Rộ trào lưu lọc máu "ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ", bác sĩ cũng phải bất ngờ

Ngọc Minh |

Trên mạng xã hội gần đây nở rộ trào lưu lọc máu "ngừa đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh khác". Vậy lọc máu có tác dụng phòng ngừa bệnh như lời đồn?

Nội dung chính

  • Rộ quảng cáo lọc máu "ngừa đột quỵ, phòng đái tháo đường, gan nhiễm mỡ"
  • Lọc máu được chỉ định cho các trường hợp nào?
  • Cách phòng ngừa đột quỵ khi mỡ máu cao

Hiện nay, chế độ ăn thiếu lành mạnh và lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở nhiều người. Lo ngại về nguy cơ đột quỵ, nhiều người đã rủ nhau đi lọc máu để "loại bỏ mỡ máu và phòng ngừa nhiều bệnh".

Cụm từ "lọc máu ngừa đột quỵ" đã trở thành trend (xu hướng) trên các nền tảng mạng xã hội với những lời quảng cáo có cánh. Những lời quảng cáo này có đoạn: "Lọc máu 2-3 tiếng sẽ loại bỏ được cholesterol, mỡ máu xấu tích tụ bên trong cơ thể ra ngoài"; "Lọc máu giúp ngăn chặn các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch và nhiều bệnh lý khác".

Lọc máu chỉ định cho đối tượng nào?

ThS.BS CKII Nguyễn Đăng Quốc, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết trào lưu lọc máu theo phòng trào thế này không được khuyến khích. Lọc máu là kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao về máy móc hiện đại, đồng thời người thực hiện phải là người có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể.

 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Quốc, hiện nay lọc máu được chỉ định cho các trường hợp:

- Lọc máu ngắt quãng được thực hiện cho người bệnh suy thận.

- Lọc máu liên tục cho người bệnh shock nhiễm khuẩn, suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng...

- Lọc máu thay huyết tương cho người bệnh mắc bệnh tự miễn, viêm tụy cấp...

Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, nói rằng bản thân khá bất ngờ khi nghe những lời quảng cáo kể trên. Về mặt chuyên môn, không có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh, bác sĩ Mạnh nói.

"Phương pháp lọc mỡ máu là phương pháp lọc huyết tương hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu có nguy cơ tắc mạch máu bất kỳ lúc nào, bệnh đa u tủy xương… chứ không phải phương pháp phòng ngừa bệnh", bác sĩ Mạnh nói.

Theo bác sĩ Mạnh, trong máu có rất nhiều thành phần, ví dụ như bạch cầu, tiểu cầu, một phần lipid, các chất miễn dịch khác. Nếu lọc toàn bộ các chất trong máu có thể vô tình loại bỏ những chất tốt.

"Mỡ máu gồm hai loại là mỡ tốt và mỡ xấu, nếu lọc hết mỡ máu có thể loại bỏ cả mỡ tốt. Trong khi đó, các loại mỡ tốt còn có chức năng làm tăng collagen cho thành mạch, tốt cho não", bác sĩ Mạnh cho biết.

Làm gì khi mỡ máu cao?

Bác sĩ Quốc cho biết người có vấn đề về mỡ máu nên có chế độ ăn hợp lý - khoa học, tập luyện thể dục thể thao, bỏ bia rượu, hạn chế đạm động vật và đồ ăn nhanh, tăng cường ăn chất xơ.

"Trường hợp bệnh nhân đã bị mỡ máu cao thì cần phải kiểm soát tốt bằng thuốc, cộng thêm chế độ ăn và tập luyện. Người dân khi có bất cứ nguy cơ bệnh lý gì thì phải kiểm soát tốt bệnh đó theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tin theo những quảng cáo trên mạng, vì không phải cái gì cũng lọc máu là giải quyết được gốc của bệnh", bác sĩ Quốc cho hay.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỡ máu cao có thể gây ra xơ vữa động mạch, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, nếu người mỡ máu cao uống thuốc, kiểm soát chế độ ăn uống, thăm khám định kỳ thì sẽ kiểm soát được nguy cơ đột quỵ.

Người mỡ máu cao cần có chế độ ăn giàu chất xơ, tăng cường rau xanh (500g/ngày), dùng dầu thực vật, uống bổ sung dầu cá omega-3 giúp giảm mỡ máu, PGS Lâm nói. Chế độ ăn khoa học, cân bằng các nhóm chất là chìa khóa giúp dự phòng bệnh và nguy cơ tai biến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại