Trong bản tin phát ngày 22/4/2016, hãng tin Reuters (Anh) cho rằng, bởi vì Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết đoán hơn trên Biển Đông, nên các quốc gia Đông Nam Á sẽ đẩy nhanh hơn nỗ lực thay thế các đội máy bay chiến đấu lỗi thời và mở đường với các giao dịch nhiều tỷ USD có lợi cho nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí lớn.
Cũng theo Reuters, mặc dù ngân sách quốc phòng của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á khá eo hẹp, tuy nhiên họ đang hết sức "bận rộn mua sắm" sau thời gian 5 năm tạm lắng.
Nguồn tin cậy từ ngành công nghiệp quốc phòng và thân cận với các chính phủ cho biết rằng, trong những tháng tiếp theo có thể chứng kiến một số giao dịch nhiều tỷ USD đến từ Malaysia và Việt Nam.
Tại triển lãm vũ khí được tổ chức tại Kuala Lumpur tuần này sẽ thu hút đông đảo người mua và các nhà cung cấp vũ khí như Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ.
Đây là sự kiện được tổ chức hai năm một lần, những người tham dự được cho là sẽ "náo nhiệt" hơn bao giờ hết.
Malaysia đang lên kế hoạch thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29, sau nhiều năm bị trì hoãn. Kuala Lumpur có thể đặt mua đến 18 máy bay phản lực, một thỏa thuận có khả năng đạt trị giá hơn 2,5 tỷ USD, một nguồn tin đáng tin cậy từ ngành công nghiệp quốc phòng cho biết với Reuters.
Tiêm kích JAS-39 của Thụy Điển.
Các tùy chọn khác bao gồm các loại máy bay chiến đấu như: Gripen của Saab, Typhoon của Eurofighter, Sukhoi Su-30 của Nga, và JF-17 của liên doanh Trung Quốc -Pakistan.
Phía Pháp khá lạc quan về khả năng thắng thầu đối với dòng máy bay Rafales, nhưng các nhà thầu khác cũng có những hy vọng của họ.
"Chúng tôi đang hy vọng sẽ cung cấp cho Malaysia 9 máy bay Typhoon", John Brosnan, người đứng đầu tập đoàn BAE Systemscho biết.
Bộ Quốc phòng Malaysia đã không đưa ra bình luận nào về các cuộc đàm phán.
Reuters cho biết thêm Việt Nam, có thể cũng đang lựa chọn nhà cung cấp mới thay vì đối tác truyền thống là Nga nên Việt Nam sẽ là một trong số những khách hàng vũ khí tiếp theo của các tập đoàn sản xuất vũ khí phương Tây.
Một số nguồn tin giấu tên cho biết, phía Việt Nam đã thực hiện các cuộc đàm phán sơ bộ với tập đoàn Saab của Thụy Điển và Dassault của Pháp để lên kế hoạch mua sắm ít nhất 12 máy bay chiến đấu.
Thông tin này rò rỉ từ từ các quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng và một nguồn tin riêng biệt, quen thuộc trong các cuộc đàm phán với chính phủ cho biết.
Biên đội tiêm kích Rafale.
Nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, Việt Nam cũng đang đàm phán với Moskva để trang bị vài chiếc tiêm kích Su-35.
Trong khi đó các quan chức của tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport đã từ chối bình luận về bất kỳ cuộc đàm phán nào với Việt Nam.
Các quan chức Việt Nam hiếm khi nhận xét về vấn đề mua sắm trang bị vũ khí, và không đưa ra bình luận nào về các câu hỏi của Reuters.