Theo Reuters, vệ tinh đầu tiên của Myanmar trị giá 15 triệu đô la, được lắp ráp bởi Đại học Hokkaido (Nhật Bản) trong một dự án hợp tác với Đại học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ Myanmar (MAEU), do chính phủ Myanmar tài trợ.
Đây là thiết bị đầu tiên trong bộ hai vi vệ tinh nặng 50kg, được trang bị camera để theo dõi tình hình nông - ngư nghiệp.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền và một số quan chức Nhật Bản lo ngại chiếc camera này có thể bị chính quyền quân đội sử dụng cho mục đích quân sự sau cuộc đảo chính 1/2.
Hai quan chức của Đại học Hokkaido cho biết, điều này đã khiến việc triển khai bị đình trệ. Đại học Hokkaido đang tổ chức các cuộc thảo luận với Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
“Chúng tôi sẽ không can dự vào bất cứ điều gì liên quan đến quân đội. Vệ tinh không được thiết kế cho điều đó ”, một trong những người quản lý dự án, nói với Reuters, yêu cầu giấu tên.
“Chúng tôi đang thảo luận về những việc cần làm, nhưng chúng tôi không biết khi nào nó sẽ được triển khai. Nếu dự án bị tạm dừng, chúng tôi hy vọng dự án có thể được khởi động lại vào một thời điểm nào đó ”.
Chuyên gia nói trên không cho biết khi nào vệ tinh sẽ được triển khai, hoặc khi nào JAXA sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về “số phận” vệ tinh của Myanmar.
Một người quản lý dự án khác của Đại học Hokkaido cho biết hợp đồng với MAEU không viết rằng vệ tinh không được sử dụng cho mục đích quân sự.
Tuy nhiên, người này khẳng định dữ liệu từ tàu vũ trụ sẽ do trường đại học Nhật Bản thu thập và các quan chức Myanmar không thể truy cập độc lập.
Kể từ sau cuộc đảo chính, lãnh đạo trường Đại học Hokkaido đã không thể liên lạc với hiệu trưởng MAEU - Giáo sư Kyi Thwin.
JAXA, MAEU và chính quyền Myanmar hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Vệ tinh của Myanmar được đưa lên không gian bởi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào ngày 20/2 theo chuyến tàu chở đồ tiếp tế đến trạm vũ trụ ISS.
Từ đó đến nay, vệ tinh đã được JAXA lưu giữ bên trong mô-đun thử nghiệm Kibo của Nhật Bản. Phi hành gia JAXA - Soichi Noguchi là một trong bảy người hiện đang có mặt trên trạm vũ trụ.
Nhật Bản có quan hệ chặt chẽ với Myanmar và là một trong những nhà tài trợ viện trợ lớn nhất của nước này. Dù lên án bạo lực, nhưng Nhật Bản không có lập trường cứng rắn phản đối cuộc đảo chính như Mỹ và một số nước phương Tây khác.
Teppei Kasai - quan chức Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các nhà cầm quyền ở Myanmar sẽ dễ dàng lợi dụng công nghệ vệ tinh cho quân đội.
Kasai nói: “Vì vậy, các trường đại học liên quan của Nhật Bản nên tạm dừng dự án và khẩn trương xem xét lại nó để tìm ra những rủi ro tiềm ẩn về nhân quyền.”
Theo Reuters