Sinh vật mang danh pháp khoa học Alienopterix santonicus là... một con gián, nhưng là gián "quái vật" sống cùng loài khủng long.
Ảnh đồ họa của các nhà khoa học mô tả một sinh vật có màu sắc sặc sỡ, nhưng nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Biologia cho biết nó còn là một sinh vật... lấp lánh ánh kim, trông như một con robot lạc loài giữa thế giới quái vật cổ đại.
Con gián "quái vật" sặc sỡ và ánh kim của kỷ Phấn Trắng - Ảnh: Márton Zsoldos
Mảnh hổ phách quý hiếm giam giữ nó đã được khai quật tại một đường hầm của mỏ than Ajka-Csingervolgy ở Hungary, nơi nổi tiếng chứa những bao thể động vật chân đốt.
Kết quả xác định niên đại cho thấy mảnh hổ phách và chắc chắn là cả cơ thể của con gián lạ lùng bên trong có niên đại khoảng 83-86 triệu năm, tức giai đoạn muộn của kỷ Phấn Trắng.
Nó thuộc họ Alienopteridae, một họ gián đã tuyệt chủng trước đó chỉ được biết đến tại Bắc Mỹ và Bắc Myanmar và cũng là họ độc nhất được biết đến trong siêu họ Umenocoleoidea.
Và nó cũng là họ duy nhất đã vượt qua đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng sau đó, được kích hoạt bởi thiên thạch giết khủng long Chicxulub.
Miếng hổ phách bảo tồn cơ thể sinh vật - Ảnh: Biologia
Nhà cổ sinh vật học Márton Szabó từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hungary và Trường Đại học ELTE Eötvös Loránd, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Gián là một trong những bộ côn trùng chiếm ưu thế nhất trong hệ sinh thái các đại Cổ Sinh và Trung Sinh".
"Xuất hiện trong Kỷ Than đá muộn, chúng được coi là tổ tiên của mối, bọ ngựa và Chresmoda (một chi côn trùng đã tuyệt chủng). Trong quá trình tiến hóa kéo dài 320 triệu năm của chúng, gián đã thích nghi với nhiều hệ sinh thái và phát triển mức độ đa dạng sinh thái, hành vi và hình thái cao" - tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ Szabó.