Sau khi cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice (từng làm việc dưới quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama) nói bóng gió rằng phong trào biểu tình sắc tộc tại Mỹ trong những ngày gần đây có liên quan tới "âm mưu của Nga" và phía Nga đã kịch liệt lên án phát biểu này, thì gần đây các nhà báo của đài truyền hình 360 (Nga) lại vừa phát hiện ra một chi tiết đặc biệt trong bức hình chụp lực lượng cảnh sát và người biểu tình tại thành phố Houston, bang Texas của Mỹ.
Cụ thể, theo RIA Novosti, trong bức hình được phóng viên địa phương Steve Campion đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân kèm dòng tweet: "Một hình ảnh mạnh mẽ! Một người đàn ông tham gia phong trào biểu tình George Floyd đã chạm nắm đấm [một kiểu chào hỏi phổ biến ở Mỹ] với một sĩ quan cảnh sát Houston trên đường tiến về tòa thị chính".
Tuy nhiên, điều khiến các nhà báo Nga và một số người dùng mạng xã hội Twitter "tinh mắt" chú ý là một hình xăm trên cánh tay của sĩ quan cảnh sát này. Mặc dù hơi khó nhìn, nhưng họ đã nhận ra trên cánh tay của người cảnh sát này một hình xăm chữ "Россия", nghĩa là nước Nga. Cao hơn một chút là các chữ cái "-овск".
Những hình xăm tiếng Nga trên cánh tay của sĩ quan cảnh sát nói trên.
Trước phát hiện này, các nhân viên kênh truyền hình 360 đã châm biếm: "Ôi, những đặc vụ Nga!"
Tại Mỹ, làn sóng biểu tình và bạo động đã nổ ra sau khi anh George Floyd, một người đàn ông người Mỹ gốc Phi tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, qua đời vì bị cảnh sát đè đầu gối lên cổ trong 8 phút 46 giây.
Những hình ảnh và video về sự việc đã khiến dư luận hết sức bất bình khi viên sĩ quan cảnh sát đẩy Floyd xuống đất và dùng đầu gối chẹt cổ nạn nhân, trong khi Floyd nhắc lại vài lần rằng anh "không thở nổi" và sau đó im bặt. Floyd đã qua đời trong phòng cấp cứu.
Sau khi các cuộc bạo loạn nổ ra, 4 cảnh sát liên quan tới vụ việc đã bị sa thải, và một người trong số đó đã bị buộc tội giết người vì sơ ý.
Trong khi bà Susan Rice trực tiếp đề cập tới Nga mà không hề đưa ra bất cứ bằng chứng nào, thì một số nghị sĩ và quan chức Mỹ khác lại nói bóng gió, ám chỉ về các "thế lực ngoại bang" kích động các cuộc biểu tình.
Những phát ngôn từ phía Mỹ đã khiến nhiều quan chức Moskva giận dữ. Ông Konstantin Kosachev, Người đứng đầu Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga, đã chỉ trích những phát biểu của bà Rice là nói dối và là sự xúc phạm trực tiếp "không chỉ đối với Nga, quốc gia không hề liên quan tới tình hình tại Mỹ, mà còn đối với chính những người dân Mỹ và nạn nhân George Floyd". Ngoài ra, ông này cũng cảnh báo Washington không nên khơi mào những "trò chơi chính trị" trong bối cảnh thảm kịch này.
Về phía Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga "đang theo dõi sát sao tình hình tại Mỹ" và chưa từng, cũng như không có ý định can thiệp vào nội bộ nước Mỹ trong thời điểm hiện tại.
"Mọi lời ám chỉ tương tự như phát biểu của bà Rice đều là phát ngôn không đúng [về Nga]. Chúng tôi cũng được biết rằng những lời ám chỉ đó không thể hiện lập trường chính thức của Washington", ông Peskov nói.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: