Chương trình nâng cấp máy bay F-16 của Đài Loan là một mục tiêu được tình báo Trung Quốc quan tâm săn lùng (Ảnh: Storrm).
Theo trang Apple Daily của Đài Loan ngày 21/12, các quan chức Đài Loan và Mỹ cho rằng, mục đích của Bắc Kinh là thu thập thông tin chi tiết về kế hoạch phòng thủ của Đài Loan và phá hoại năng lực lãnh đạo của ban lãnh đạo. Ngay cả chi tiết kế hoạch bảo vệ an ninh cho bà Thái Anh Văn cũng đã bị xâm nhập.
Trước nghi ngờ có bàn tay gián điệp của Trung Quốc thọc vào lực lượng vũ trang Đài Loan, vào tối ngày 20/12 họ đã lên tiếng phản hồi bài viết của Reuters, nói rằng công tác phản gián tích cực đã ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập quân đội; Lực lượng phòng vệ Đài Loan cũng cho biết, quân đội đã đa dạng hóa các biện pháp giáo dục để tuyên truyền, khen thưởng các quan binh chủ động tố giác, phản ánh.
Các tội phạm bị cáo giác, điều tra ngay ở giai đoạn đầu tiếp xúc với quan binh quân đội, là biểu hiện tích cực của công tác phản gián và chưa bị xâm nhập.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan kịp thời áp dụng và thay đổi các phương pháp đối với những thông tin bí mật có thể xảy ra rò rỉ và chặn các kênh tìm kiếm bí mật trước khi vụ việc có nguy cơ gây ra rò rỉ thông tin bí mật, điều này giúp duy trì hiệu quả bí mật và an ninh.
Theo Reuters, tình báo Trung Quốc đã móc nối được những người thân cận với bà Thái Anh Văn (Ảnh: Storrm).
Bản tin của Reuters đã dẫn chứng "Vụ án gián điệp Tạ Tích Chương lớn nhất trong lịch sử Đài Loan" làm ví dụ, viết Tạ Tích Chương tới Đài Loan với tư cách là một doanh nhân Hồng Kông trong hơn 20 năm, bị buộc tội bí mật tuyển dụng gián điệp cho Trung Quốc Đại Lục.
Ông ta cũng thâm nhập thành công vào quân đội Đài Loan, sử dụng các phương thức như trả tiền cho các sĩ quan Lực lượng phòng vệ Đài Loan và gia đình của họ đi du lịch nước ngoài, cung cấp tiền mặt và tặng những món quà như khăn lụa và thắt lưng…cho vợ của các sĩ quan.
Tạ Tích Chương được Chi nhánh Quảng Châu của Cục Liên lạc thuộc Bộ Công tác chính trị của Quân ủy Trung ương Trung Quốc chỉ thị đến Đài Loan để phát triển một tổ chức gián điệp.
Năm 2006, ông ta gặp Trương Bồi Ngưng, cựu Trưởng phòng Tổng hợp của Cục Tiêu chuẩn Hải quân tại một bữa tiệc, Trương hứa giúp Tạ Tích Chương phát triển tổ chức này ở Đài Loan; lần lượt móc nối được 6 sĩ quan cấp Đại tá, Trung tá Hải quân.
Sau đó đã thu phục thành công Đại tá Hà Trung Chi ở Phòng Kế hoạch của Bộ Tư lệnh Hải quân Đài Loan và vợ ông là Trang Tú Vân. Trương Triết Bình, cựu Trung tướng của "Lực lượng phòng vệ" và hiện là Đại tướng, Giám đốc Đại học Quốc phòng, cũng bị điều tra vì liên quan trong vụ án này.
Vợ chồng tướng Trương Triết Bình, Giám đốc Đại học Quốc phòng Đài Loan bị điều tra với tư cách nhân chứng trong vụ án Tạ Tích Chương (Ảnh: UDN). |
Reuters đã xem xét các tài liệu pháp lý và chỉ ra rằng các phương pháp của Tạ Tích Chương để giành được tình cảm và sự tin tưởng bao gồm: mời các sĩ quan Lực lượng phòng vệ Đài Loan tại chức và đã nghỉ hưu tham dự các bữa nhậu, các bữa tiệc chiêu đãi và các sự kiện thể thao, đồng thời tặng hàng nghìn đô la tiền mặt, khăn lụa và váy áo cho vợ của các sĩ quan, trả tiền cho thân nhân trong gia đình của các sĩ quan Đài Loan đi du lịch nước ngoài, tìm cách cho họ gặp gỡ các quan chức Trung Quốc.
Vào tháng 6/2019, nhà chức trách Đài Loan phát hiện Tạ Tích Chương bị tình nghi tiếp cận, chiêu dụ hai tướng hải quân đã nghỉ hưu, ông ta ngay lập tức bỏ trốn khỏi Đài Loan. Viện kiểm sát quận Cao Hùng đã phát lệnh truy nã đối với Tạ.
"Bộ Quốc phòng" Đài Loan cho biết tướng Trương Triết Bình đang bị điều tra với tư cách là nhân chứng. Trương Triết Bình đã bày tỏ không tiện bình luận trước các câu hỏi của Reuters.
Theo lời các sĩ quan quân đội cấp cao đã nghỉ hưu và các quan chức chính quyền đương nhiệm ở Đài Loan, các vụ gián điệp này cho thấy Trung Quốc đã phát động một kế hoạch gián điệp sâu rộng nhằm phá hoại các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của Đài Loan, làm mất ý chí chiến đấu của quân đội, đánh cắp thông tin chi tiết của vũ khí công nghệ cao và hiểu sâu hơn về kế hoạch phòng thủ của Đài Loan.
Tướng Lê Hiền Thánh, Trưởng đoàn đại diện quân sự Đài Loan tại Mỹ bị điều tra vì dính bẫy "mỹ nhân kế" của tình báo Trung Quốc (Ảnh: Apple). |
Bài viết chỉ ra rằng, Bắc Kinh thậm chí đã xâm nhập các chi tiết bảo vệ an ninh của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Bài báo cũng lấy ví dụ trường hợp Tôn Hàn Phương sĩ quan an ninh mật vụ, cựu tùy tùng của người đứng đầu chính quyền Đài Loan cùng cháu ngoại của ông ta, sĩ quan cảnh vệ cho bà Thái Anh Văn là Vương Văn Nhan, nói cả hai người đã bị kết án tù vì đã làm rò rỉ thông tin nhạy cảm về an ninh của bà Thái Anh Văn cho cơ quan tình báo Trung Quốc.
Theo các tài liệu của tòa án đã được Reuters xem xét và các tin tức trên các cơ quan truyền thông; cả hai người cũng bị cáo buộc làm rò rỉ tên tuổi, chức danh và số điện thoại công tác của những người phục vụ cấp cao, bảo vệ trụ sở cơ quan và tư dinh của bà Thái Anh Văn.
Theo các thông tin Reuters có được từ hồ sơ tòa án và tin tức trên các cơ quan thông tấn Đài Loan, trong mười năm qua, ít nhất 21 sĩ quan quân đội đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu với cấp bậc từ Đại úy trở lên đã bị kết án vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Cuộc rà soát cho thấy có ít nhất 9 thành viên đang hoạt động hoặc đã nghỉ hưu khác của quân lực Đài Loan đã bị xét xử hoặc bị điều tra vì nghi ngờ có liên hệ với gián điệp từ Trung Quốc; trường hợp điển hình là Thiếu tướng Lê Hiền Thánh, nguyên Trưởng phái đoàn quân sự Đài Loan tại Mỹ bị một nữ điệp viên Đại Lục mua chuộc, quyến rũ, đã cung cấp cho tình báo Trung Quốc các bí mật về chương trình nâng cấp máy bay F-16, dự án mua tên lửa Patriot-3 và dự án nâng cấp tên lửa Patriot-2, dự án radar cảnh báo tầm xa, kế hoạch đối thoại chiến lược Đài – Mỹ….
Các nhà phân tích quân sự Đài Loan - Mỹ cho rằng, nếu hai bên eo biển rơi vào xung đột công khai, gián điệp Trung Quốc trong quân đội Đài Loan có thể mang lại cho Trung Quốc một ưu thế vô giá.
Căng thẳng trên eo biển Đài Loan đã tăng mạnh trong năm nay và PLA đang dần tích lũy hỏa lực cần thiết để đánh chiếm Đài Loan và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.
Trong một báo cáo về quân đội Trung Quốc do cơ quan phòng vệ Đài Loan công bố hồi tháng 9/2021, các điệp viên Trung Quốc "ẩn náu" ở Đài Loan có thể tấn công trung tâm chỉ huy để "chặt đầu" giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Đài Loan và hạ gục ý chí quân đội Đài Loan.
Tranh cổ động tuyên truyền chống gián điệp Trung Quốc trong Lực lượng phòng vệ Đài Loan (Ảnh: Apple). |
Grant Newham, một Đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu, người đã nghiên cứu vấn đề Đài Loan, chỉ ra rằng ngay cả khi một điệp viên Trung Quốc bị phát hiện trong thời bình, điều đó cũng có thể làm suy yếu tinh thần của Đài Loan.
"Các sĩ quan cấp cao nhất của Lực lượng vũ trang Đài Loan lần lượt bị kết tội gián điệp, điều này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đối với các sĩ quan và quân đội; huống hồ nếu sự trung thành của người chỉ huy bị nghi ngờ, nội bộ sẽ bị mục ruỗng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn."
Một quan chức cấp cao đã nghỉ hưu cũng cho rằng tình trạng gián điệp Trung Quốc liên tiếp bị phát hiện dẫn đến việc mất lòng tin lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, "đồng minh cũng mất lòng tin vào bạn".
Trước các câu hỏi của Reuters về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở Đài Loan, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện Trung Quốc đã không trả lời; còn Ủy ban Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố nói rằng "các hoạt động gián điệp không ngừng mở rộng" của Trung Quốc là một trong những hành động chính trị ác ý của Bắc Kinh đang diễn ra, phá hoại sự phát triển bình thường của quan hệ hai bờ eo biển.