Hội thảo Biển Đông: Đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế làm xói mòn thượng tôn pháp luật

Hải Võ |

Sáng thứ Tư (6/11), Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông với chủ đề "Hợp tác vì An ninh và Phát triển tại Khu vực" - do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam (VLA) và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức - đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, nói "Chúng tôi tin tưởng rằng, hợp tác và thúc đẩy hợp tác trên biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế".

Tại Hội thảo ngày mùng 6, ông Lê Hoài Trung khẳng định biển Đông đóng vai trò quan trọng trong giao thương và hợp tác quốc tế, đồng thời chỉ ra rằng có những thách thức đang nổi lên đối với hòa bình và ổn định trên biển Đông, bao gồm hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên các vùng biển - kể cả vùng biển của Việt Nam.

"Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế trái với chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành các tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, an ninh của khu vực và quốc tế," ông Trung nói.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn Hội thảo biển Đông năm nay tiếp tục đề cao đối thoại thẳng thắn để tổng kết các kinh nghiệm hay để nghiên cứu áp dụng tại biển Đông, góp phần xây dựng biển Đông thành một giao lộ an toàn, một vùng biển hoà bình, hữu nghị và hợp tác phục vụ lợi ích chung của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Hội thảo Biển Đông: Đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế làm xói mòn thượng tôn pháp luật - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ngày 6/11 (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)

Theo Thứ trưởng, hợp tác Biển Đông đã được đẩy mạnh trong những năm qua.

"Riêng ASEAN đã có trên 12 cơ chế có liên quan đến hợp tác biển. Mặc dù có lợi ích rất đa dạng, cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng lòng tin, và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác của các nước trong và ngoài khu vực. Có thể kể đến như Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, hợp tác Tam giác San hô (Coral Triangle Initiative), Hợp tác chống cướp biển thông qua Trung tâm ReCAAP đặt tại Singapore,..." ông Lê Hoài Trung cho biết.

"Riêng về Việt Nam, Việt Nam có quan hệ hợp tác trên biển dưới nhiều hình thức khác nhau với các nước ven Biển Đông. Với tất cả các quốc gia ven Biển Đông Việt Nam đều có các khuôn khổ hợp tác hoặc là về song phương hoặc là về đa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác Biển Đông cũng có sự tham gia của nhiều đối tác bên ngoài gồm có các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế."

Thứ trưởng Bộ ngoại giao nói, Việt Nam và Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, các hoạt động tuần tra chung giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục được thực hiện trong Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực giải quyết, xử lý các vấn đề về biển với các nước láng giềng khác.

Các nước ASEAN cũng chủ động đàm phán để giải quyết các tranh chấp song phương, tìm các biện pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề chồng lấn. Philippines và Indonesia gần đây đạt được tiến bộ rất đáng khích lệ trong việc giải quyết vấn đề phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.

Tại Hà Nội, trong tuần tới Việt Nam, Canada và EU sẽ đồng tổ chức Hội thảo về thực thi UNCLOS 1982 và các vấn đề nổi lên trên biển trong khuôn khổ Diễn đàn ARF. ASEAN cũng đang nỗ lực cùng các đối tác xây dựng một Bộ Hướng dẫn xử lý các va chạm trên biển trên tinh thần tin cậy, ngoại giao phòng ngừa, và giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình.

Hội thảo Biển Đông: Đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế làm xói mòn thượng tôn pháp luật - Ảnh 2.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: VNA)

Thứ trưởng Lê Hoài Trung kỳ vọng Hội thảo sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề quan trọng, như làm sao đảm bảo tính hiệu quả của UNCLOS 1982 nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung? Làm sao để các cơ chế đa phương tiếp tục có vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp và thúc đẩy hợp tác trong khu vực?

"Trong khi đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc, chúng ta cũng suy nghĩ làm sao có thể phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và sử dụng có hiệu quả các cơ chế hợp tác khu vực. Và chúng ta cũng biết là có nhiều cơ chế hợp tác khu vực quốc tế có sự tham gia của các đối tác bên ngoài và sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, trong hợp tác về nghề cá, có sự tham gia của các tổ chức như FAO, trong lĩnh vực môi trường có sự tham gia của tổ chức như là UNEP. Đó là những ví dụ," ông Trung nói.

"Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam hy vọng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác để thúc đẩy, nâng cao hiệu qủa các cơ chế của ASEAN về hợp tác biển."

"Bằng biện pháp và cách thức nào thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trên biển, trong đó có vấn đề liên quan đến khác biệt,tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, yêu sách biển, và cả những vấn đề rất quan trọng liên quan đến sinh kế cho các cộng đồng cư dân ven biển, các lĩnh vực như cứu hộ, cứu nạn, chống tội phạm xuyên quốc gia, phát triển nghề cá bền vững, đối xử nhân đạo với ngư dân, bảo vệ môi trường và tài nguyên? Làm thế nào nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển cho các nước ven biển?"

Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền phi lý đối với phần lớn diện tích vùng nước quốc tế trên biển Đông, đồng thời xây cất và quân sự hóa trái phép trên các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trong phán quyết năm 2016 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, do Manila làm nguyên đơn, Tòa trọng tài thường trực The Hague đã bác bỏ tính hợp lệ của cái gọi là "Đường chín đoạn" - được Bắc Kinh dùng làm cơ sở yêu sách chủ quyền. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết và tiếp tục các hoạt động bành trướng, quân sự hóa phi pháp.

Từ tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức), Ấn Độ,... - lên án vì hành vi đơn phương gây hấn trên biển Đông, cản trở hoạt động dầu khí lâu đời của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế của họ - bao gồm Việt Nam, làm leo thang căng thẳng và xói mòn lòng tin trong khu vực.

Mới đây nhất, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan, hôm 4/11, lên án "Bắc Kinh đã sử dụng hành vi đe dọa để cố gắng ngăn chặn các quốc gia ASEAN khai thác tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận nguồn dự trữ dầu khí trị giá 2.5 nghìn tỷ USD".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại