Hoạt động sản xuất ở châu Á giảm sâu vào tháng 5, trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy yếu do đại dịch coronavirus trở nên tồi tệ hơn. Các cường quốc xuất khẩu như Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền kinh tế chịu sự suy giảm hoạt động kinh doanh trong mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây.
Một loạt dữ liệu sản xuất được công bố vào thứ Hai (1/6) cho thấy sản xuất châu Á khó có thể khôi phục hoàn toàn khi cầu từ Trung Quốc vẫn còn yếu, mặc dù hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào tháng 5.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất Caixin/Markit của Trung Quốc (PMI) đạt 50,7 vào tháng trước, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 1 - khi việc nới lỏng giãn cách xã hội cho phép các công ty quay trở lại làm việc và bù lấp các đơn đặt hàng chưa thanh toán.
Nhưng nhiều đối tác thương mại của Trung Quốc vẫn bị hạn chế, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới của họ vẫn bị thu hẹp, cuộc khảo sát kinh doanh tư nhân cho thấy.
Khảo sát PMI chính thức của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn rất mong manh.
Hoạt động tại các nhà máy của Nhật Bản vào tháng 5 đã giảm xuống với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Một cuộc khảo sát riêng của khu vực tư nhân cho thấy Hàn Quốc cũng chứng kiến ngafnnh sản xuất sụt giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn một thập kỷ.
Capital Economics cho biết lĩnh vực sản xuất của khu vực châu Á đang suy thoái sâu sắc.
"Ngành công nghiệp sản xuất đã tăng trưởng trở lại khi chính phủ mới nới lỏng các hạn chế. Và mọi thứ có thể sẽ tiếp tục cải thiện rất dần trong những tháng tới khi nhu cầu bên ngoài phục hồi", Capital Economics viết. "Tuy nhiên, sản lượng vẫn có khả năng thấp hơn mức bình thường trong nhiều tháng tới vì nhu cầu trong nước và toàn cầu vẫn giảm".
Hoạt động sản xuất của Đài Loan cũng giảm trong tháng 5. Việt Nam, Malaysia và Philippines đã chứng kiến PMI tăng trở lại so với tháng 4, mặc dù tất cả các chỉ số vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
Dữ liệu chính thức cho thấy Hàn Quốc chứng kiến xuất khẩu giảm mạnh trong tháng thứ 3 liên tiếp. Hoạt động của các nhà máy Ấn Độ đã yếu đi nhiều trong tháng 5, sau khi chính phủ áp đặt các biện pháp đóng cửa nền kinh tế vào tháng 4.
Những tai ương kinh tế của châu Á dường như sẽ ảnh hưởng đến cả những nơi khác trên thế giới bao gồm cả châu Âu, nơi các nền kinh tế tiếp tục chịu thiệt hại về cả sản xuất và dịch vụ.
Khi nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế, thị trường chứng khoán đang khởi sắc với hy vọng sức khỏe kinh tế sẽ nhanh chóng trở lại thịnh vượng.
Nhưng nỗi đau của kinh tế toàn cầu sẽ sâu hơn và sự phục hồi có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán trước đây, khi đại dịch lan rộng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã cảnh báo vào tháng trước rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phục hồi hoàn toàn sau cú sốc virus. Xung đột Trung - Mỹ có thể làm ảnh hưởng tiêu cực thêm đến tình cảm kinh doanh và tạo ra những căng thẳng lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất của Ngân hàng Jibun Nhật Bản đã giảm xuống mức 38,4, thấp hơn mức 41,9 trong tháng 4. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009 đến nay. Chỉ số quản lý mua hàng IHS Markit của Hàn Quốc giảm xuống còn 41,3 vào tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009 và thấp hơn mức 41,6 của tháng 4.