Rau sạch: bán không ai mua, mua không ai bán

MAI VINH |

Giữa lúc câu chuyện rau VietGAP 'dỏm' giá cao xuất hiện ở các chuỗi phân phối khiến người tiêu dùng hoang mang, ông Trần Huy Đường (phường 7, TP Đà Lạt) đã tìm đến Tuổi Trẻ để bày tỏ những trăn trở của mình.

Rau sạch: bán không ai mua, mua không ai bán - Ảnh 1.

Vườn rau sạch tại trang trại Langbiang Farm (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) của ông Trần Huy Đường có đánh số từng lô, thửa để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Đây là quy ước cơ bản canh tác nông sản VietGAP, GlobalGAP - Ảnh: M.VINH

Ông Đường là người đã có hơn 20 năm làm nông nghiệp, từ một người chăm bón từng thửa đất trồng rau, hoa nay ông đã điều hành một nông trại công nghệ cao lớn bậc nhất ở Lâm Đồng. Ông cũng đã có tâm thư gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra những rào cản ngăn sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Ông Đường tâm tư: "Đối với ngành sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... xuất hiện một nghịch lý mà 10 năm qua khó có cơ hội nói, có nói cũng khó gỡ khiến người tiêu dùng lẫn nông dân thiệt đủ đường. Rau sạch bán không ai mua, mua không ai bán".

Chuỗi liên kết bị thao túng!

* Thưa ông, cụ thể nghịch lý này như thế nào?

- 20 năm làm nông, tôi có hơn 10 năm cùng ngành sản xuất nông sản Đà Lạt đi theo ngọn cờ nông sản sạch tiêu chuẩn: Rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Ngần ấy năm "chiến đấu", tôi nhận ra chuyện thế này: người tiêu dùng khao khát nông sản sạch và họ sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để mua rau sạch. Bởi thế nên khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài lần theo dấu vết rau VietGAP "dỏm" khiến dư luận bức xúc đến đỉnh điểm.

Còn người sản xuất, nông dân chúng tôi sản xuất nông sản sạch đúng các tiêu chuẩn thì lại không bán được.

Phần lớn nông sản chất lượng cao theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... chúng tôi chỉ xuất bán sang Nhật, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... Không phải chúng tôi muốn bán đi xa, muốn xuất khẩu cho có lời nhiều. Bản thân việc xuất khẩu cũng không cho lợi nhuận cao tương xứng vì giá xuất khẩu cõng theo rất nhiều chi phí liên quan.

Như vậy, bán trong nước có khi lợi nhuận còn tốt hơn vì tiết kiệm được chi phí vận hành. Nhưng không bán được trong nước thì phải xuất khẩu thôi, nông trại đã dựng lên, đầu tư tiền tỉ vào rồi. Nghe thì nghịch tai nhưng đó là chuyện có thật.

Mấu chốt nằm ở chỗ liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản đang bị thao túng. Liên kết phổ biến hiện nay: người tiêu dùng - nhà phân phối (siêu thị, chuỗi cửa hàng...) - nhà cung ứng (đại lý thu mua và cung cấp) - nhà sản xuất (nông dân). Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất và cung ứng là một.

Ngay giai đoạn này đây, nhà phân phối đang chiếm ưu thế. Họ là hào lũy lớn gom hầu hết khách hàng chịu chi để mua nông sản sạch về phía họ bằng nhiều chính sách kinh doanh. Đối với người tiêu dùng, các chuỗi, siêu thị là kênh dễ tiếp cận, tiện lợi nhất.

Sự tiện lợi và lớn mạnh của nhà phân phối đã tạo ra một điều đáng sợ: các đối tượng trong chuỗi liên kết cung ứng nông sản đã lệ thuộc vào nhà phân phối.

Nếu các chuỗi phân phối không bán đúng món hàng là nông sản sạch mà người tiêu dùng bỏ nhiều tiền ra để mua thì sao? Nếu các nhà phân phối không mua nông sản sạch như cam kết thì sao? Câu trả lời đã được báo Tuổi Trẻ đưa ra trong suốt tuần qua rất xác đáng.

Nếu cơ quan quản lý nhà nước không giám sát các chuỗi thì vô hình trung đã đẩy ngành sản xuất nông sản chất lượng cao đi vào ngõ cụt, nông sản chất lượng cao không đến được tay người tiêu dùng như họ đã mong muốn.

Không ai kiểm tra nông dân có làm đúng không

* Nhiều người nói bỏ VietGAP đi cho xong, giữ làm gì khi chứng nhận phương thức sản xuất này hiện chỉ là con tem có công năng làm giá thay vì bảo chứng cho chất lượng?

- Tôi cho rằng nhìn nhận thế là chưa đúng. Thế này nhé, VietGAP thực ra rất tốt, quy trình này giúp người nông dân có thể canh tác được nông sản chất lượng cao theo từng bước, rất cụ thể. Khâu chất lượng vệ sinh an toàn được đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Vấn đề lớn nằm ở chỗ khâu giám sát phương thức thực hành nông nghiệp VietGAP. Người ta cấp giấy chứng nhận khi chưa đánh giá hạ tầng sản xuất của nông dân: vườn, quy trình canh tác, nhật ký đồng ruộng, nhà sơ chế, nhà vệ sinh... Sau khi cấp giấy rồi không ai kiểm tra nông dân có làm đúng không.

Ở khâu hậu kiểm, thực sự là chỉ trời biết đất biết. Tâm người khi bị áp lực của doanh số, lợi nhuận từ nhà phân phối thì méo mó ngay.

* Từ góc nhìn người trong cuộc, ông có đề xuất gì?

- Tôi cho rằng chuỗi liên kết phải có các quy định liên quan đến giám sát chất lượng, thực hiện quy trình sản xuất.

Quyền giám sát được trao cho các đối tượng trong chuỗi liên kết như một quyền lợi và nghĩa vụ. Khi bước vào trong chuỗi sản xuất nông sản VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... sẽ không ai vô can trước mọi vấn đề về chất lượng, quy trình sản xuất nên chúng ta phải giám sát chéo.

Từ trước đến nay, chúng ta hay "ù xòe" cho nhau. Cho nên cái sai nối tiếp cái sai, hết năm này qua năm nọ. Khi có một sự cố đủ lớn xảy ra, ai nấy đều thoái thác trách nhiệm gây thiệt hại cho cả một ngành, một vùng nông sản.

Cần áp dụng biện pháp chế tài nặng hơn nữa. Như vậy, khi tăng mức phạt vi phạm các quy định về chất lượng nông sản, người sản xuất, kinh doanh nông sản sẽ có trách nhiệm và cẩn thận hơn với từng chế phẩm bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản.

Trong chuỗi liên kết thì phạt nặng nhà phân phối - trung gian bán cho người tiêu dùng, vì nhà phân phối là người giám sát cuối cùng và ở góc độ nào đó họ có "quyền lực" nhất trong chuỗi liên kết sản xuất nông sản.

Làm chặt chẽ sẽ có "đau đớn", sẽ có sự lạnh lùng nhưng nó tốt cho tất cả, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản sạch. Chỉ có như thế, người tiêu dùng mới chịu chi tiền tương ứng với chất lượng nông sản mà không phải gờn gợn như hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại