Giới thiệu chính sách đối ngoại cùng nhóm cố vấn an ninh quốc gia của mình, ông Biden hôm 24-11 tuyên bố sẽ nỗ lực để củng cố quan hệ với các nước đồng minh và chủ nghĩa đa phương sau khi ông nhậm chức vào ngày 20-1-2021.
"Đây là một nhóm phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng để đứng đầu, không phải rút lui khỏi thế giới" – ông Biden nhấn mạnh tại một sự kiện ở TP Wilmington, bang Delaware.
Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định với Reuters rằng mặc dù chính quyền của ông Biden có thể nhanh chóng đảo ngược tình hình ở một số lĩnh vực, như tái gia nhập Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi, mọi chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong hành trình đưa Mỹ trở lại vĩ thế dẫn đầu toàn cầu.
"Ông Biden…có thể củng cố vị thế của Mỹ. Tuy nhiên, ông không thể thay đổi thực tế khắc nghiệt rằng Mỹ không còn phi thường như trước đây: Những quốc gia và khu vực khác có thể và sẽ cạnh tranh hiệu quả ở mọi lĩnh vực" – chuyên gia Howard Eissenstat của Trường ĐH St. Lawrence (Mỹ) nhận định.
Sau khi nhậm chức, ông Biden sẽ đón nhận một thế giới rất khác so với cách đây 4 năm, thời điểm ông rời Nhà Trắng sau quãng thời gian làm phó tổng thống Mỹ. Trung Quốc hiện đã nắm giữ vai trò toàn cầu lớn hơn, từ các thể chế đa phương đến hỗ trợ phát triển ở châu Phi và Mỹ Latin.
Trong 4 năm qua, Mỹ đã triển khai nhiều nước đi để rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Trump cũng đã bày tỏ sự hoài nghi đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khi từ chối triển khai hướng tiếp cận cứng rắn với một số quốc gia đối đầu, như Nga. Điều này khiến nhiều đồng minh của Washington không khỏi bất ngờ.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết cứng rắn với chính sách bành trường của Trung Quốc, cũng như đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris và Thỏa thuận hạt nhân Iran nếu Tehran tuân thủ nghiêm cam kết của họ.
"Chúng ta không thể một mình giải quyết mọi vấn đề của thế giới. Chúng ta cần hợp tác với những quốc gia khác, chúng ta cần sự hợp tác này, chúng ta cần quan hệ đối tác" – ông Biden nhấn mạnh hôm 24-11, đồng thời cam kết tăng cường liên minh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định "chủ nghĩa đa phương" không phải là lợi ích to lớn nhất của Mỹ.
"Chúng ta hợp tác với các nước khi chúng ta có lợi ích chung với họ. Chúng ta chỉ xây dựng những đồng minh mang lại hiệu quả thực sự" – ông Pompeo nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng "chủ nghĩa đa phương" không phải là lợi ích to lớn nhất của Mỹ. Ảnh: Reuters
Tuần trước, Văn phòng hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tài liệu viết về kế hoạch đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Ông Biden cho biết ông không có ý định leo thang thương chiến Mỹ-Trung được khởi xướng dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, ông Biden cũng lặp lại những lập luận được Tổng thống Trump dùng để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng chính trị-kinh tế của Trung Quốc: Bắc Kinh không đang tuân thủ luật chơi và lệnh trừng phạt cũng như thuế quan được sử dụng để đưa họ trở lại khuôn khổ.