Rộ tin lực lượng bí ẩn nhất Triều Tiên tới Nga, sắp xung trận ở Kursk: Nga sơ ý lộ tình tiết “gây bão”?

Tùng Chi |

Văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Vladivostok vừa có một động thái làm "dậy sóng" mạng xã hội ở Nga khi đề cập tới thông tin về lính Triều Tiên rồi vội xóa bỏ.

Văn phòng Bộ Ngoại giao Nga vô tình để lộ thông tin về lính Triều Tiên?

Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, Ukraine trong ngày 19/10 đã cảnh báo về nguy cơ leo thang "rất lớn" khi hàng trăm quân tinh nhuệ Triều Tiên được dự đoán sẽ tiến vào chiến trường trong vài ngày tới để hỗ trợ Nga.

Trước đó 1 ngày, cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) thông báo, họ phát hiện Bình Nhưỡng gần đây đã quyết định đưa 4 lữ đoàn gồm 12.000 binh sĩ - trong đó có cả lực lượng đặc nhiệm - tới hỗ trợ Nga, đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên triển khai lực lượng mặt đất với quy mô lớn.

Cũng theo NIS, khoảng 1.500 đặc nhiệm Triều Tiên đang được điều tới thành phố cảng Vladivostok (vùng Viễn Đông của Nga). Các đợt triển khai tiếp theo "dự kiến sẽ diễn ra trong tương lai gần).

Hình ảnh được cho là lính Triều Tiên tại căn cứ ở Nga. Ảnh: Telegraph

Giữa bối cảnh đang có nhiều thông tin đồn đoán như vậy, Văn phòng đại diện Bộ Ngoại giao Nga tại Vladivostok ngày 18/10 bỗng có một động thái khó hiểu trên kênh Telegram chính thức.

Cụ thể, theo hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), văn phòng này bất ngờ trích dẫn thông tin từ hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) với nội dung "1.500 lính Triều Tiên đã đến Vladivostok. Đợt triển khai thứ 2 sẽ sớm đến", kèm theo một cụm từ cảm thán "Đáng sợ chưa???" ở phía dưới nội dung này.

Văn phòng đại diện Bộ Ngoại giao Nga sau đó đính chính rằng, bài đăng về lính Triều Tiên "là một sự nhầm lẫn".

"Nội dung này được đăng tải do sự nhầm lẫn; chúng tôi không có ý định đăng trên kênh Telegram" – Các nhà ngoại giao của văn phòng Vladivostok nói với RIA Novosti.

Bài đăng gây xôn xao của Văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Vladivostok. Ảnh: Gazeta

Theo các quan chức Nga, đây là tình huống mà "tin nhắn cá nhân không được gửi đến người nhận, mà lại đến một kênh thông tin".

Nói cách khác, đây vốn không phải nội dung định đăng trên kênh Telegram của văn phòng Bộ Ngoại giao Nga ở Vladivostok, mà là tin nhắn cá nhân. Tuy nhiên, tác giả bài đăng "đã vô tình đăng lên kênh Telegram của văn phòng".

Mặc dù bài đăng về lính Triều Tiên nhanh chóng bị xóa đi, nhưng nó đã nhanh chóng làm "dậy sóng" cộng đồng mạng Nga và trở thành đề tài bàn tán xôn xao những ngày qua.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/10 đã bác bỏ các tin đồn rằng quân nhân Triều Tiên đang hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, khi truyền thông Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine liên tục tung ra nhiều "bằng chứng" cho thấy sự hiện diện của binh sĩ Triều Tiên tại Nga những ngày sau đó, Moscow và Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra bình luận liên quan.

Triều Tiên đưa lực lượng bí mật nhất tới hỗ trợ Nga?

Theo Telegraph, các binh sĩ Triều Tiên đã được đưa đến Vladivostok là thành phần của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên (SOF) với quy mô 200.000 người. Đây là một trong những lực lượng bí mật nhất thế giới và là một ẩn số đối với các cường quốc phương Tây. Họ được đào tạo rất bài bản, chủ yếu được triển khai để thăm dò và thám thính khả năng phòng thủ của Hàn Quốc.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, các binh sĩ Triều Tiên đã được cấp quân phục, vũ khí của Nga và giấy tờ tùy thân giả. Họ dự kiến sẽ được triển khai tới Ukraine sau khi hoàn thành khóa huấn luyện thích nghi.

Tờ báo Anh nhận định, hiện vẫn chưa rõ lực lượng đặc nhiệm "không biết nói tiếng Nga" này sẽ đảm nhận vai trò gì trên mặt trận phía đông của Ukraine, nơi đang dần trở thành một cuộc chiến tiêu hao, không còn là chiến trường truyền thống cho các nhiệm vụ bí mật.

Trong khi đó, Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrlo Budanov cung cấp thông tin rằng, khoảng 2.600 binh sĩ Triều Tiên sẽ được điều đến "tham chiến tại tỉnh Kursk (Nga) vào ngày 1/11".

Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine đăng tải đoạn video được cho là lính Triều Tiên ở Nga.

Chủ tịch Ủy ban tình báo của Hạ viện Mỹ Mike Turner đã viết thư cho Tổng thống Joe Biden phàn nàn về việc Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về hoạt động chuyển quân của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi phải có các báo cáo ngay lập tức về vấn đề này.

SOF được biết tới nhiều nhất với chiến dịch "Đột kích nhà xanh" làm rung chuyển Hàn Quốc vào dịp Tết năm 1968 nhằm ám sát Tổng thống Park Chung Hee. Vụ việc đã làm rúng động Hàn Quốc và được đánh giá là cuộc đột kích qua biên giới táo bạo nhất của Triều Tiên kể từ khi Hàn-Triều ký Hiệp định ngừng bắn Chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953).

Trong những hình ảnh do truyền hình nhà nước Triều Tiên phát sóng, SOF mặc đồ ngụy trang màu đen. Họ mang theo vũ khí mà truyền thông Triều Tiên mô tả là "súng trường tích hợp súng phóng lựu", đồng thời được trang bị kính nhìn đêm.

Chuyên gia Maxwell Goldstein tại công ty tư vấn tình báo Grey Dynamics (trụ sở tại London) cho biết, SOF bao gồm 12 lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ, 3 đơn vị trinh sát, 3 sư đoàn không quân, và 3 đơn vị bắn tỉa.

Quy mô 200.000 người của SOF được đánh giá là "bất thường" so với các đơn vị đặc nhiệm quốc tế khác. Ví dụ, lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh chỉ có 500 binh sĩ duy trì hoạt động tại bất cứ thời điểm nào, trong khi đặc nhiệm Delta của Mỹ có khoảng 2.000 thành viên thường trực.

Giới chuyên gia nhận định, nếu Triều Tiên đích thực cử đặc nhiệm tới hỗ trợ Nga thì điều này có thể gây ra khó khăn rất lớn cho Ukraine trên chiến trường. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến cho rằng nên "xem xét kỹ" thông tin từ tình báo Hàn Quốc.

Giáo sư Hazel Smith, một chuyên gia hàng đầu của Anh về Triều Tiên tại Đại học SOAS cho rằng, nên thận trọng trước tuyên bố của Seoul về việc lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên được triển khai tới Ukraine. Bà lưu ý, một số đánh giá tình báo trước đây của Hàn Quốc đã "sai một cách thảm hại".

"Rất khó để xác định tính hợp lệ từ tuyên bố tình báo của Hàn Quốc" – bà Smith nói, bổ sung rằng nếu thông tin do Seoul công bố là đúng thì lý do duy nhất khiến Triều Tiên điều động lính đặc nhiệm là bởi lòng trung thành của lực lượng này với Bình Nhưỡng.

Cũng theo vị giáo sư, Nga đang theo xu hướng biến mặt trận miền đông Ukraine thành "cối xay thịt". Do đó, vai trò của lính đặc nhiệm sẽ không rõ ràng tại đây, đặc biệt là với những người không nói được tiếng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại