Riêng khoản đá bóng, dân Anh vẫn phải học. Học cả thế giới!

Tần Gia |

Vâng, đá bóng, chứ không phải bóng đá. Ngày xưa, dân Anh nghĩ ra dàn đèn, số áo, cách tính điểm 3 cho một trận thắng... Bây giờ, quê hương bóng đá vẫn là nơi có giải VĐQG trị giá bạc tỷ trên truyền hình, trong khi giải hạng Nhì cũng đã phát triển gấp bội so với giải hạng Nhất của khối cường quốc khác. Bóng đá Anh vẫn là chuẩn mực, trong rất nhiều lĩnh vực, trừ một lĩnh vực cụ thể: đá bóng. Riêng khoản đá bóng, dân Anh đang phải học mãi!

Người Anh học... cả thế giới

Đang có một khả năng rất cao, rằng chức vô địch Premier League 2017 sẽ thuộc về HLV Antonio Conte, ngay trong lần đầu tiên nhân vật này sang Anh cầm quân (dẫn dắt Chelsea).

Nhưng, giả sử Chelsea của HLV Conte không bảo vệ được ngôi đầu bảng? Hào quang trong trường hợp ấy chắc sẽ thuộc về Pep Guardiola của Manchester City hoặc Juergen Klopp của Liverpool. Đã có đến 90% chức vô địch Premier League mùa này thuộc về một trong ba nhà cầm quân vừa nêu.

Họ đến từ Italia, TBN, Đức. Điểm chung: đây là lần đầu tiên họ hành nghề ở Premier League (Klopp đã đến Liverpool từ mùa trước, nhưng đây mới là lần đầu tiên ông cầm quân ngay từ đầu mùa).

Lần đầu tiên ra mắt mà đã tính chuyện vô địch, thậm chí... chắc chắn vô địch (một trong số họ)! Bóng đá Anh còn không mau thay đổi cách xưng hô, gọi các HLV danh tiếng đến từ nước ngoài là những "giáo sư" bóng đá?

Riêng khoản đá bóng, dân Anh vẫn phải học. Học cả thế giới! - Ảnh 1.

Antonio Conte đang gây ấn tượng với Chelsea ở mùa giải đầu tiên dẫn đội bóng này

Khoan bàn đến những danh sư từ các cường quốc khác. Bóng đá Anh bây giờ thậm chí phải học đá bóng ngay từ... học trò của họ. Ngày xưa, khi Mỹ thắng Anh 1-0 tại VCK World Cup 1950, có tờ báo Anh nghĩ rằng thông tín viên của họ nhầm lẫn khi viết tin, và sửa lại kết quả là 1-10.

Bây giờ, thông tin không còn cách trở, khó khăn như xưa nữa. Vậy nên dân Anh thậm chí không còn chút cơ hội nào để ngờ vực. Đấy là sự thật rành rành, mà bóng đá Anh dù có bất mãn hoặc cay cú, tự ái, thì cũng cứ phải đối diện: dẫn dắt Swansea ở Premier League là Bob Bradley - một HLV người Mỹ!

Premier League đang tràn ngập các HLV đến từ Đức, Italia, TBN, Pháp, Hà Lan, BĐN, Argentina, Scotland, Wales, Croatia, Mỹ. Hiện chỉ có 4 HLV, tức 20% số nhà cầm quân ở giải Ngoại Hạng, là người bản xứ. Lạ ở chỗ, HLV đến từ nước ngoài còn chiếm đa số tại giải hạng Nhì (Championship).

Bốn đội đang dẫn đầu giải này đều do "thầy ngoại" dẫn dắt. Họ (Chris Hughton của Brighton, Jaap Stam của Reading, David Wagner của Huddersfield hoặc Rafael Benitez của Newcastle) sẽ vô địch - chứ còn ai nữa! Các giải hạng Ba, hạng Tư của Anh cũng đều có HLV nước ngoài. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới.

Nỗi khổ của nhà giàu

Có chút tương đồng giữa sự tràn ngập HLV nước ngoài và cầu thủ nước ngoài ở Premier League. Hệ quả dễ thấy là đội tuyển Anh ngày càng suy yếu. Họ đứng chót bảng tại World Cup 2014 và bị loại khỏi Euro 2016 vì thua... Iceland.

Diện tuyển chọn bị thu hẹp đến mức không thể nghèo nàn hơn nữa, thử hỏi bóng đá Anh biết nhìn vào đâu để tìm kiếm tài năng? Nếu không chọn Gareth Southgate dẫn dắt "tam sư", FA sẽ mời một trong bốn nhà cầm quân người Anh ở Premier League?

Trong bốn người ấy thì thật ra Mike Phelan chỉ đang tạm thời dẫn dắt Hull City, còn Eddie Howe tiếp tục huấn luyện Bournemouth chỉ vì đội bóng đang đối diện nguy cơ phá sản, không có tiền thuê HLV khác!

Riêng khoản đá bóng, dân Anh vẫn phải học. Học cả thế giới! - Ảnh 2.

Premier League đang tràn ngập các HLV đến từ Đức, Italia, TBN, Pháp, Hà Lan, BĐN, Argentina, Scotland, Wales, Croatia, Mỹ

Vì sao giới bóng đá Anh tích cực thuê HLV và cầu thủ nước ngoài? Vì đấy là cách làm dễ nhất. "Tại sao tôi phải lao động để có sản phẩm, trong khi tôi thừa tiền để mua sản phẩm ấy?".

Không chỉ có tiền, Premier League còn có rất nhiều tiền. Vậy nên, giải này quy tụ hầu hết các HLV giỏi nhất thế giới. Người ta không ngừng tranh luận: đâu là HLV xuất sắc nhất giữa những Pep Guardiola, Antonio Conte, Juergen Klopp, Mauricio Pochettino, Jose Mourinho, Arsene Wenger...

Họ đến Anh để... truyền đạo về cách chơi bóng. Họ giới thiệu những chiến thuật, quan điểm, triết lý mới mẻ mà giới bình luận ngay trên quê hương bóng đá phải tỏ ra ngưỡng mộ!

Ở giải Serie A của Italia, có đến 16/20 HLV là người Italia. 11/18 HLV ở giải Bundesliga của Đức là người Đức. Giải Ligue 1 của Pháp có 15/20 HLV là người Pháp. Giải La Liga của TBN có 13/20 HLV là người TBN. Không cần nói thêm về khác biệt quá rõ ràng.

Nhưng thử hỏi: nếu đội Udinese ở Serie A được chọn HLV Conte, đội Alaves ở TBN được chọn Guardiola, hoặc đội Freiburg ở Đức được chọn Klopp làm HLV trưởng, họ có đồng ý? Gần như chắc chắn. Vấn đề chỉ là họ không đủ tiền để trả lương cho các HLV "siêu sao".

Bóng đá Anh thì lại thừa mứa tiền bạc. Thế mới... khổ, về mặt chuyên môn. Trên nguyên tắc, chẳng có lý do gì để Manchester City hoặc Chelsea lại phải ưu tiên mời một HLV bản xứ cầm quân, nếu họ dễ dàng mời các HLV cự phách như Pep hoặc Conte.

Ảnh hưởng to lớn từ các "thầy" ngoại

Nhìn từ khía cạnh tích cực, ảnh hưởng tốt đẹp từ sự tràn ngập các HLV hàng đầu thế giới tại Premier League là bóng đá Anh đa dạng hẳn về cách chơi trong khoảng 20 năm nay.

David Platt - ngôi sao của bóng đá Anh trong thập niên 1990, sau này trở thành HLV - từng nói trong một cuốn sách: "Trong thế hệ của tôi, bóng đá Anh chỉ biết mỗi sơ đồ chiến thuật 4-4-2. Tôi không bao giờ thắc mắc vì sao chúng tôi phải chơi như vậy, hoặc vì sao đối thủ có thể chơi theo cách khác. Chúng tôi chỉ biết, đá bóng nghĩa là đá theo sơ đồ 4-4-2".

Bây giờ, giới hâm mộ Chelsea đang hào hứng xem cách chơi theo sơ đồ 3-4-3 của thầy trò Conte. Giới hâm mộ Manchester City thì hào hứng tranh luận về quan điểm "thủ môn phải biết chơi bóng" của Pep Guardiola.

Giới hâm mộ M.U thì vỡ lẽ: nếu bạn chưa thủng lưới thì cơ hội chiến thắng luôn còn nguyên vẹn, như quan điểm của Mourinho. Ngày xưa, các pháo thủ thành London đành chấp nhận biệt danh "boring Arsenal". Bây giờ, đội bóng của Arsene Wenger lại được tôn trọng bởi họ có thể chỉ đứng thứ 4 nhưng luôn là hiện thân của bóng đá đẹp.

Bây giờ, Man City có thể "trục trặc", đôi lúc rơi vào bế tắc. Nhưng họ chấp nhận, vì tin vào "triết lý Pep", tin rằng một ngày nào đó Man City sẽ là đội "vô đối" ở Premier League, một khi "triết lý Pep" đã được thấm đẫm.

Đấy là ảnh hưởng quan trọng của trường phái bóng đá TBN đối với quê hương bóng đá. Chẳng cần phải quá nổi tiếng như Pep. Trước đây, Roberto Martinez đã để lại ấn tượng ở Swansea, Wigan và Everton. Rafael Benitez đưa Liverpool lên ngôi vô địch Champions League, giờ lại đang cố giúp Newcastle thăng hạng.

Riêng khoản đá bóng, dân Anh vẫn phải học. Học cả thế giới! - Ảnh 3.

Trường phái HLV đến từ Calcio thì luôn để lại dấu ấn sâu đậm về mặt chiến thuật. Nếu như Conte đưa được Chelsea lên ngôi vô địch ngay mùa đầu tiên cầm quân ở Premier League, thì đấy cũng chỉ là sự lặp lại những gì Carlo Ancelotti hoặc Claudio Ranieri đã làm. Roberto Di Matteo thậm chí còn đưa Chelsea lên ngôi vô địch Champions League.

Chiến thuật xuất sắc có thể giúp bạn đứng vững trước mọi đối thủ sừng sỏ và dễ dàng gặt hái thành công trước mắt. Đấy là bài học lớn từ các HLV Italia. Giới cầm quân người TBN thì gây dấu ấn sâu đậm bởi cách chơi đậm nét kỹ thuật.

Người Đức, như Juergen Klopp, lại dạy cho bóng đá Anh về những nguyên lý pressing, nói chung là về cách đá bóng theo khoa học. Đâu có gì, khi hầu như mọi HLV "ngoại" đều gây được ảnh hưởng to lớn ngay trên quê hương bóng đá.

Trước tiên, vì họ là các nhà cầm quân cự phách, "đáng đồng tiền bát gạo". Những gì HLV Conte đang dạy Chelsea, đâu phải là giới bóng đá Italia không muốn. Vấn đề nằm ở chỗ ấy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại