Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển

Thu Thủy |

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, “thuyết chiến tranh” do người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi.

Tuy nhiên, ngày 19/1, một bức ảnh về một hoạt động bị nghi ngờ là diễn tập tấn công ở Đài Loan của PLA được lan truyền trên mạng của Trung Quốc Đại lục đã thu hút sự chú ý lớn hơn của thế giới bên ngoài.

Từ tấm bản đồ bị rò rỉ trên mạng...

Xuyên suốt các bức ảnh, các nhân tố chính bao gồm huy hiệu Lục quân PLA, Sở chỉ huy hỗn hợp tác chiến đổ bộ đảo phía Nam, một chiếc bàn chính giữa lễ đài có bảy binh sĩ ngồi, một sa bàn điện tử rất lớn phía trước với những người lính mặc các loại quân phục khác nhau ngồi hai bên đang vận hành máy tính và bức bản đồ khổ lớn trên tường.

Các tín hiệu được truyền đi bởi các nhân tố này thậm chí còn bắt mắt hơn. Một trong số đó là tấm bản đồ khổng lồ có nội dung “Sơ đồ hành trình tác chiến đổ bộ đảo phía Nam”.

Vị trí dường như là vùng biển phía Nam eo biển Đài Loan và xuất hiện hai tuyến hành trình khác nhau từ bờ biển Đại Lục đến phía Nam của đảo Đài Loan. Ngoài ra địa hình của sa bàn điện tử rất giống với phần phía Nam của đảo Đài Loan.

Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển - Ảnh 1.

Bản đồ hình thái bố trí lực lượng quân sự của Đài Loan tại Sở chỉ huy Chiến khu miền Đông năm 2018 (Ảnh: Đa Chiều)

Dựa trên điều này, nhiều người dân Trung Quốc Đại lục, sau khi nhìn thấy những bức ảnh này, nghĩ rằng đây là một cuộc diễn tập trên sa bàn được thực hiện bởi “Nhóm tác chiến đổ bộ đảo phía Nam” do PLA thành lập.

Tuy nhiên, do không rõ nguồn gốc, người ta chưa thể xác minh được tính xác thực của nó.

Nhiều người cho rằng sau khi bà Thái Anh Văn được bầu lại làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan và đưa ra lý thuyết chiến tranh đã đụng chạm vào "lằn ranh đỏ" của Đại Lục, phía Đại Lục tất yếu tiến hành một số hành động đáp trả cứng rắn.

Ngoài những bức ảnh trên, thế giới bên ngoài cũng nhớ lại tấm bản đồ về tình hình tác chiến chống lại Đài Loan bị rò rỉ tại Chiến khu miền Đông của PLA vào ngày 8/6/2018.

Vào thời điểm đó, đơn vị Phòng không, Tập đoàn quân 73 của PLA đã tiến hành các cuộc tập trận ở Bắc Thìn Sơn, Hạ Môn và trong bối cảnh của sở chỉ huy tập trận đã xuất hiện hai tấm bản đồ của Đài Loan liên quan.

Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển - Ảnh 2.

Quân đội Trung Quốc gần đây tăng cường mạnh mẽ năng lực tác chiến đổ bộ (Ảnh: Đa Chiều).

Hai bản đồ này, một là bản đồ triển khai các điểm trọng yếu ở khu vực Kim Môn; tấm bản đồ kia là bản đồ các trạm radar và sân bay quân sự trên đảo Đài Loan.

Tên của các sân bay bao gồm Tân Trúc, Thanh Tuyền Cương, Gia Nghĩa, Đài Nam, Cao Hùng, Bình Đông, Đài Đông, Hoa Liên, Giai Sơn. Cả hai bản đồ đã được tranh luận sôi nổi vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng bức ảnh cuộc diễn tập “Cụm tác chiến đổ bộ đảo phía Nam” có thể đã bị rò rỉ vì đã có bài học trước đó.

Theo một sĩ quan đã nghỉ hưu của Hải quân PLA, khi cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan xảy ra vào năm 1996, PLA đã sẵn sàng tham chiến và các binh sĩ cơ sở thậm chí đã chuẩn bị sẵn bao đựng xác chết.

Tuy nhiên, vì phương án tác chiến đấu đã bị một sĩ quan cao cấp phản bội bán cho Đài Loan và khi đó Đại Lục không có khả năng chiến đấu chống lại quân đội Hoa Kỳ, nên phương án tấn công Đài Loan đã bị hủy bỏ.

Ngoài ra, hồi năm 2008, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), khi đó là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng chấp nhận chuẩn bị chiến đấu khẩn cấp cho tình hình ở Eo biển Đài Loan, yêu cầu “Ngoài chùng trong căng” và ra lệnh cho tất cả các tàu đang sửa chữa phải rời khỏi nhà máy đợi lệnh vào cuối năm 2007.

Tuy nhiên, do rò rỉ kế hoạch chiến đấu, cùng với sự nắm quyền của Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) tại Đài Loan, nên kế hoạch tấn công Đài Loan một lần nữa bị dừng lại.

Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển - Ảnh 3.

Lính thủy đánh bộ PLA diễn tập đổ bộ chiếm đảo (Ảnh: Đa Chiều).

Bước vào thời kỳ mới, thái độ của Trung Quốc đối với Đài Loan ngày càng trở nên cứng rắn. “Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới” được phát hành vào tháng 7/2019 trực tiếp chỉ rõ rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức, bất kỳ đảng chính trị nào, vào bất cứ lúc nào, với phương thức gì, chia cắt bất kỳ bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc nào khỏi Trung Quốc. Trung Quốc không cam kết sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu quyền lựa chọn thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết.

...đến công khai tin huấn luyện và diễn tập đúng ngày bầu cử ở Đài Loan

Trước đó, theo trang tin Đa Chiều, đơn vị không quân Tập đoàn quân 73 của Chiến khu miền Đông PLA đã ban hành lệnh huấn luyện “khai chiến” vào đúng ngày 11/1 – ngày dân chúng Đài Loan đi bỏ phiếu bầu cử.

Vì Tập đoàn quân 73 được cho là một trong những lực lượng chính tấn công Đài Loan, việc nó ra quân huấn luyện trùng với thời gian diễn ra cuộc bầu cử Đài Loan năm 2020 là điều rất thú vị.

Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển - Ảnh 5.

Quân đội Đài Loan tăng cường khả năng tác chiến chống đổ bộ (Ảnh: Đa Chiều)

Tài khoản WeChat của Chiến khu miền Đông tuyên bố rằng “việc huấn luyện bắt đầu ngay lập tức với khói lửa mù mịt”. Các bức ảnh cuộc huấn luyện được công bố cho thấy lữ đoàn này được trang bị máy bay tấn công vũ trang Zh-10 và máy bay trực thăng vận tải Mi-17.

Ngoài ra, các sĩ quan chỉ huy Lữ đoàn Hàng không này cũng tiến hành diễn tập bắn ném.

Chưa hết, Hải quân Chiến khu miền Đông, tức Hạm đội Đông Hải, ngày 11/1 cũng ra thông báo rằng một chi đội tàu khu trục cũng thực hiện cuộc tập trận chiến đấu trên biển cường độ cao “5 ngày 4 đêm” tại một vùng biển nhất định.

Mặc dù việc huấn luyện và tập trận là những hành động thường lệ, nhưng thời gian được chọn cho việc huấn luyện của lữ đoàn hàng không TĐQ 73 và cuộc tập trận của Hạm đội Đông Hải ngày 11/1 trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử Đài Loan năm 2020.

Được bên ngoài hiểu rằng: đối với hầu hết mọi người ở Trung Quốc Đại lục, bất kể ai được bầu thì Đài Loan cuối cùng cũng sẽ được thống nhất. Còn việc thống nhất hòa bình hay thống nhất bằng vũ lực, PLA đều cần phải chuẩn bị tích cực và không được từ bỏ sức mạnh chiến đấu.

Rò rỉ ảnh quân đội Trung Quốc diễn tập đánh chiếm Đài Loan vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai bờ Eo biển - Ảnh 6.

Các học viên Học viện Chiến tranh Mỹ công khai hình ảnh nghiên cứu tác chiến bảo vệ Đài Loan (Ảnh: Đa Chiều).

Không có gì ngạc nhiên, một số chuyên gia Đại Lục kết luận rằng so sánh sức mạnh quân sự xuyên eo biển đã nghiêng về phía Đại Lục và hiện nay trang bị quân sự của Đài Loan kém hơn nhiều so với PLA về cả chất lượng và số lượng.

Nếu quân đội Đài Loan muốn so sánh với PLA, thì chỉ một chiến khu là đã đủ tương đương.

Đồng thời với việc quân đội tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh, chủ đề “thống nhất bằng vũ lực” cũng xôn xao dư luận Đại Lục vào dịp bầu cử Đài Loan.

Đại tá Nhạc Cương, cựu sĩ quan tại Tổng bộ tham mưu của PLA, cho biết hồi tháng 11 rằng một khi tấn công Đài Loan, PLA hy vọng sẽ quyết định đánh nhanh giải quyết nhanh để kiểm soát Đài Loan trong vòng 72 giờ, tối đa là 7 ngày.

Trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, quân đội Mỹ không thể giúp đỡ.

Ông Kim Sán Vinh, phó Viện trưởng Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc, hồi tháng 7/2019 đã chỉ ra rằng một khi chiến tranh bắt đầu, Đại Lục tấn công Đài Loan như thể dạo chơi. Hiện không có vấn đề gì trong việc loại bỏ 200.000 quân Đài Loan.

Ông ta nói: “Trước mặt quân đội Đại Lục, 2 trăm ngàn quân Đài Loan là một đống thịt, không có ý nghĩa gì”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại