Tại sự kiện này, nhiều sản phẩm Make in Việt Nam cũng đã được giới thiệu và mang tới những giải pháp chuyển đổi số mới cho các doanh nghiệp quốc tế.
Tập đoàn sản xuất Schaeffler AG là một trong nhà cung cấp linh phụ kiện ô tô và công nghiệp hàng đầu tại Đức. Việc ứng dụng các robot tự động hoá do Việt Nam sáng tạo hiện giúp họ cải thiện được gần 20% hiệu quả sản xuất.
"Chúng tôi hiện đang sử dụng robot của tập đoàn FPT Việt Nam để xử lý hơn 200 dự án khác nhau của chúng tôi", ông Christian Koegler - chuyên gia trung tâm dịch vụ số hóa, Tập đoàn sản xuất Schaeffler AG cho hay.
Tại sự kiện World API & AI 2022, các chuyên gia cũng đánh giá các sản phẩm Việt Nam dù chưa phải là thương hiệu mạnh nhưng có nhiều lợi thế về phần mềm, robot tự động và khả năng phục vụ chăm sóc khách hàng. Vì thế sẽ có nhiều cơ hội khi mà nhu cầu tự động hoá nghiệp vụ, chuyển đổi số đang ngày càng lớn.
Ông Bùi Đình Giáp - CEO của akaBot - FPT Software cho hay: "Về mặt công nghệ các sản phẩm của Việt Nam chúng ta có thể tự tin đi ra thế giới. Khi làm sản phẩm mới thì chúng ta nên xác định mục tiêu Global ngay từ đầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cần có những nhân viên toàn cầu, những người am hiểu thị trường này và sẽ giúp chinh phục được khách hàng quốc tế".
Báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường Gartner cho biết, chi phí đầu tư cho robot tự động hóa RPA của các công ty toàn cầu ước đạt 2,9 tỷ USD trong năm 2022, tăng trưởng 19,5% so với năm 2021 có thể duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm tới.