Robot Trung Quốc lập kỳ tích trên Mặt Trăng: Phát hiện vật chất bí ẩn, khoa học chưa từng thấy

Trang Ly |

Đây là lần thứ hai robot thám hiểm Yutu-2 của Trung Quốc tìm thấy vật chất mới trên bề mặt nửa tối Mặt Trăng.

Space.com đưa tin, robot thám hiểm Mặt Trăng Yutu-2 (Thỏ Ngọc 2), thuộc sứ mệnh Chang'e-4 thám hiểm nửa tối Mặt Trăng, vừa phát hiện một dạng vật chất bí ẩn, khoa học chưa từng thấy, dạng keo trên Mặt Trăng.

Cú đúp trong hành trình thám hiểm nửa tối Mặt Trăng của Thỏ Ngọc 2

Cụ thể, trong sứ mệnh thăm dò bề mặt Mặt Trăng tại khu vực hố va chạm Mặt Trăng Von Kármán ở nửa tối Mặt Trăng, robot Yutu-2 đã tình cờ phát hiện loại vật chất bí ẩn chưa từng thấy trên Mặt Trăng.

Ngày 28/7/2019, khi các nhà khoa học Trung Quốc chuẩn bị cho Yutu-2 'nghỉ trưa' theo thông lệ để bảo vệ nó khỏi nhiệt độ nóng cũng như bức xạ nguy hiểm từ Mặt Trời và để kiểm tra dữ liệu 'nhật ký di chuyển' của Yutu-2 thì họ phát hiện hình ảnh (trong dữ liệu của Yutu-2) về một miệng núi lửa nhỏ có chứa loại vật chất kỳ lạ, có màu sắc và phát sáng rất khác biệt so với bề mặt Mặt Trăng xung quanh.

Khám phá bất ngờ này khiến các nhà khoa học thuộc Trung tâm kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (đang theo dõi sứ mệnh Chang'e-4) đứng giữa hai lựa chọn: Một là để Yutu-2 tiếp tục hành trình di chuyển trên bề mặt nửa tối Mặt Trăng để tiếp tục thu thập các mẫu vật chất khác; Hai là trì hoãn tất cả lịch trình của Yutu-2 để nó tập trung giải mã vật chất dạng keo bí ẩn đó thực sự là gì.

Robot Trung Quốc lập kỳ tích trên Mặt Trăng: Phát hiện vật chất bí ẩn, khoa học chưa từng thấy - Ảnh 2.

Hình ảnh robot thám hiểm Mặt Trăng Yutu-2 của Trung Quốc. Ảnh: CLEP (Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc)

Cuối cùng, Trung tâm kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh quyết định hoãn kế hoạch di chuyển về phía Tây của Yutu-2, cho Yutu-2 tiếp cận miệng núi lửa để nghiên cứu vật chất bí ẩn này.

Hiện nay, công nghệ vũ trụ tiên tiến nhất mà Yutu-2 sở hữu là camera có độ phân giải cao (cho phép Yutu-2 cung cấp hình ảnh sắc nét vật chất khi tiếp cận miệng núi lửa) và thiết bị VNIS (một máy quang phổ cận) có thể xác định ánh sáng phản chiếu lên vật chất đó, từ đó giúp các nhà khoa học tìm hiểu bản chất của nó.

Dù chưa thể kết luận chính xác vật chất mà Yutu-2 tìm thấy là gì nhưng các nhà khoa học Trung Quốc ban đầu tiết lộ, vật chất này có dạng như keo, sở hữu những sắc màu rất khác thường. Một số chuyên gia vũ trụ cho rằng, vật liệu này có thể được tạo ra bởi vô số thiên thạch từng va chạm vào bề mặt nửa tối Mặt Trăng trong lịch sử.

Khám phá mới nhất này của Yutu-2 được giới thiên văn học nhận định là "đáng ngạc nhiên", "kỳ tích" bởi tính cho đến nay, nhân loại biết rất ít về nửa tối Mặt Trăng - thế giới hoàn toàn bí ẩn với con người.

Đây là phát hiện "kỳ tích" thứ hai của Yutu-2. Trước đó, sau gần 4 tháng kể từ khi Chang'e-4 đổ bộ (ngày 3/1/2019, đọc chi tiết), Yutu-2 có được phát hiện khiến giới khoa học "dậy sóng": Tìm thấy vật liệu được cho là của lớp phủ Mặt Trăng.

Theo máy đo quang phổ của Yutu-2, vật liệu này có thể chứa ít nhất hai khoáng chất là Pyroxene canxi thấp và Olivin (phần trên của lớp phủ (quyển manti) của Trái Đất chủ yếu cấu tạo bởi Olivin và Pyroxen).

"Nếu mẫu vật mà Yutu-2 thu thập được thực sự là vật liệu của lớp phủ, thì đây sẽ là một kỳ tích thực sự. Thành phần của nó sẽ không chỉ ghi lại quá trình tiến hóa nhiệt và mắc-ma, một số đặc điểm lịch sử ban đầu của Trái Đất cũng có thể bị "nhốt" trong thế giới ngầm của Mặt Trăng.", tác giả nghiên cứu chính Chunlai Li từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.

Robot Trung Quốc lập kỳ tích trên Mặt Trăng: Phát hiện vật chất bí ẩn, khoa học chưa từng thấy - Ảnh 4.

Sứ mệnh Chang'e-4 của Trung Quốc gồm: Tàu thám hiểm Chang’e-4, robot tự hành trên mặt đất Yutu-2 và vệ tinh chuyển tiếp liên lạc Queqiao. Đồ họa: Viện Khoa học Trung Quốc

Không ngừng giải mã Mặt Trăng

Trước đó, trong sứ mệnh Apollo 17 của NASA, phi hành gia kiêm nhà địa chất học Harrison Schmitt đã tìm thấy miếng đất màu cam kỳ lạ gần điểm đổ bộ của mô-đun Mặt Trăng (thuộc phi thuyền Apollo 17 năm 1972) tại thung lũng Taurus–Littrow (nửa sáng Mặt Trăng).

Sau khi đưa về Trái Đất nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng miếng đất màu cam trên Mặt Trăng được tạo ra sau một vụ phun trào núi lửa lớn trên Mặt Trăng khoảng 3,64 tỷ năm trước.

Sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của tàu vũ trụ không người lái Chang'e-4 (Hằng Nga 4, Thường Nga 4) của Trung Quốc bắt đầu vào ngày 7/12/2018. Sau khi được tên lửa Long March 3B (dòng tên lửa mạnh nhất của Long March) phóng đi, Chang'e-4 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng ngày 12/12/2018. Cuối cùng vào ngày 3/1/2019, sau 12 phút đổ bộ nghẹt thở, Chang'e-4 hạ cánh thành công xuống nửa tối Mặt Trăng.

Sự kiện này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử đưa tàu vũ trụ không người lái đổ bộ thành công nửa tối bí ấn của Mặt Trăng; đồng thời là quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Liên Xô và Mỹ) đưa tàu đổ bộ bề mặt Mặt Trăng một cách độc lập.

Robot Trung Quốc lập kỳ tích trên Mặt Trăng: Phát hiện vật chất bí ẩn, khoa học chưa từng thấy - Ảnh 7.

Khu vực hố va chạm Mặt Trăng Von Kármán ở nửa tối Mặt Trăng, nơi Chang'e-4 đổ bộ ngày 3/1/2019. Nguồn: NASA/GSFC/Đại học bang Arizona.

Sở dĩ, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) chọn địa điểm hạ cánh là miệng núi lửa Von Kármán đường kính 180km là bởi nó thuộc lưu vực Nam Cực-Aitken. 

Những vết tích lưu lại trên lưu vực Nam Cực-Aitken cho thấy nó từng chịu những tác động địa chất rất lớn. Vì thế, nghiên cứu chi tiết khu vực này sẽ giúp các nhà khoa học "săn lùng" các khoáng chất thuộc về lớp phủ, từ đó hiểu chi tiết về mặt trong của Mặt Trăng, giúp nhà khoa học hiểu thêm về Trái Đất chúng ta.

Vào năm 2007, Trung Quốc khởi động Chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Chang'e. Ở 2 sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên (Chang'e-1 phóng năm 2007 và Chang'e-2 phóng năm 2010) Trung Quốc thành công trong việc phóng tàu bay quay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.

Riêng sứ mệnh Chang'e-2 còn lập được bản đồ Mặt Trăng có độ phân giải cao hơn; đồng thời cung cấp hình ảnh độ nét cao về Sinus Iridum (còn gọi là Vịnh Cầu vồng, là một vùng đồng bằng dung nham bazan thuộc phần tây bắc của Mare Imbrium - một trong những miệng núi lửa lớn của Thái Dương Hệ).

Ở sứ mệnh Chang'e-3 năm 2013, Trung Quốc tiếp tục thành công trong việc hạ cánh một tổ hợp tàu thăm dò tự hành có tên Yutu-1 (Thỏ Ngọc 1) tại nửa nhìn thấy được của Mặt Trăng.

Trung Quốc tiếp tục thể hiện tham vọng chinh phục Mặt Trăng khi nước này lên kế hoạch triển khai các sứ mệnh Chang'e-5, Chang'e-6, nhằm tạo tiền đề cho một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng của Trung Quốc vào những năm 2030 và có thể xây dựng một tiền đồn gần cực Nam Mặt Trăng về sau.

Bài viết sử dụng nguồn: Space.com, Curiosmos

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại