Chúng ta đều biết rằng Israel có một nền nông nghiệp phát triển ở trình độ cao. Rất nhiều công nghệ và quy trình hiện đại được đất nước này áp dụng trong trồng trọt để khắc phục sự bất lợi về điều kiện canh tác, điển hình là thiếu nước ngọt.
Tuy nhiên, một trong số những công nghệ này đang bộc lộ sự mất an toàn. Cụ thể, tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến Israel tăng cường sử dụng nước thải tái chế để tưới cho cây trồng. Đồng thời, điều này cũng gia tăng sự phơi nhiễm hóa chất trong thực phẩm của họ.
Mới đây, một nhóm nghiên cứu đa ngành đến từ Đại học Hebrew và Trung tâm Y tế Hadassah của Israel đã phát hiện: người ăn rau quả trồng trong đất tưới bằng nước thải tái chế bị phơi nhiễm với một chất hóa học có tên carbamazepine. Hợp chất này có nguồn gốc từ một loại thuốc chống động kinh, và xuất hiện nhiều trong nước thải.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Science & Technology.
“Israel là quốc gia tiên phong trên thế giới sử dụng nước thải thu hồi và tái chế trong lĩnh vực nông nghiệp”, giáo sư Benny Chefetz của Khoa Nông nghiệp và thực phẩm môi trường, Đại học Habrew cho biết.
Vì vậy, sẽ là cần thiết để thực hiện các nghiên cứu đánh giá sức khỏe của người tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế có bị ảnh hưởng. Công trình của giáo sư Chefetz là nghiên cứu đầu tiên hướng đến mục đích cụ thể này.
“Trong một thử nghiệm ngẫu nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng những người khỏe mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tưới bằng nước thải tái chế có sự xuất hiện của carbamazepine và các chất chuyển hóa trong nước tiểu.
Trong khi đó, người ăn rau quả tưới bằng nước sạch hầu như không phát hiện mức độ carbamazepine”, giáo sư Ora Paltiel, hiệu trưởng Trường Y tế động đồng thuộc Đại học Hebrew nói.
Nghiên cứu theo dõi 34 người cả nam và nữ, được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên được định hướng tiêu thụ rau quả tưới bằng nước thải tái chế trong 1 tuần, sau đó chuyển sang sản phẩm tưới bằng nước sạch. Nhóm thứ 2 thực hiện theo thứ tự ngược lại.
Các tình nguyện viên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp gồm: cà chua, dưa chuột, ớt và rau diếp. Ngoài ra, họ ăn theo một chế độ bình thường và uống nước đóng chai được đồng bộ hóa suốt thời gian nghiên cứu.
Các nhà khoa học thực hiện đo nồng độ carbamazepine trong sản phẩm tươi đầu vào và trong nước tiểu của tình nguyện viên sau khi tiêu thụ chúng.
Thời điểm ban đầu trước khi ăn rau quả tưới bằng nước thải tái chế, carbamazepine không được phát hiện, hoặc nếu có đều ở nồng độ rất thấp. Sau 7 ngày, những người ở nhóm thứ nhất đã phát hiện mức định lượng rõ ràng của carbamazepine, nhóm thứ 2 không có sự thay đổi.
“Sản phẩm nông nghiệp sử dụng nước thải tái chế cũng trưng bày một mức độ carbamazepine cao hơn đáng kể so với sử dụng nước sạch”, giáo sư Paltiel nói.
“Rõ ràng những người tiêu thụ sản phẩm trên đất được tưới bằng nước thải tái chế đang gia tăng sự phơi nhiễm với chất có trong thuốc động kinh này. Mặc dù mức độ phát hiện của nó thấp hơn nhiều so với bệnh nhân sử dụng thuốc thực sự”.
Thêm vào kết luận, giáo sư Chefetz cho biết: “Đây là bằng chứng cho ý tưởng người tiêu dùng đang phơi nhiễm với các hợp chất trong dược phẩm thông qua tiêu hóa sản phẩm nông nghiệp thương mại”.
Dữ liệu cung cấp trong nghiên cứu có thể giúp các nhà hoạch định chính sách đánh giá mức độ rủi ro cho vấn đề này. Trong tương lai, nhiều nghiên cứu tương tự cũng sẽ phải được thực hiện.
Tham khảo Sciencedaily