Guardian cho biết báo cáo này của chính phủ Campuchia được giữ bí mật kể từ khi được nộp trình trong năm 2017. Theo đó, chính phủ Campuchia đã giao cho Viện Di sản Quốc gia có trụ sở tại Mỹ thực hiện nghiên cứu kéo dài 3 năm, kể từ 2014, để đánh giá ảnh hưởng có thể xảy ra với môi trường bắt nguồn từ dự án đập thủy điện Sambor cũng như hồ chứa nước dài 82 km sẽ được hình thành kèm theo đó.
Trong bản nghiên cứu có nhấn mạnh: “Ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng bởi nó ngăn chặn cá di cư từ Tonle Sap (Biển Hồ)”. Tuy nhiên, chính phủ Campuchia lại quyết định không công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu này về đập thủy điện Sambor. Tờ Guardian trong khi đó đã nhận được bản sao của nghiên cứu này.
Theo nghiên cứu, đập thủy điện Sambor được cho còn có thể tác động tới các loài khác trong hệ sinh thái của sông Mekong. Dự án đập thủy điện Sambor đề xuất hình thành rào chắn bê tông rộng 33 km dọc sông qua làng Sambor, tỉnh Kratie, Campuchia. Nơi đây vốn được biết đến là địa điểm lý tưởng để quan sát loài cá heo Irrawaddy.
Ông Marc Goichot tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho biết sau nỗ lực 15 năm hợp tác giữa WWF và các đối tác Campuchia, đã có 15 cá heo Irrawaddy được sinh ra. Tuy nhiên, ông Marc Goichot cho rằng đập thủy điện Sambor có thể phá hỏng nỗ lực này. Ông Marc Goichot cảnh báo nó còn có thể kéo theo tình trạng sụt lún tại Đồng bằng Sông Cửu Long tại Việt Nam.
Kế hoạch xây dựng đập thủy điện này đã được ký với tập đoàn China Southern Power Grid (Trung Quốc) trong năm 2006. Tuy nhiên do có nhiều phản đối nên các nhà đầu tư Trung Quốc đã rút khỏi dự án trong năm 2008.
Trước tình trạng thiếu hụt năng lượng, chính phủ Campuchia đã nối lại dự án đập thủy điện sông Sambor vào năm 2016.
Thứ trưởng Bộ Khai khoáng Công nghiệp và Năng lượng Campuchia Ith Praing đánh giá: “Đây là vấn đề rất nhạy cảm và còn quá sớm để công bố bất cứ thông tin nào về dự án ở Sambor”.
Thứ trưởng Praing cũng cho biết hiện nay chưa có quyết định cuối cùng với dự án đập thủy điện và cần chờ đợi đến cuộc tổng tuyển cử trong tháng 7. Nếu dự án được thông qua thì ứng cử viên hàng đầu đảm nhận trách nhiệm thi công sẽ là Công ty năng lượng quốc tế Hydrolancang của Trung Quốc.
Nếu đập thủy điện Sambor được thi công, sẽ có hơn 19.000 người dân địa phương phải tái định cư, hầu hết là nông dân và ngư dân.
Trong bản nghiên cứu của Viện Di sản Quốc gia, đội ngũ thực hiện cũng đã tìm 10 địa điểm thay thế để đặt đập thủy điện Sambor.
Link gốc bài viết tại đây.