Bằng những biện pháp xét nghiệm diện rộng và chương trình cách ly tập trung, quốc gia Đông Nam Á đã giữ số ca nhiễm chỉ ở con số 288 trường hợp và không có ca nào tử vong.
Một phi công 43 tuổi người Anh, hay còn được gọi là "bệnh nhân 91", đã bị nhiễm COVID-19 khi tới một quán bar ở thành phố Hồ Chí Minh vào hồi tháng 3. Hơn 4.000 người liên quan đã được xét nghiệm và có 18 người được xác định dương tính với virus corona.
Trong khi hầu hết các ca bệnh khác đều đã hồi phục, phi công người Anh vẫn phải được điều trị tích cực và tình trạng sức khỏe đã xấu đi trong thời gian gần đây.
Ngày 12/5, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia y tế từ các bệnh viện hàng đầu và quyết định rằng cách duy nhất để cứu bệnh nhân 91 là thông qua ghép phổi. Việc điều trị bệnh nhân này đã thu hút sự quan tâm của cả Việt Nam, chính quyền địa phương cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân trong công cuộc kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Ngày 14/5, truyền thông cho biết có 10 người, bao gồm một cựu binh chiến binh 70 tuổi, đã tình nguyện hiến phổi, tuy nhiên các bác sĩ không cho phép bởi một số vấn đề.
Đại diện của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia Việt Nam (VNHOT) cho biết: "Chúng tôi rất cảm động vì thiện ý của mọi người, nhưng các điều luật hiện tại không cho phép ghép phổi được hiến bởi người còn sống".
Hiện tại, phổi của bệnh nhân 91 chỉ hoạt động 10% và đã phải dùng máy thở hơn 30 ngày. Theo Thông tấn xã Việt Nam, chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 đã lên tới hơn 5 tỉ đồng.
Hồi tháng 3, truyền thông Trung Quốc cho biết đã thực hiện thành công một ca ghép hai phổi đối với một bệnh nhân nhiễm COVID-19. Đây là phương pháp được cho là hữu hiệu nhất để chữa trị cho những bệnh nhân nguy kịch nhất.
Thông qua nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh để trở thành một địa điểm an toàn nhằm thu hút các nhà sản xuất quốc tế.