Mới đây, hai tờ The Intercept và New York Times đã nhận được khoảng 700 trang báo cáo và điện báo trao đổi chủ yếu trong khoảng thời gian từ năm 2014 – 2015, giữa các nhân viên tình báo Iran làm việc tại Iraq.
Mặc dù tính xác thực của các tài liệu đã được chứng minh tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ ai đã làm lộ và gửi chúng đi. Nguồn tin nặc danh cho hay, họ muốn "cả thế giới biết được Iran đang làm gì tại đất nước Iraq của tôi".
Sau đây là những nội dung chính.
Các bức điện được công bố vào thời điểm mấu chốt tại Iraq
Trong gần hai tháng qua, quốc gia Trung Đông đang bị rung chuyển bởi những cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn tại thủ đô Baghdad và miền nam nơi người Shiite chiếm đa số. Những người biểu tình kêu gọi chấm dứt sự ảnh hưởng của Iran và tình trạng tham nhũng. Ít nhất 300 người đã thiệt mạng.
Cùng lúc, căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng đang không ngừng gia tăng. Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Tehran. Mục tiêu là cô lập nguồn xuất khẩu dầu của nước này và ép chính quyền Iran phải đàm phán một thỏa thuận mới. Nhà Trắng cáo buộc Tehran đứng sau các vụ tấn công vào nhà máy dầu ở Arab Saudi, xem xét kế hoạch chiến tranh và tăng cường hiện diện tàu tại Vịnh Ba Tư.
Theo Chính quyền Trump, các thông tin tình báo chỉ ra Iran đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công nhằm vào loạt mục tiêu của Mỹ tại Iraq. Trong khi đó, giới chức Iraq không ngừng lo lắng rằng, các động thái gây hấn của cả Mỹ và Iran có thể châm ngòi cho một cuộc chiến giữa các cường quốc nhằm tranh giành ảnh hưởng tại chính đất nước của họ.
Các tài liệu hé lộ Iran đã chi phối lĩnh vực chính trị và quân sự tại Iraq như thế nào
Nhiều nhà quan chức lãnh đạo trong giới chính trị, quân sự và an ninh Iraq có "quan hệ đặc biệt" với Iran, bao gồm Thủ tướng Adil Abdul Mahdi. Từ lâu Iran đã được biết tới là có ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo Iraq. Nhiều người trong số họ đã trở thành đồng minh của Tehran từ thời kỳ còn đấu tranh chống lại chế độ Saddam Hussein. Tuy nhiên tính chất của các mối quan hệ hiếm khi được tiết lộ một cách chi tiết như lần này. Các tài liệu công bố có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên các quan chức trên trong bối cảnh biểu tình chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều văn kiện cho thấy, các quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ đã gặp gỡ kín với đồng cấp Iraq tại Baghdad và Kurdistan. Những cuộc thảo luận của họ vẫn thường xuyên được thông báo lại cho Iran. Một cố vấn chính trị hàng đầu cho cựu Chủ tịch Quốc hội Iraq được cho là có quan hệ với tình báo Iran.
Giới chức Iran cũng đầu tư vào mạng lưới đầu mối thông tin từng làm việc cho người Mỹ trong quá khứ. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, nhiều đầu mối thông tin này bị mất việc và lo ngại rằng, công việc gián điệp của họ sẽ bị bại lộ.
Một cựu nhân viên CIA có biệt danh là "Donnie Brasco" đã đề nghị bán cho Iran các địa điểm trú ẩn tổ chức này tại Iraq, chi tiết về vũ khí và đào tạo giám sát cũng như tên của những người Iraq từng làm gián điệp cho Mỹ.
Các bức điện cho thấy một phần hậu quả của can thiệp quân sự Mỹ vào Iraq
Nhận định rằng người Mỹ đã trao quyền kiểm soát đất nước Iraq cho chính… Iran hiện đang nhận được nhiều tán thành, ngay cả trong giới quân sự Mỹ.
Theo các bức điện, Iran bắt đầu mở rộng quyền lực từ những ảnh hưởng hỗn loạn mà chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003 mang lại. Tehran nhanh chóng gửi những nhân viên tình báo xuất sắc nhất của mình tới Iraq nhằm tìm cách đối phó với cái họ gọi là "sự hiếu chiến" từ Washington.
Can thiệp sau đó biến thành chiếm đóng. Quân đội bị giải tán và các quan chức có liên hệ với chính quyền Hussein bị cách chức, đã làm dấy lên những bất mãn trong cộng đồng người Sunni. Khi mà đất nước dần rơi vào một cuộc xung đột phe phái, cộng đồng người Shiite đã tìm tới và coi Iran như một người bảo hộ.
Các tài liệu cũng đem tới một cái nhìn hiếm hoi vào nội bộ chính quyền Iran
Thông qua một số bức điện, người đọc có thể nhận ra căng thẳng đang gia tăng giữa các đơn vị tình báo Iran khi Tổng tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, tiến hành tuyển dụng và điều động lực lượng dân quân Iraq.
Các điệp viên từ Bộ Tình báo và An ninh – phiên bản Iran của CIA lo ngại, những lợi ích của Iran tại Iraq đang bị lãng phí do người Iraq không thích lực lượng dân quân. Ngoài ra, họ đổ lỗi cho Tướng Iran Seleimani và chỉ trích ông vì đã đăng tải hình ảnh trên mạng xã hội, trong đó công khai vai trò của ông trong chiến dịch quân sự chống lại nhóm khủng bố IS.