Từ trước tới nay, nếu dùng Windows, chúng ta thường có thói quen Refresh giao diện máy tính mỗi khi có cảm giác chậm chạp, trì trệ - với phím tắt là F5, cũng là một cách gọi khác của hành động này.
Tuy nhiên, liệu nó thực sự có tác dụng khiến cho máy tính chạy nhanh hơn, giải quyết được chút ít vấn đề khó chịu, hay chỉ là một hành động vô nghĩa và bị hiểu lầm từ lâu?
Nút Refresh là gì, từ đâu mà ra?
Dù cho Windows đã nâng cấp qua nhiều thế hệ và phiên bản, tới hiện tại là Windows 10, nhưng nút Refresh thì vẫn trường tồn với thời gian và ở nguyên vị trí cũ vốn có của nó. Đó là một menu mặc định hiện lên ở giao diện chung của máy tính mỗi khi nhấn chuột phải, và bất kỳ ai cũng dễ dàng tìm thấy một từ quen thuộc.
Hành động nhấn chọn chuột phải rồi Refresh "nháy nháy" vài phát mỗi khi cảm tưởng máy tính chạy chậm đã xuất hiện như một thói quen từ lâu, đến nỗi chúng ta có khi còn chẳng nhớ rõ được mình biết đến thao tác đó từ bao giờ.
Đến nay, những thế hệ Windows gần nhất đã có chức năng tự động Refresh, nhưng chỉ khi có một vài thay đổi theo tình huống cố định chứ không hẳn là mọi lúc.
Refresh được thiết kế để phát huy tác dụng trong những trường hợp như sau:
- Làm mới nội dung hiển thị, nhất là khi vừa có sự thay đổi về nội dung tệp tin, thư mục nhưng máy tính vẫn chưa cập nhật và hiện lên đúng lúc.
- Sắp xếp lại biểu tượng phần mềm ở giao diện.
- Biểu tượng giao diện bị lỗi, không hiển thị hoặc thực hiện đúng chức năng.
Đọc xong điều trên, có thể nhiều người đang tự hỏi bản thân, cảm thấy khó hiểu vì có lẽ mình chưa bao giờ có ý định nào như vậy, nhưng vẫn luôn có thói quen F5 máy tính mọi lúc.
Hiểu đúng ra, Refresh chưa bao giờ được làm để giúp máy tính chạy nhanh hơn, hay giải quyết tình trạng giật/lag mà bạn đang gặp phải. Tất cả chỉ là một khái niệm sai và hiểu lầm không đáng có mà thôi!
Refresh một lần chưa đủ, tại sao người ta lại thích Refresh liên tục mới thôi?
Một thói quen phát sinh nữa khi dùng nút Refresh ở nhiều người, đó là việc phải... nhấn liên tục thao tác đó, kéo dài vài lần trên máy tính rồi mới dừng lại, kể cả khi họ đã chắc không còn vấn đề gì liên quan nữa cả.
Một phần họ tin rằng làm càng nhiều thì máy tính chạy càng nhanh - vốn đã là một hướng hiểu sai hoàn toàn - phần còn lại liên quan tới một hành vi tâm lý ở não bộ con người.
Cụ thể, đó là biểu hiện của tình trạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), khiến chúng ta luôn có cảm giác nghĩ đến một thứ gì đó, lo lắng không có lý do chính đáng và phải thực hiện các hành vi ép buộc nhất định nào đó để giảm bớt căng thẳng.
Biểu hiện dễ thấy nhất ở những người mắc chứng OCD là khi họ có những ý nghĩ và hành vi lặp lại một cách vô nghĩa, không kiểm soát được, chẳng hạn như nâng lên đặt xuống đồ vật liên tục, hoặc tắm rửa vài lần trong ngày mà vẫn chưa thỏa mãn.
Ngoài ra, hành động đó cũng có thể được... bắt chước khi theo dõi những người quen làm việc với máy tính, nhất là những ai chuyên sâu về công nghệ, khi mà họ cũng vô tình có thói quen Refresh nhiều lần và để người khác nhìn thấy.
Còn ai đáng tin hơn các chuyên gia kính cận ăn máy tính, ngủ máy tính cơ chứ? Dần dần, họ cũng sẽ nghĩ rằng "đã Refresh là phải nhiều", nếu không thì sẽ cảm thấy chưa đủ, không thoải mái với hành động đó.
Nói tóm lại, đừng trở thành một người ám ảnh và thiếu hiểu biết vì nút F5 nhỏ bé. Refresh không giúp máy tính của bạn chạy nhanh hơn, dung lượng RAM lớn hơn hay tốc độ download trên Internet mượt mà hơn đâu!