Rộ thông tin 'sương mù ở Hà Nội là do ô nhiễm': Chuyên gia Bộ Y tế giải đáp

Ngọc Minh |

Sáng 2/2, TP.Hà Nội bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc. Đây là một hiện tượng hiếm hoi xảy ra tại Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây.

Sương mù tại Khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) sáng ngày 2/2 (Ảnh: N.M)

Sương mù tại Khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) sáng ngày 2/2 (Ảnh: N.M)

Trên mạng xã hội, nhiều thông tin cho rằng "sương mù như hôm nay là hậu quả của ô nhiễm không khí".

Về vấn đề này, tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng ngày 2/2, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vào mùa đông, hiện tượng sương mù thường xuất hiện ở các tỉnh vùng núi phía Bắc (Lào Cai, Sơn La, Lai Châu…), các tỉnh ở miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh), một số tỉnh ở phía Nam. Sương mù dày đặc xảy ra tại Hà Nội là một hiện tượng khá hiếm trong những năm gần đây, khiến cho không ít người dân cảm thấy bất ngờ.

Ông Tâm khẳng định hiện tượng sương mù chỉ là một hiện tượng của thời tiết và khí hậu. Ở góc độ của một người làm về y tế dự phòng, vị chuyên gia này cũng khuyên: "Người già, trẻ em khi đi ra đường phải giữ ấm và đeo khẩu trang để phòng ngừa bệnh về đường hô hấp".

Rộ thông tin 'sương mù ở Hà Nội là do ô nhiễm': Chuyên gia Bộ Y tế giải đáp- Ảnh 1.

Ông Khoa chia sẻ về hiện tượng sương mù tại Hà Nội (ảnh PV)

Trước câu hỏi hiện tượng sương mù có đồng nghĩa với không khí đang ô nhiễm ở mức cao hay không, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: "Sương mù là hiện tượng rất tự nhiên của thời tiết, việc này không đồng nghĩa với việc không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi chúng ta lên vùng cao sẽ thường gặp hiện tượng sương mù".

Tuy nhiên, theo ông Khoa, sương mù làm cho độ ẩm trong không khí tăng cao, tăng nguy cơ bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, vào dịch Lễ tết, mọi người tập trung đông người, đi lại nhiều nên cần có các biện pháp cá nhân như đeo khẩu trang, mặc ấm để bảo vệ bản thân.

"Hiện tượng sương mù sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần phải lưu ý phòng ngừa bệnh truyền nhiễm do độ ẩm không khí tăng cao", ông Khoa lưu ý.

Tại cuộc gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết sương mù bao phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch truyền nhiễm bùng phát. Do vậy, người dân cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh.

Rộ thông tin 'sương mù ở Hà Nội là do ô nhiễm': Chuyên gia Bộ Y tế giải đáp- Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương khuyến cáo người dân về nguy cơ gia tăng bệnh truyền nhiễm (ảnh PV)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch Đông và biến tính, mang theo nhiều hơi ẩm từ biển nên sáng nay (2/2), thủ đô Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, mưa phùn và mưa nhỏ, độ ẩm không khí tăng cao, tầm nhìn rất hạn chế.

Dự báo vào trưa chiều nay, trời tiếp tục nhiều mây nhưng tình trạng sương mù, mưa phùn được cải thiện. Nhiệt độ trong ngày dao động từ 20-23 độ C.

Dự báo, trong các ngày 3-6/2, Hà Nội tiếp tục chìm trong sương mù, mưa phùn và mưa nhỏ vào đêm và sáng, trưa chiều giảm, độ ẩm không khí cao, nồm ẩm kéo dài. Nhiệt độ thấp nhất từ 18-20 độ C, nhiệt độ cao nhất 23-25 độ C.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại