn bác sĩ, mong bác sĩ sẽ tiếp tục dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân nữa!