"The Up" là một series phóng sự kinh điển, nói về quá trình trưởng thành trong vòng 63 năm của 14 người sinh năm 1954 ở Anh. Chương trình bắt đầu vào năm 1964, cứ 7 năm lại quay lại một lần để biết cuộc đời của 14 đứa trẻ năm xưa đã diễn tiến ra sao.
Qua chương trình, khán giả có thể theo dõi nhiều cuộc đời với xuất phát điểm khác nhau. Dễ thấy, những đứa trẻ bình dân khó có thể vượt lên số phận, trong khi những đứa trẻ giàu có được hưởng nền giáo dục tốt thì dễ đạt thành công trong cuộc sống.
Cùng lúc này, một series "The Up" khác cũng được tiến hành, với sự tham gia của 19 cá nhân sinh năm 1993. Họ lên sóng lần đầu vào năm 2000, tính đến hiện tại đã được 28 tuổi.
Trong chương trình mới, xuất thân của các nhân vật đã đa dạng hơn rất nhiều. Thế hệ này phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn, nhưng cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Oliver là một chàng trai được sinh ra ở vạch đích. Cha anh là luật sư tài chính, mẹ làm giám đốc Harrods - một trong những chuỗi bán lẻ hàng đầu thế giới. Là con trai duy nhất trong nhà, anh có bảo mẫu và phòng giải trí riêng.
Oliver luôn cảm thấy công việc của cha mẹ nhàm chán. Bản thân anh cũng không có nhu cầu kiếm nhiều tiền. Anh tin rằng giá trị quan trọng nhất trên đời là gia đình, nên các thành viên cần chăm sóc, yêu thương và bao bọc nhau.
Oliver chụp ảnh cùng cha hồi bé
Chàng trai này được giáo dục trong những ngôi trường phổ thông hàng đầu nước Anh. Sau đó, anh theo học chuyên lịch sử tại ĐH Yale. Cuộc đời Oliver phát triển theo một lối đã định trước. Sống dưới cái bóng của cha mẹ, anh luôn sợ thất bại. Khao khát thành công, cậu đến ĐH Oxford học thạc sĩ một chuyên ngành mới.
Ra trường, Oliver làm việc trong một công ty tài chính với mức lương khá cao. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ cảm thấy hứng thú với công việc. Oliver quyết định bỏ việc, quay lại ĐH Oxford học tiến sĩ vì không biết mình phải làm gì.
May mắn thay, trong quá trình học, Oliver nhận ra mình có đam mê với viết lách. Anh nuối giấc mơ trở thành một cây viết chuyên nghiệp. Dù không biết giấc mơ này có thể hoàn thành hay không, anh vẫn hy vọng đơn giản rằng mình sẽ hài lòng với nghiệp viết lách.
Không phải chịu áp lực kiếm sống, con đường của Oliver là hành trình theo đuổi cái mình thích. Dù nhận ra đam mê ở tuổi 30, nhưng cuối cùng anh cũng biết mình nỗ lực vì cái gì.
Owen sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao. Từ năm 7 tuổi, anh đã tham gia CLB bơi lội cùng các anh chị mình 2 lần/tuần. Như mọi gia đình trung lưu khác, Owen lớn lên trong tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ.
Owen rất giỏi thể thao, thành thạo nhiều bộ môn như bơi lội, bóng bầu dục, bóng đá,... Tuy nhiên, bơi lội mới là mục tiêu cuối cùng của anh. Nhờ tập luyện chăm chỉ mỗi khi có thời gian rảnh, thậm chí không nghỉ vào cuối tuần, Owen đã đạt được vô số thành tích trong thi đấu.
Năm 12 tuổi, Owen trở thành hạt giống tầm cỡ thế giới. Anh đặt mục tiêu được thi đấu tại Olympics vào năm 19 tuổi, sau đó trở thành một ngôi sao thể thao với cuộc sống hào nhoáng.
Thế nhưng, bi kịch ập đến năm Owen mới 15 tuổi. Quá trình tiến bộ của anh bị chững lại, dù làm gì cũng không thể cải thiện hay bứt phá thêm. Việc này khiến Owen mệt mỏi và suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhìn bạn bè đồng trang lứa thi đấu tại Olympics, anh chẳng còn cảm thấy tiếc nuối bởi anh đã nỗ lực hết mình.
Sau khi quay trở về cuộc sống thường ngày, Owen không thể bắt kịp nhịp độ tại trường học. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh quyết định tìm một công việc bình thường để kiếm sống. Vì muốn có thêm thu nhập, Owen làm việc đến 12 tiếng/ngày. Mỗi khi được nghỉ ngơi, anh đều đến phòng gym để rèn luyện sức khỏe.
Ở chỗ làm, Owen gặp được một cô gái tên Beth và hai người nhanh chóng yêu nhau. Từ ngày anh gặp cô, tâm trạng của anh đã tốt hơn rất nhiều. Thay vì trở thành một ngôi sao thể thao, anh chỉ muốn một cuộc đời ổn định bên người phụ nữ mình yêu.
Hiện tại, Owen và Beth đã kết hôn, có 2 người con. Năm 27 tuổi, anh có căn nhà của riêng mình và rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tuy giấc mơ không thành, Owen vẫn tin tưởng vào bản thân. Được lớn lên trong một gia đình tràn ngập tình yêu thương là đặc quyền giúp anh có thể nhìn mọi việc một cách tích cực. Chàng trai trẻ cảm thấy thoải mái hơn, không còn áp lực như trước đây. Kiếm tiền nuôi gia đình, làm người thân của mình hạnh phúc là điều mà anh đang theo đuổi.
Do sinh non, não bị bị thiếu oxy nên Ryan bị bại não, ảnh hưởng đến cử động và lời nói hàng ngày. Cha mẹ yêu thương Ryan hết mức, không ngừng đưa anh đi chữa trị và khuyến khích anh hòa nhập với xã hội. Năm 7 tuổi, ước mơ lớn nhất của anh là có thể chạy nhảy như các bạn khác.
14 tuổi, Ryan nhập học một ngôi trường đặc biệt. Anh đã có thể chạy nhảy, nhưng không thể làm được một số việc; cơ thể thường xuyên bị mất thăng bằng. Thỉnh thoảng, Ryan cũng tủi thân vì những khiếm khuyết cơ thể, nhưng nghĩ đến bố mẹ, cậu lại có thêm động lực để cố gắng.
Sau này, Ryan được nhận vào một trường đại học chuyên về thể dục thể thao. Anh nhận làm HLV phục hồi chức năng cho những bệnh nhân Parkinson. Trong thời gian đó, Ryan cũng học thêm khá nhiều kỹ năng, trong đó có tự lái xe. Nhờ vậy, cậu có thể đi mua sắm, đi học và sống một cuộc đời tự lập.
Dù là người khuyết tật, Ryan vẫn cố gắng để theo đuổi đam mê thường ngày. Anh vẫn chơi thể thao: "bóng bầu dục trên xe lăn". Chăm chỉ rèn luyện mỗi ngày, Ryan tiến bộ rất nhanh, có cơ hội tham gia Paralympic vào năm 20 tuổi.
Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, bi kịch xảy ra với Ryan: ông qua đời, bố cũng đột ngột bỏ đi. Những biến cố này khiến anh trở nên trầm uất, phải điều trị bằng thuốc mới có thể hồi phục.
Vài năm sau, khi gặp lại bố trên mạng xã hội, Ryan đã hỏi ông lý do tại sao rời đi. Ngay lập tức, người bố đổ lỗi cho anh về hoàn cảnh hiện tại. Chàng trai khuyết tật còn bị đuổi khỏi đội bóng vì thành tích không tốt. Trước những áp lực nặng nề, căn bệnh tâm lý của Ryan, buộc anh phải tìm đến bác sĩ tâm lý.
May mắn thay, nhờ có mẹ làm điểm tựa, Ryan dần dần hồi phục, tốt nghiệp đại học và kiếm được một công việc tốt. Anh đã tích góp và mua được cho mình một căn nhà vào năm 28 tuổi. Khi chuyển tới nơi ở mới, Ryan đã không thể kìm nổi nước mắt vì xúc động. Ước mơ của anh hiện giờ là cải thiện thêm thu nhập trong tương lai để đỡ đần gia đình.
Aurora là một cô gái da màu quyết đoán và mạnh mẽ, lớn lên cùng mẹ và anh trai trong một khu ổ chuột ở London. Nơi cô sống là một vùng khá bất ổn, thường xuyên có đánh nhau, đầy rẫy những tên lưu manh.
Dù vậy, cô gái này sở hữu thành tích học tập rất tốt, đặc biệt là những môn khoa học tự nhiên. Aurora cũng hát rất hay, thường xuyên biểu diễn trên sân khấu của trường và ở các bữa tiệc. Cô hát để hướng về tự do và cái đẹp nên được rất nhiều người mến mộ.
Nếu con nhà giàu có thể thoải mái theo đuổi ước mơ của mình, những đứa trẻ bình thường lại không có nhiều sự lựa chọn như vậy. Aurora chỉ có một lối thoát duy nhất là học hành chăm chỉ để đỗ đại học.
Năm 21 tuổi, cô gái trẻ trúng tuyển ngành Khoa học y sinh của ĐH Reading, chuyên nghiên cứu về dược phẩm, bệnh lý và cơ thể con người. Sau khi tốt nghiệp, cô nhanh chóng tìm được việc làm với mức lương cao.
Thế nhưng, sâu thẳm trong tâm hồn, Aurora vẫn luôn muốn hát. Cô coi giọng hát của mình là một món quà mà Thượng đế đã ban tặng. Không muốn lãng phí nó, cũng không muốn để bản thân phải hối hận, cô đã quyết định bỏ việc để theo đuổi con đường âm nhạc.
Hiện tại, Aurora đang là blogger kiêm người sản xuất âm nhạc. Dịch bệnh làm cuộc sống khó khăn hơn, nhưng cô gái trẻ vẫn vượt lên hoàn cảnh để phát hành album nhạc đầu tay của mình vào năm 28 tuổi.
Aurora vẫn đang độc thân. Nếu gặp người phù hợp, cô sẽ kết hôn, nhưng muốn để cho số mệnh tự đưa đẩy, không chủ động tìm kiếm. Đối với cô gái này, điều hạnh phúc lớn nhất trong đời người là dũng cảm làm chính mình.
***
Mỗi người, ở một hoàn cảnh khác nhau, gặp những sự biến khác nhau, từ đó có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Chính sự khác biệt này đã tạo nên một cuộc sống muôn màu.
Dù xuất thân như thế nào, con đường chung mà mọi người đi chúng là theo đuổi hạnh phúc. Muốn chạm đến hạnh phúc, chẳng còn cách nào khác ngoài không ngừng cố gắng, hiểu về chính mình, từ đó biết đâu là hạnh phúc của mình.
(Theo Toutiao)