Nơi trú ẩn trong chiến tranh thương mại
Sau khoảng 2 giờ 30 phút lái xe từ Hà Nội đến Hạ Long, hiếm hoi mới thấy xuất hiện hình ảnh làng quê. Thay vào đó, các khu công nghiệp nối đuôi kéo dài trên dọc đường đi. Một phần của vùng Đông Bắc Việt Nam đang trở thành hành lang công nghiệp, với các nhà máy sản xuất từ những chiếc ô tô Ford Focus đến camera iPhones.
Ngay ở tỉnh miền bắc Thái Nguyên, tại khu công nghiệp Yên Bình là nhà máy liên hợp của Samsung có diện tích 100ha. Cơ sở ở Thái Nguyên, cùng với 7 nhà máy khác ở Việt Nam, đang sản xuất phần lớn điện thoại thông minh trên thế giới của Samsung.
Nhà cung cấp Apple cũng đang tham gia mạnh mẽ hơn. Innotek, nhà sản xuất camera cho iPhones, cũng vừa mở một nhà máy ở Hải Phòng, nơi có một cảng nước sâu cho phép tiếp cận nhanh và dễ dàng hơn với thị trường toàn cầu. LG Display, cung cấp màn hình cảm ứng OLED cho Apple, cũng hoạt động ở Hải Phòng.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang leo thang, các công ty đang muốn tìm kiếm một nơi "trú ẩn" bằng cách chuyển các nhà máy tại Trung Quốc sang Việt Nam.
Được nhắc đến nhiều nhất là Goertek, công ty lắp ráp tai nghe AirPods cho Apple. Công ty này quyết định chuyển toàn bộ sản xuất tai nghe sang Việt Nam.
"Vì các yếu tố vĩ mô, như thị trường dao động và tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, việc vận hành và quản lý của công ty trở nên khó khăn hơn", Jiang Bin, chủ tịch Goertek cho biết.
Lợi thế và khuyết điểm
Lợi thế của việc sản xuất ở Việt Nam vượt qua nước láng giềng tăng lên ngay cả trước khi ông Trump lên nắm quyền.
Tại Thâm Quyến, nơi có nhà máy cung cấp thiết bị cho Apples, mức lương tối thiểu hàng tháng hiện nay là 2.200 nhân dân tệ (315 USD). Trong khi đó, mức lương tối thiểu cao nhất của Việt Nam là 3,98 triệu đồng (170 USD). Mức lương ở các khu vực khác còn thấp hơn như ở huyện Phổ Yên của Thái Nguyên, mức lương tối thiểu chỉ là 3,09 triệu đồng (130 USD).
Việt Nam là một thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) EVFTA.
Việc ký kết thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế thị trường yêu cầu một mức độ tự do hóa của nền kinh tế Việt Nam. Trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 68 trong khi Trung Quốc xếp thứ 78.
Vào năm ngoái, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhà Trắng, ông đã mang đến một món quà - các hợp đồng trị giá 8 tỷ USD với các công ty Mỹ, một động thái đã giành được sự ca ngợi công khai từ ông Trump.
Tập đoàn FLC đã ký hợp đồng mua 20 chiếc Boeing 787 Dreamliners với giá 5,6 tỷ USD cho dự án Bamboo Airways trong năm nay. Vietjet, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng đồng ý chi 12,7 tỷ USD cho 100 chiếc Boeing 737 hồi tháng 7.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc vẫn có một số lợi thế. Lực lượng lao động của Trung Quốc đông đảo và nhiều công nhân có tay nghề cao hơn. Sản xuất trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có đặc quyền tiếp cận lượng người tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc.
Việt Nam sẽ phải đào tạo lực lượng lao động của mình khắt khe hơn để có thể cạnh tranh, nhưng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Đã bước lên một bậc của chuỗi cung ứng toàn cầu và sẵn sàng cải cách để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam trở thành sự lựa chọn không chỉ rẻ hơn mà còn thân thiện dưới thời Tổng thống Trump.