Từng được thử nghiệm trên chiến trường Syria vào năm 2018, hệ thống robot chiến đấu Uran-9 được thiết kế để bổ sung hỏa lực cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp, trinh sát tầm xa và tiêu diệt xe cơ giới đối phương.
Với trọng lượng khoảng 10 tấn, vũ khí được trang bị trên Uran-9 gồm pháo tự động Shipunov 2A72 30 mm, súng máy đồng trục PKTM 7,62mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) 9M120-1 "Ataka", 6 súng phóng đạn nhiệt áp RPO-M "Shmel-M".
Với vai trò hỗ trợ hỏa lực phòng không tầm ngắn, Uran-9 có thể mang theo 4 tên lửa đất đối không (MANPADS) 9K338 Igla-S/SA-24 Grinch (và có thể là cả 9K333 Verba/SA-25).
Ưu điểm của Uran-9 là chỉ cần một kỹ thuật viên điều khiển từ khoảng cách tối đa có thể lên tới 3 km.
Khi di chuyển trên đường nhựa, Uran-9 đạt vận tốc 35 km/giờ (tốc độ khi di chuyển trong địa hình phức tạp vào khoảng 25 km/giờ).
Uran-9 được bổ sung cảm biến nhiệt độ, máy đo khoảng cách laser và các loại kính quang học có thể quan sát cả ngày lẫn đêm. Hệ thống nói trên có thể tự động phát hiện, nhận biết, theo dõi mục tiêu.
Theo ý tưởng của các nhà thiết kế, Uran-9 nên hoạt động theo cặp bao gồm một robot trinh sát tầm xa và một robot khác cung cấp hỏa lực.
Chưa rõ số lượng Uran-9 được cung cấp cho Sư đoàn 25 đặc nhiệm là bao nhiêu, tuy nhiên nếu số lượng đủ nhiều, robot chiến đấu có thể tạo ra "bước ngoặt" ở thời điểm Quân đội Arab Syria (SAA) chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự tổng lực vào mùa đông năm 2019 tại tỉnh Idlib.
Hệ thống robot chiến đấu Uran-9 (Nguồn: Rosoboronexport).