Robot ở nhà máy giày Nike và mối đe dọa treo trên đầu những lao động giá rẻ ở châu Á

Quỳnh Mai |

​Nền sản xuất dựa trên lao động giá rẻ của các nước đang phát triển có thể mất đi ưu thế nếu các doanh nghiệp dệt may và da giày chuyển sang sản xuất tự động.

Knox Robinson, một vận động viên marathon đầy tham vọng, có thể đi hàng chục đôi giày tập mỗi năm. Dù vậy, khi tham gia thi đấu, anh chỉ lựa chọn một đôi giày duy nhất – Flyknit Racer của Nikes.

Với nhiều vận động viên, mẫu thiết kế đan chéo phần trên của Flyknit Racer giúp đôi giày trơn mịn và vừa khít với bàn chân hơn. Có rất ít hãng giày có thiết kế tương tự.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2012, Flyknit Racer luôn được xem như một đột phá về công nghệ. Được sản xuất bởi một máy dệt đặc biệt, nó sử dụng ít nhân công và nguyên liệu vải hơn so với hầu hết các mẫu giày chạy khác.

Tuy nhiên, hiện nay loại vải sản xuất Flyknit Racer đang hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất trang phục thể thao cũng như thúc đẩy một xu hướng quan trọng của quá trình toàn cầu hóa.

Kể từ năm 2015, Nike đã bắt tay cùng Flex, một công ty công nghệ cao nổi tiếng với các sản phẩm như đồng hồ Fitbit và máy chủ Lenovo, nhằm đưa thêm máy móc vào quá trình sản xuất giày vốn cần nhiều nhân công.

Nhà máy của Flex tại Mexico đã trở thành một trong những nhà máy quan trọng nhất của Nike. Đây không chỉ là nơi chịu trách nhiệm sản xuất một số sản phẩm của công ty, mà còn đảm nhiệm việc thử nghiệm các cải tiến để áp dụng trên khắp chuỗi của Nike, ví dụ như cắt bằng laser hay ghép tự động.

Với Nike, việc chuyển đổi theo hướng tăng cường tự động hoá có hai lợi ích lớn. Thứ nhất, với việc giảm chi phí, Nike có thể cải thiện đáng kể lợi biên nhuận của mình.

Ngoài ra, điều này còn giúp công ty tạo ra các mẫu thiết kế mới nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với gu thời trang ngày càng cao. So với một đôi Flyknit 130 USD, giá của một đôi Nike Roshe không có phần Flyknit phía trên chỉ có 75 USD.

Đầu năm nay, khi được hỏi về mối quan hệ giữa Flex và Nike, Chris Collier, giám đốc tài chính của Flex, cho biết: “Cùng nhau, chúng tôi đang hiện đại hoá ngành công nghiệp giày dép. Với chúng tôi, đây là một mối quan hệ lâu dài trị giá hàng tỉ đô la, hiệu quả không thể nhận thấy trong vài năm, mà phải là vài thập kỷ.”

 Robot ở nhà máy giày Nike và mối đe dọa treo trên đầu những lao động giá rẻ ở châu Á  - Ảnh 1.

Mới đây Nike đã đầu tư vào các công ty công nghệ cao như startup Grabit đến từ California.

Suy nghĩ nghiêm túc hơn về tự động hóa

Hợp tác cùng Flex cũng đem đến tác dụng cộng hưởng lớn hơn. Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, Nike là một trong những nhà tiên phong trong sản xuất gia công tại các nước đang phát triển – những quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động trẻ em và bóc lột công nhân.

Dù vậy, hiện nay, nhiều quốc gia lo sợ rằng robot sẽ cản trở quá trình công nghiệp hoá của họ. Nếu Nike quyết định tăng cường tự động hoá và chấm dứt sản xuất tại châu Á, thì công ty này có thể vướng phải một tranh chấp chính trị khác.

Nike cho biết doanh thu tăng sẽ cho phép họ tăng cường tự động hoá mà vẫn duy trì được số lượng nhân công như hiện nay.

Nike là một trong những nhà tuyển dụng đa quốc gia lớn nhất thế giới, với hơn 493.000 công nhân từ 15 quốc gia đang tham gia sản xuất giày tại đây. Để sản xuất toàn bộ các sản phẩm, các nhà máy của Nike tuyển dụng 1,02 triệu công nhân tại 42 quốc gia.

 Robot ở nhà máy giày Nike và mối đe dọa treo trên đầu những lao động giá rẻ ở châu Á  - Ảnh 2.

Sridhar Tayur, một chuyên gia về quản lý hoạt động tại trường Kinh doanh Tepper của Carnegie Mellon, cho biết các quyết định của Nike về phạm vi tự động hoá sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với toàn ngành.

Ông cho biết: “Chi phí lao động thấp tại châu Á không còn thấp trừ khi bạn tới châu Phi hoặc một nơi nào đó…

Áp lực tăng cao trong một thời gian dài khiến doanh nghiệp phải chuyển sản xuất tới những nơi có chi phí lao động siêu thấp hoặc tăng cường tự động hoá. Và tình hình hiện nay khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc tự động hoá.”

Theo Tayur, Nike hiện đang nỗ lực thay đổi bản thân mình thành một doanh nghiệp đạo đức và bền vững, nhưng bất cứ sự chệch hướng nào cũng có thể đem đến phản ứng dữ dội. Tayur cho biết: “Hiểu biết của người tiêu dùng Mỹ về vấn đề bất công ngày càng tinh tế hơn.

Vị trí hiện nay của Nike khiến hãng phải nỗ lực nhiều hơn. Hãy thử tưởng tượng làn sóng phản đối khi họ không thể thực hiện cam kết của mình.”

Nike cần một động lực. Với doanh thu 34,4 tỉ USD vào năm tài khoá 2017, công ty vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều để đạt được tham vọng lợi nhuận 50 tỉ USD vào năm 2020.

Mark Parker, giám đốc điều hành, đã đưa ra mục tiêu này vào năm 2015, thời điểm Nike đang dẫn đầu xu hướng khách hàng thích mặc trang phục luyện tập ngay cả khi không ở phòng gym.

Tuy nhiên, sau đó, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng do cạnh tranh tăng cao cùng sự hồi sinh của hãng giày Đức Adidas ở thị trường Bắc Mĩ.

Tiềm năng tăng trưởng của Nike khi tăng cường tự động hoá là rất lớn. Các chuyên gia phân tích Jim Suva và Kate McShane tại Citibank dự đoán bằng việc áp dụng quy trình sản xuất của Flex để sản xuất Air Max 2017, một trong những dòng sản phẩm bán chạy nhất của Nike, chi phí lao động và nguyên liệu sẽ lần lượt giảm 50% và 20%.

Điều này tương đương với tổng lợi nhuận tăng từ 12,5% lên 55,5%.

 Robot ở nhà máy giày Nike và mối đe dọa treo trên đầu những lao động giá rẻ ở châu Á  - Ảnh 3.

Cũng theo Citibank, nếu Flex sản xuất được 30% tổng lượng giày Nike tại Bắc Mỹ, Nike có thể tiết kiệm một khoản chi phí lao động và nguyên liệu là 400 triệu USD, tương đương EPS của cổ phiếu Nike tăng thêm 5%.

Động lực tiến hành tự động hoá không chỉ nằm ở chi phí, mà còn là để đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Trên thị trường, nhà bán lẻ thành công nhất là những đơn vị thường xuyên ra mắt sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu và thói quen mua sắm luôn thay đổi của khách hàng. Dù vậy, tới nay, nhiều công ty vẫn chưa thể cải thiện sản phẩm giày dép bằng các quy trình sản xuất phức tạp để thích nghi với các xu hướng thời trang hiện nay.

Với hơn một triệu đôi giày Nike được sản xuất tại các nhà máy tại Guadalajara, Mike Jennison, một quản lý cấp cao tại Flex, cho biết công ty đang “tái tạo” toàn bộ ngành “với lượng nhân công giảm đáng kể” so với châu Á.

Sản xuất giày truyền thống đòi hỏi 200 phần khác nhau với 10 cỡ giày. Những phần này thường được cắt và ghép thủ công. Quy trình sản xuất mới do Flex phát triển đã thực hiện được hai điều không tưởng: quy trình ghép tự động và dùng laser để cắt vật liệu Flyknit.

Thời gian hoàn thành một sản phẩm mới trong ngành công nghiệp giày dép thường mất vài tháng. Tuy nhiên, Flex đã cam kết sẽ giúp Nike giảm thiểu thời gian này xuống còn ba đến bốn tuần cho một đôi giày thể thao.

Đưa sản xuất tới gần các thị trường then chốt hơn giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những công ty như Nike, việc làm này có thể châm ngòi cho nhiều vấn đề chính trị mới tại các quốc gia mà Nike hoạt động trong vòng hai thập kỷ trở lại đây.

Cụ thể, Nike có nguy cơ bị phản đối do lấy lại việc làm của công nhân châu Á. Trước đây, công ty từng bị buộc tội ngược đãi những công nhân này.

Nike trở thành đối tượng bị chỉ trích về cách vận hành tồi tệ của các công ty đa quốc gia vào giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000.

Khi đó, công ty bị các tổ chức phi chính phủ, như Oxfam và Global Exchange, buộc tội dung túng bóc lột và sử dụng lao động trẻ em trong các nhà máy và giữa các nhà cung cấp tại nhiều nước châu Á.

 Robot ở nhà máy giày Nike và mối đe dọa treo trên đầu những lao động giá rẻ ở châu Á  - Ảnh 4.

Mặc dù sau đó công ty đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm thay đổi chính sách sử dụng lao động, nhưng Nike vẫn tiếp tục bị chỉ trích. Vào năm ngoái, sinh viên của Đại học Georgetown, Washington đã buộc trường phải chấm dứt hợp đồng với Nike vì tranh chấp với tổ chức phi chính phủ Worker Rights Consortium (WRC).

Nike cũng giảm thiểu gần 200 nhà máy trong chuỗi cung ứng của mình trong vòng 5 năm qua nhằm tập trung vào “những quan hệ hợp tác lâu dài, chất lượng”.

Tuy nhiên, theo Tara Rangarajan, một quản lý điều hành toàn cầu tại BetterWork, một đối tác chuyên về điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp dệt may của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quy trình đóng cửa nhà máy, bao gồm cả vấn đề tuân thủ tiêu chuẩn, có thể sẽ mất nhiều thời gian và tiền của đối với “những thương hiệu nhạy cảm như Nike”.

Công ty sẽ phải cố gắng giảm thiểu nguy cơ làm gián đoạn nền kinh tế địa phương.

ILO dự đoán khoảng 56% việc làm tại Campuchia, Indonesia, Philippin, Thái Lan và Việt Nam đứng trước nguy cơ tự động hoá trong một hoặc hai thập kỉ tới, trong đó, phần lớn việc làm thuộc lĩnh vực sản xuất quần áo và giày dép. Hơn 75% số công nhân sản xuất giày Nike làm việc tại Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại