Rộ tin nước thân Nga giáng đòn, giao tên lửa Nga cho Mỹ và đóng băng hàng loạt tài khoản: Điều gì xảy ra?

Minh Nhật |

Truyền thông Hy Lạp loan tin rằng một quốc gia có quan hệ thân cận với Moscow đã dùng tên lửa S-400 được Nga cung cấp để đổi lấy "món quà quý" từ Mỹ.

Truyền thông Hy Lạp và Nga, gần đây rộ lên thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ giáng 2 đòn liên tiếp nhằm vào Moscow.

Đổi tên lửa S-400 Nga lấy F-35 Mỹ

Tờ New Arab ngày 25/9 đưa tin, báo cáo tin tức do truyền thông Hy Lạp đưa ra cho biết, Mỹ đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ bàn giao hệ thống tên lửa S-400 của Nga hoặc đặt chúng dưới sự giám sát của Washington tại căn cứ không quân Incirlik. Đổi lại, Ankara sẽ được tái gia nhập chương trình tiêm kích tàng hình F-35 và dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Theo tờ Kathimerini (Hy Lạp), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan – trong chuyến công du tới Mỹ để dự Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York – đã khôi phục các cuộc thảo luận về lệnh trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật CAATSA (Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt).

 - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Ảnh: Missile Threat

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã chỉ ra rằng, cả hai bên đang nỗ lực hướng tới một "giải pháp sáng tạo" liên quan tới hệ thống tên lửa S-400 mà Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Kathimerini cho biết, trong khuôn khổ thảo luận, các quan chức Mỹ đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bàn giao S-400 cho Washington, hoặc đặt chúng dưới sự kiểm soát của Mỹ tại căn cứ Incirlik.

Những diễn biến này khiến Athens lo ngại. Giới chức Hy Lạp cho rằng khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tái gia nhập chương trình F-35 có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Thủ tướng Hy Lạp từng nêu những lo ngại này với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp ngày 5/9.

Ankara tham gia chương trình F-35 vào năm 2002 và nhận chiếc tiêm kích tàng hình đầu tiên năm 2008. Tuy nhiên, sau khi nước này đặt mua tên lửa S-400 từ Nga vào năm 2019, Mỹ đã quyết định "gạch tên" Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 và dừng việc chuyển giao máy bay, ngay cả những chiếc đã đặt hàng.

Kế hoạch ngừng giao dịch với Nga, hàng loạt tài khoản bị đóng băng

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 20/9 đưa tin rằng, một loạt ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang có kế hoạch ngừng giao dịch với Nga và Belarus, dường như nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan tới các lệnh trừng phạt quốc tế.

Theo TASS, một loạt ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ có thể dừng giao dịch với các công ty Nga và Belarus, chuyển các giao dịch này sang cho ngân hàng Emlak Katılım Bankası (Thổ Nhĩ Kỳ) độc quyền. Động thái này diễn ra sau khi xuất hiện các cáo buộc rằng, nhiều ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép lên các công ty xuất khẩu hàng hóa sang Nga, một số thậm chí còn chặn chuyển khoản và đóng băng tài khoản.

 - Ảnh 2.

Một loạt ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang có kế hoạch ngừng giao dịch với Nga và Belarus. Ảnh: Turkiyetoday

Một nguồn tin nói với TASS rằng, ngân hàng Elmak Katilim Bankasi hiện đang xử lý các giao dịch giữa đồng rúp Nga và đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tin cũng lưu ý, "Hầu như tất cả các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn rút hoàn toàn khỏi các giao dịch với Nga và Belarus. Để bảo vệ mình khỏi các vấn đề trong tương lai như lệnh trừng phạt và hạn chế, họ đang tìm cách chuyển giao tất cả các hoạt động này cho Emlak Katılım Bankası."

TASS cho biết, các diễn biến này được ghi nhận sau khi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Aleksei Erkhov nói rằng nhiều ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cản trở các công ty tham gia xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

"Các trường hợp ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ 'gây sức ép' lên các công ty tham gia chuyển hàng hóa sang Nga đã trở nên thường xuyên hơn" – ông Erkhov nói. "Những khách hàng này đang bị lùng tìm một cách tích cực, các giao dịch chuyển tiền của họ bị chặn hoặc tài khoản bị đóng hoàn toàn".

Phản ứng của Ankara và Nga giữa loạt tranh cãi

Đề cập tới các thông tin gây tranh cãi gần đây, Đài Halk TV và báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara đã bác đề xuất của Mỹ, bất chấp việc Washington đang nới lỏng các điều kiện.

Phản ứng trước tin tức của Hy Lạp, tờ Hurriyet lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã đệ trình một danh sách gồm 25 yêu cầu trong các cuộc họp cấp cao với giới chức Mỹ. Một trong số các yêu cầu là gỡ bỏ lệnh trừng phạt được áp dụng theo Đạo luật CAATSA.

Tuy nhiên, Ankara "liên tục từ chối lời đề nghị của Washington về việc đặt các hệ thống tên lửa S-400 dưới sự kiểm soát của Mỹ, cho dù ở ở Incirlik hay bất kỳ địa điểm nào khác".

"Ankara vẫn kiên quyết rằng các hệ thống của Nga sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và không có sự giám sát của nước ngoài" – Hurriyet nhấn mạnh.

Theo tờ báo, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần chỉ ra rằng họ đã trả 1,4 tỷ USD cho các tiêm kích tàng hình F-35 chưa được bàn giao, và đây chính là "yếu tố gây bất bình" đã làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ giữa Ankara và Washington trong nhiều năm qua.

 - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmuş hội kiến Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm tới Nga từ 23-26/9. Ảnh: Turkiyetoday

Ankara không đưa ra bình luận liên quan tới thông tin một loạt ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ có ý định ngừng giao dịch với Nga.

Tuy nhiên, phát biểu trước Hội đồng Liên bang – Thượng viện Quốc hội Nga trong ngày 25/9 nhân chuyến thăm tới Moscow (từ ngày 23-26/9), Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmuş đã ca ngợi mối quan hệ giữa hai phía, đồng thời "chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga".

Theo tờ Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ), Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ, mặc dù Ankara cũng có mối quan hệ thân thiện với đối thủ chính của Moscow là Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có kế hoạch thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay, nhưng chuyến đi của ông vẫn bị trì hoãn.

"Mặc dù chúng ta có quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề, nhưng chúng ta là hai đối tác chiến lược đã phát triển đáng kể mối quan hệ" – ông Kurtulmuş nói, đồng thời khen ngợi các nhà lãnh đạo Erdoğan và Putin đã có tầm nhìn xa khi duy trì mối quan hệ song phương.

Về phần Nga, trong cuộc gặp với ông Kurtulmuş, Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang phát triển khá thành công ở hầu hết mọi lĩnh vực: trong kinh tế, trong lĩnh vực xã hội. Nhìn chung, chúng ta là những người hàng xóm tốt và làm việc vì lợi ích của nhân dân, đất nước chúng ta và nhìn chung, mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với chúng ta".

Bình luận trên hãng thông tấn Ura.ru, ông Pavel Seleznev, Trưởng khoa Quan hệ Kinh tế Quốc tế tại Đại học Tài chính Nga nhận định, thông qua mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Vladimir Putin đã cho thế giới thấy "Nga có thể hợp tác với một quốc gia NATO".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại